Giáo Dục Nhân Bản – Bài 7: TÔN GIÁO

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – Bài 7: TÔN GIÁO

I-  Sự kiện tôn giáo.

Trên thế giới hôm nay nơi nào cũng có người tin theo đạo, không theo đạo này thì cũng theo đạo khác. Như thế phải nói con người với tôn giáo phải gắn liền với nhau như xương thịt của họ. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu căn bản thiêng liêng, con người không thể sống mà không có tín ngưỡng tôn giáo.

Tôn giáo là gì? Đạo là chi?

Danh từ tôn giáo do tiếng religare của La ngữ, có nghĩa là gắn liền nối kết. Nó gắn liền con người với Đấng thiêng liêng. Sự gắn kết này thực hiện bằng những tâm tình tôn kính, thờ phượng, cầu xin hoặc bằng những hình thức bên ngoài : lời nói, lễ nghi, luật lệ.

Nhờ tôn giáo con người có thể hiệp thông với Đấng thiêng liêng bằng nhiều cách : bằng sự hiến thân, bằng sự tùng phục hoặc vì nguồn lợi cho họ. Xem lịch sử, việc thờ phượng chúng ta thấy rõ điều đó. Con người nghĩ rằng : Để tỏ lòng tôn kính Đấng tối cao, họ phải sát tế loài vật cũng như con người, họ phải thần phục suy tôn với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ. Lúc đầu khi con người chưa hiểu biết, có khi thấy những sức mạnh phi thường, họ sợ hãi nên thờ kính. Chẳng hạn khi lửa ghê tởm quá, họ thờ thần lửa để lửa không còn đốt cháy làm hại. Khi thấy nước lụt giết chết muôn loài, kể cả loài người, họ sợ quá, nên thờ thần nước, để nước không còn tràn ngập giết chết họ và làm hại muôn loài muôn vật. Có thể nói đó là nguồn gốc các việc thờ tà thần, dị đoan mê tín…

Các việc tin thờ của người thời cổ đó dẫn đến việc thành lập các tôn giáo với các niềm tin khác nhau, khi con người đã văn minh hiểu biết :

  •     Tin linh hồn thường là bất diệt, trường tồn, do đó có việc tôn kính người chế
  •     Tin thần trí nhân từ hay thù nghịch, bao trùm vạn vật vũ trụ.
  •     Nhân cách hóa vũ trụ vạn vật đưa đến việc thờ thần này, thần nọ, như thần đất, thần lửa…
  •     Tin một Đấng tối cao, thiêng liêng tạo dựng vũ trụ và loài người, hoàn hảo và trường tồn. Đấng đó cao cả hơn hết các thần trí và đôi khi được gọi là Cha.

Trong các niềm tin đó, việc tin tưởng đời sau kiếp sau được nhiều tôn giáo đề cập đến.

II-  Ấn Độ giáo

Đại đa số dân Ấn Độ theo một tôn giáo gọi là Ấn giáo. Ấn Độ là một thế giới mênh mông và đa dạng, huyền bí và thật khó hiểu, nhưng cũng rất hấp dẫn, có một lịch sử lâu dài, là một vùng đất với nhiều sự tương phản mãnh liệt. Có cả thảy 680 tín đồ Ấn giáo. Các bậc thầy về mặt tinh thần, tức là những « gourou » của các tôn giáo Đông phương, đã lôi kéo nhiều người trẻ tại Châu Âu. Ở Pháp, tín đồ đạo Krishna nhảy múa ngoài đường theo tiếng trống con và tiếng lục huyền cầm.

1-  Kinh điển của Ấn giáo

Ấn giáo có các sách thánh của riêng mình. Thuộc vào sổ sách cổ xưa nhất, có một sưu tập các bản văn mà các tín đồ Ấn giáo gọi là « trí thức tuyệt hảo ». Tức là kinh Veda (Phật đà) được viết bằng tiếng Phạn. Có những bài chú giải đi kèm theo các bản văn này, trong số đó có các kinh Upanishads (Huyền bí thư) hay là các « suy tư triết học ».

Ngoài ra phải kể đến kinh Bhagavad-Gita, tức « Chí tôn ca » là tác phẩm nổi tiếng nhất của văn chương Ấn độ bộc lộ linh hồn của đất Ấn, là sách gối đầu gường của Gandhi, được xác nhận là đã viết trong khoảng giữa thế kỷ 2 và thế kỷ 1 trước Công nguyên.

