Bài 13. Tránh thói ích kỷ hại nhân
1. Lời Chúa: Chúa phán: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. Câu chuyện: Xin mù một mắt.
Có một chàng trai có số khổ, bởi đi đâu anh cũng đều than: “Tui khổ quá!” Ông bụt nghe anh ta kêu khổ như thế, nên ngày nọ đã hiện ra và nói với anh:
– Thôi con đừng than khổ nữa, ta cho con một điều ước. Nhưng điều ước này có một điều kiện là: khi con ước được điều gì thì người hàng xóm mà con thù ghét sẽ nhận được gấp đôi của con.
Chàng trai liền suy tính:
– Nếu ta muốn có 1 triệu USD để xài mà cái thằng hàng xóm chết tiệt kia ngồi không lại nhận được gấp đôi số tiền của ta hay sao?
Bỗng anh ta nảy ra trong đầu một ý nghĩ táo bạo để trả thù tên hàng xóm đáng ghét kia, nên anh liền vui vẻ thưa với ông Bụt như sau:
– Thưa bụt, con ước con bị mù 1 con mắt, để tên hàng xóm kia sẽ bị đui cả 2 con mắt luôn!
3. Suy niệm:
Chàng trai lẽ ra ước mong điều tốt để làm hoà với người hàng xóm và cả hai đều được hưởng hạnh phúc, thì lại làm điều ngược lại là ước cho mình bị mù một mắt để kẻ thù của anh bị mù hai mắt. Đó chính là biểu hiệu của thói ích kỷ hại nhân.
Ngày nay có lẽ nhiều người cũng có suy nghĩ ích kỷ như vậy: Thay vì chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân, thì lại vui khi thấy kẻ mình không ưa bị tai ương hoạn nạn. Thay vì ước mong điều lành cho tha nhân, thì lại tìm cách gây đau khổ bất hạnh cho kẻ mình không ưa.
4. Thảo luận: Trong nhà hội có đông người, nhưng chỉ được bố trí có vài ba chiếc quạt mát. Bạn có nên để quạt ở chế độ đứng tại chỗ bạn đang ngồi, mà không cho ở chế độ xoay để nhiều người khác cũng được hưởng gió mát hay không? Tại sao?
5. Lời cầu: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói ích kỷ hại nhân, khi chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình và của các người thân, mà không biết nghĩ đến ích chung của tập thể. Xin cho chúng con biết quên mình để nghĩ đến người khác, hầu chúng con nên người trưởng thành nhân cách, và gây được thiện cảm với mọi người.- Amen.