Bài 12. Các phương cách gây thiện cảm
1. Lời Chúa: Chúa phán: “Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. Suy niệm:
Đắc nhân tâm hay thuật gây thiện cảm là điều kiện quan trọng đ30ể thành công trong mọi việc. Sau đây là một số nguyên tắc giúp gây thiện cảm với tha nhân:
1) Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để gây được thiện cảm với người khác là phải có thiện cảm với người khác trước, thể hiện qua sự mỉm cười thân thiện, chủ động bắt chuyện làm quen với người mới và hiểu biết một số điều thông thường như: tên, tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh, nhà ở… của họ.
2) Cần theo nguyên tắc của Đức Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Trong Cựu Ước, Tôbia cha đã khuyên Tôbia con như sau: “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a).
3) Cần lưu ý về y phục của mình như người xưa dạy: “Y phục xứng kỳ đức”: Một người ăn mặc lịch sự sẽ dễ gây cảm tình của người khác hơn một kẻ ăn mặc cẩu thả lôi thôi.
4) Cần loại bỏ tính khép kín cục bộ nhưng biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân. Luôn giữ nét mặt vui tươi khi tiếp xúc vì sự vui vẻ dễ chinh phục tình cảm của người đối diện hơn thái độ ủ rũ chán chường.
5) Hãy nhớ ngày sinh nhật của người khác và chủ động gọi điện, gửi thiệp hay quà mừng tùy theo tình trạng quen sơ hay thân. Bạn có thể tìm ngày sinh trên thẻ căn cước công dân, bằng lái xe hoặc sơ yếu lý lịch hay trên các trang … để biết ngày sinh của họ và ghi vào sổ tay để chúc mừng. Cần gọi đúng tên của người khác: Vì ai cũng nhạy cảm với tên của mình. Nhớ được tên để xưng hô là cách gây thiện cảm hiệu quả.
6) Về lời nói: Người xưa dạy: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Khi trả lời điện thoại bạn cần nói giọng vui vẻ chứ không miễn cưỡng ngay từ tiếng “alô” đầu tiên. Thánh Gia-cô-bê cũng dạy: “Mau nghe, chậm nói và khoan giận” (x. Gc 1,19).
7) Khi nói chuyện cần nghe hơn là nói nhiều. Cần cho người nói cơ hội bộc lộ tâm tư tình cảm và những ưu tư rồi lắng nghe và khích lệ họ nói. Chỉ nên nói khi họ có thiện chí muốn nghe.
8) Ăn nói trung thực: Tránh khoe khoang thành tích của mình. Không phê bình chỉ trích người vắng mặt. Tránh ăn nói thô lỗ cộc cằn, cử chỉ thô bạo khiến người khác sợ hãi né tránh và đánh giá thấp về tư cách của bạn. Thánh Gia-cô-bê cũng có lời khuyên các tín hữu kềm chế miệng lưỡi của mình (x. Gc 3,1-12).
9) Nên thảo luận để tìm chân lý chứ không tranh luận hơn thua vì dễ dẫn đến sự giận dỗi và thù ghét nhau.
10) Tập làm trạng sư bào chữa lỗi lầm của anh em hơn là nghĩ xấu, nói xấu vì sẽ đưa tới chia rẽ ly tán.
11) Cần khen cách thành thật và đúng lúc đúng chỗ. Tránh thói xu nịnh bợ đỡ hèn hạ như người xưa dạy: “Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải thì là thầy ta. Ai nịnh hót ta đó mới chính là kẻ thù của ta vậy”.
12) Hãy đi bước trước làm hòa với những ai đang hiểu lần và thù ghét mình noi theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su (x. Mt 5,43-48).
13) Hãy bao dung độ lượng và dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm của người khác như Chúa dạy (x. Mt 18,21-22).
14) Cần sửa lỗi cho nhau cách tế nhị và khôn ngoan (Mt 18,15-17).
15) Khi ứng xử cần đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm thông và giúp đỡ chân tình như lời Chúa phán: “Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
16) Đừng vạch lá tìm sâu, nhưng tập nhìn mặt tốt của người khác. Tránh mang định kiến hẹp hòi về người khác.
17) Cần tôn trọng ý kiến đa số trong tập thể và tránh lối hành xử độc đoán.
18) Cần cư xử cách trung thực quang minh chứ không giả dối che đậy.
19) Không can thiệp vào việc riêng của người khác nếu họ không yêu cầu.
20) Cần tế nhị kín đáo khi giúp đỡ bạn bè về tài chính để tránh cho họ khỏi bị mặc cảm tự ti.
3. Thảo luận: Hãy cho biết những nguyên nhân thường gây tranh cãi bất đồng giữa các thành viên trong tập thể là Gia Đình hay Cộng Đoàn?
4. Lời cầu:
Lạy Chúa. Chúa đã dạy các môn đệ, trong đó có các tin hữu chúng con hôm nay về cách đối nhân xử thế để gây thiên cảm với mọi người: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta”. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi Lời Chúa là quên mình và nghĩ đến người khác, cụ thể là lắng nghe để cảm thông, để động viên chia sẻ, để khiêm nhường phục vụ tha nhân với hết khả năng, hầu nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt mọi người. – Amen.