2-  Thần minh của Ấn giáo.

Phải chăng các tín đồ Ấn giáo tin vào nhiều vị thần khác nhau ? Xin thưa là không. Nhưng họ đưa ra nhiều quan điểm về Thượng Đế. Họ cho rằng Thượng đế tỏ mình ra cho ta dưới nhiều dấu chỉ khác nhau.

Trong Ấn giáo có một dạng Thượng đế ba ngôi nào đó. Đó là Brahma sáng tạo. Vishnou khôi phục và Civa hủy diệt. Vishnou thường được vẽ đang ngủ, nằm dài trên lưng một con rắn có 1.000 cái đầu. Để khôi phục trật tự thế giới. Thần Vishnou can thiệp vào trái đất dưới những hình thức được gọi là « hóa thân », tức là những « cuộc hạ thế » hay nhập thể dưới hình dạng một con vật hay một con người. Quan trọng nhất là các cuộc hóa thân làm người dưới dạng Rama và Kishna. Có nhiều đền thờ được dâng hiến hoặc cho Civa hoặc cho Vishnou. Ngoài ra cũng còn có hằng trăm thần và bán thần khác nữa.

3-  Giáo lý

Một tín đồ Ấn giáo được tự do quyết định thực tại tối thượng là một tinh thần vô ngã, túc là Brahman (trung tính) hay một vị thần có ngã vị tức là Brahman (nam tính). Họ xem thế giới hữu hình là « maya » tức là ảo ảnh. Linh hồn con người được gọi là « atman ». Nó phải tùng phục Karman (hay nghiệp quả), một từ có nghĩa là hành động, gồm cả công trạng lẫn thành tích bất hảo mà cá nhân đã làm khi còn sống.

Linh hồn được thanh luyện qua một vòng luân hồi hóa kiếp. Kẻ ăn trộm lúa biến thành chuột, người dữ tợn hóa thành cọp…Việc các linh hồn lưu chuyển như thế được gọi là Samsâra, tức là « sự luân hồi của vũ trụ ». Để tránh các « khổ dịch muôn kiếp », cần phải chu toàn bổn phận,

Tức là « dharma ». trong số đó, có bổn phận tôn trọng luật giai cấp – các thầy Bsamanes (Bà la môn) là giai cấp cao nhất – và thực hành việc đạo đức như hành hương đến Bénarès, chay tịnh, khổ chế, ăn ngay ở lành, khiết tịnh, tự chủ, từ bỏ, bất bạo động như Gandhi hằng chủ trương.

Bấy giờ sẽ đạt tới « nirvanâ » (niết bàn), là « sự tiêu dục », đó là lúc linh hồn gặp được Brahman, được tan biến trong tất cả. Yoga, có nghĩa là « hiệp nhất, liên kết », được người Tây phương coi như một hình thức thể dục, nhưng được tín đồ Ấn giáo xem là phương thế để đi vào đời sống huyền nhiệm. Trong tôn giáo này cũng có vô số giáo phái và niềm tin khác nhau.

Ấn giáo mang lại cho chúng ta điều gì ? Các tín đồ của đạo này là những người « sống nội tâm ». Họ nghĩ rằng người Tây phương sống quá hời hợt. Ấn giáo dạy các Kitô hữu biết tìm kiếm các lợi ích khác ngoài lợi ích vật chất ; hướng đến sự an tĩnh của linh hồn  bằng sống từ bỏ : dành ưu tiên cho việc làm giàu đời sống tâm linh nhằm thể hiện cái linh thánh nơi mình và lấy việc truy tầm chân lý vĩnh cửu làm lẽ sống cho cuộc đời.

Những mặt khác theo chúng ta hệ thống luân hồi của Ấn giáo là một quan niệm thật bi quan các nghi lễ tầm thường và mê tín nhất đôi khi được đặt ngang hàng với nghi lễ thuần khiết và thiêng liêng nhất.

III-  Phật giáo

Đây là một tôn giáo bắt nguồn từ Ấn giáo, được cải cách lại do một Hoàng tử tên là Gautama, tự là Bouddha (Phật đà). Tôn giáo này có mặt nhiều nhất tại Châu Á. Tuy được khai sinh tại Ấn Độ, nhưng thực tế mà nói đạo Phật không phát triển ở đó. Có 310 phật tử, trong số đó tại Pháp là 500.000 người

1-  Cuộc đời của Đức Phật.

Thật khó phân biệt trong đời ngài điều gì có thật trong lịch sử và điều gì chỉ là huyền thoại, Siddgarta Gautama sinh ra trong một gia đình khá giả ở vùng biên giới Nepal. Ngài có đầy đủ để sống hạnh phúc. Một ngày kia Ngài gặp một cụ già lom khom, lần khác gặp một người mắc bệnh dịch, lần khác nữa một xác chết. Già lão, đau khổ, chết chóc : đó là ba điều mặc khải về số phận chung của loài người. Nhờ lần gặp gỡ thứ tư với một tu sĩ hành khất mà Ngài tìm ra được phương thuốc chữa trị ba căn bệnh trên.

Ngài từ bỏ lâu đài và vợ con để sống cuộc đời khổ hạnh. Thế nhưng Ngài vẫn chưa hài lòng về những điều khổ hạnh mình đã thực hiện được. Sáu năm sau khi dừng lại dưới một gốc cây bồ đề, ngài mới hiểu rằng giờ khám phá ra bí mật của sự đau khổ trong vũ trụ đã đến. Lúc ấy ngài quả là đã được giác ngộ hoàn toàn : biết được các nguyên nhân gây ra đau khổ và các phương thuốc chữa trị nỗi khổ của nhân loại. Gautama trở thành Bouddha, nghĩa là « người được soi sáng, được giác ngộ ». Ngài đã thoát được vòng luân hồi.

Ngài đã có thể vào cõi niết bàn. Nhưng vì lòng từ bi, ngài quyết định ở lại dương thế để thuyết pháp về đạo cho chúng sinh.

Trước tiên ngài giảng dạy ở gần thành đô của Ấn Độ. Đó chính là : « Bài thuyết pháp tại Bénarès » rất thời danh. Sau 45 năm dong ruổi, ngài viên tịch khi đã 80 tuổi, mệt mỏi và hạnh phúc ; ngài năm nghiêng bên phải và đi vào cõi niết bàn. Xác ngài được hỏa thiêu và di cốt được tôn kính trong những ngôi đền gọi là « stupas ».

2-  Giáo lý của Đức Phật

Đức Phật không viết lách gì cả, nhưng những lời thuyết pháp của ngài – được chép lại và chú giải sau đó. Trong giáo thuyết của ngài ta không thấy có ý tưởng về một vị thần có ngã vị. Phật giáo là một tôn giáo không có Thượng Đế, mà là một nền minh triết, một quan niệm triết lý.

Khám phá quan trọng của Đức Phật hệ tại ở điều này : cuộc đời là một bể khổ ; có đau khổ là vì có ước muốn, muốn được hiện hữu, muốn được thay đổi liên tục, muốn nếm cảm và hiểu biết mọi sự. Muốn hết khổ thì phải dập tắt khát vọng, phải biết diệt dục. Còn thần thánh có hiện hữu hay linh hồn có bất tử không, điều đó chẳng lợi ích gì. Muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó là muốn còn biết tất cả ; và vì thế tiếp tục bất an và đau khổ.

Nếu muốn thoát khỏi bánh xe « luân hồi » liên tục trong những kiếp khác, là cây cối hay là thú vật, ta phải sống hết sức hòa hợp với thiên nhiên ; giữ tâm hồn hoàn toàn thư thái trong mọi hoàn cảnh, sống trung dung giữa khổ hạnh và thế tục ; không tà dâm loạn dục, yêu mến sự thật, tự trọng, sống khiết tịnh, khiêm nhượng, hảo tâm, từ bi, khổ hạnh, vui vẻ, chấp nhận đau khổ và mọi điều trái ý. Để làm việc này, phải tin tưởng vào bản thân mình chứ đừng cậy dựa vào thần thánh.

Khi đến cuối đường tinh luyện này, ta sẽ đạt tới tình trạng hiểu biết trọn vẹn, là sự Giải thoát, là Niết Bàn, có nghĩa là « tịch diệt, không hiện hữu » là được giải thoát khỏi các kiếp luân hồi.

3-  Ba con đường chính

Phật giáo chia làm tam thừa hay ba cỗ xe, “Tiểu thừa” là nhánh Phật giáo chính gốc. Ở Sri Lanka, Mianma, Thái Lan, Cam bốt. « Đại thừa » là nhánh phát triển rộng hơn hết ở VN, Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên. Đạo thiền của Phật giáo rất được phổ biến ở Nhật. Cuối cùng là « Phù chú thừa » ở Tây Tạng và Mông Cổ.

4-  Phật giáo mang lại cho ta điều gì ?

Phật giáo nhìn nhận thế giới biến dịch này là bất toàn. Đạo Phật đã giúp nuôi dưỡng đời sống tâm linh của rất nhiều bậc khồ tu và hiền triết để đi tìm sự giải thoát trọn vẹn. Đạo Phật hô hào sống hòa bình, tôn trọng sự sống, sống lân mẫn, dịu dàng và bác ái.

Tuy nhiên, nỗ lực cao quý để sống thanh khiết và thư thái hơn ấy đã bị cắt ngang khi kết thúc trong cõi niết bàn không có Thượng Đế.

IV-  Hồi giáo

Hồi giáo là tôn giáo của những người Hồi, là những người tuân phục Thiên Chúa, tuân phục Lời Chúa và Thánh Ý Ngài. Chữ « islam » – từ đó sinh ra gốc Hồi giáo – có nghĩa là tuân phục, vâng lời, phó mình cho Chúa.

Hiện nay có khoảng 870 triệu tín đồ Hồi giáo, kể cả những người ngoài khối Ả Rập. Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ nhì tại Pháp Với khoảng 3 triệu tín đồ.

1-  Cuộc đời của Đức Mahomet

Ngài sinh năm 570 tại La Mecque, Ả Rập, mồ côi từ bé và được người chú nuôi dạy. Lớn lên ngài giúp việc cho một người họ hàng giàu có, chuyên hướng dẫn đoàn đi buôn rồi sau đó cưới lấy bà. Trong lúc đi đây đi đó, chắc ngài dã nghe đến Apraham, luật Môse, cũng như Tin Mừng do Đức Giêsu rao giảng.

Vào năm 40 tuổi, khi ở một mình trong hang động, ngài đã nhận đươc mặc khải đầu tiên, làm ngài bàng hoàng kinh động. Ngài cho rằng mình đã thấy Thiên Thần Raprien và Thiên Thần ra lệnh cho ngài đi giảng đạo. Ngài ý thức rằng một cuốn sách đã được ban xuống trong tâm hồn mình. Mahomet trở thành « ngôn sứ » và cảm thấy mình được kêu gọi đi giảng đạo cho La Mecque, thánh đô của Ả Rập –lúc đó đầy rẫy các ngẫu tượng – về tính duy nhất của Thiên Chúa.

Tại La Mecque, ngài đã bị bách hại. Ngài bỏ trốn đến ốc đảo Yathrib ở miền Bắc. Cuộc đào tẩu này mở ra một kỷ nguyên Hồi giáo, khởi đầu ngày 16-7-622, sau này, yathrib trở thành Mécque, « kinh thánh của Đức Ngôn sứ ».

Tại đây, ngài suy tư, minh định giáo lý và quyết định dùng thánh chiến để ép người ta phải theo đạo. Năm 630 ngài chiếm thành La Mecque đã đập đổ hết mọi ngẫu tượng, đồng thời áp đặt nền tôn giáo mới. Ngài qua đời ngày 8- 6-632 sau khi đã quy tụ các bộ tộc Ả Rập thù nghịch lại với nhau, bằng cách kết hợp họ lại trong một đức tin vào Thiên Chúa độc nhất của Apraham

2-  Giáo lý của đạo Hồi.

Giáo lý này được chứa đựng trong kinh Coran, gồm các mặc khải mà Đức Mahomet đã nhận được tại La Mecque và tại Medine. Kinh được viết bằng tiếng Ả Rập gôm 114 phần chia thành 6.000 tiết. Là sách được « linh hứng » và phải được hiểu theo sát chữ. Chính bản thân Mahomet chẳng viết gì. Về sau kinh Coran được bổ túc thêm bằng cuốn Sunna, ghi chép các việc làm của Mahomet, và các sách Hadith, gom góp các truyền thống.

Đức Allah là Thiên Chúa độc nhất và Mahomet là ngôn sứ của Người. Các biến cố trên thế giới chỉ xẩy ra được là do Người muốn. Các tín đồ Hồi giáo phải tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Khi lần hạt họ ưa nêu lên 99 thánh danh đẹp nhất của Thiên Chúa như Đấng hành thiện, Đấng thương xót..

Thiên Chúa đã nói với loài người qua những con người, là các ngôn sứ, trong đó có Ápraham, Môse và Giêsu, con của trinh nữ Maria. Đức Giêsu không được coi là con Thiên Chúa. Đức Mahomet là vị ngôn sứ cuối cùng : ngài cũng không phải là Chúa.

Để ban thưởng cho sự tùng phục của các tín đồ, sau khi chết họ sẽ được hưởng một cuộc sống vĩnh cửu đầy khoái lạc, bên cạnh các thánh nữ đồng trinh, trong các ốc đảo mát mẻ. Còn kẻ dữ sẽ vào hỏa ngục.

3-  Các việc thực hành của Hồi giáo

Hồi giáo có 5 việc bắt buộc phải làm, gọi là « năm cột trụ ».

3.1- Tuyên xưng đức tin:  “Chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Allah và Mahomet là ngôn sứ của người”

3.2- Cầu nguyện: Tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyện một ngày 5 lần bằng cách để chân chạm mặt đất. Tại các thành phố, tiếng của tu sĩ lo việc báo giờ cầu nguyện sẽ vang lên từ các tháp cao của giáo đường kêu gọi các tín hữu đến cầu nguyện.

3.3- Kỳ chay Ramadan : trong suốt một tháng, từ khi mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, tín đồ phải kiêng ăn, uống và hút thuốc.

3.4- Bố thí theo định luật

3.5- Hành hương đến La Mecque, một lần trong đời, nếu có thể được.

Còn các điều khác đều được phép làm. Hồi giáo không lên án tục đa thê. Mahomet đã có rất nhiều thê thiếp. Cuộc thánh chiến tuyệt vời nhất phải là cuộc chiến đấu chống lại các đam mê và các bản năng xấu xa của mình.

4-  Các giáo phái

Hồi giáo có hai nhánh không đều nhau do sự bất đồng ý kiến về việc kế vị Đức Ngôn sứ. Nhánh Sunnites hay là nhánh theo truyền thống chiếm 90 % tín đồ, nhánh Chiites ở Iran hay là nhánh chủ trương chính tông chiếm 10% tín đồ, nhóm này chỉ công nhận quyền hành của những người thuộc dòng họ Mohamet và trông đợi một Đấng Mêsia sẽ đến tái lập sự công bình.

5-  Hồi giáo mang lại cho chúng ta điều gì ?

Hội thánh trân trọng các tín đồ Hồi giáo vì đã có ý thức chỉ tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất toàn năng và nhân từ, và luôn tìm cách vâng theo thánh ý Người. Họ tôn kính Đức Giêsu như một ngôn sứ và Mẹ người là Đức Trinh nữ Maria. Trong tháng Ramadan, họ sống đời sống tôn giáo thật gắt gao. Họ rất hiếu khách, quảng đại và công bình.

Tuy nhiên, các Kitô hữu tiếc rằng Hồi giáo theo thuyết định mệnh, nhằm đến một thiên đàng nhục cảm, muốn dùng thánh chiến như một phương thế đấu tranh chính trị và truyền đạo nhân danh Đức Allah.

Về phần Đức Thánh Cha, kể từ sau Vaticano II, ngài không ngớt cổ võ việc đối thoại sâu xa giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Tín đồ của cả hai bên phải cố gắng thông cảm lẫn nhau, đồng thời cùng nhau gìn giữ và thăng tiến sự công bình xã hội, các giá trị luân lý, nền hòa bình và sự tự do cho hết mọi người.

V-  Do Thái hiện nay

Dạo Do Thái vẫn giữ nguyên như thời trước Đức Kitô. Họ tin vào một Thiên Chúa độc nhất, thưởng phạt ở đời sau. Họ tuân theo 10 điều răn đã được Chúa ban trên núi Xinai, và tuân theo lề luật. Họ trông đợi Đấng Mesia. Họ mừng lễ Vượt Qua với thịt chiên và bánh không men để kỷ niệm ngày được giải thoát  khỏi Ai Cập. họ nghỉ ngơi và mừng ngày Sabat tại Hội đường có chứa sách Torah – là sách luật Môse và Ngũ Thư, tức là 5 cuốn đầu tiên của Kinh Thánh, ghi chép luật ấy. Yom kippour là ngày đại xá. Họ cầu nguyện với nhau trong gia đình vào các dịp kỷ niệm những biến cố lớn trong cuộc đời như cắt bì, cưới hỏi hay tang chế.

Do Thái giáo mang lại cho ta điều gì ?

Hội Thánh công giáo nhìn nhận người Do Thái là anh của chúng ta trong đức tin. Kitô giáo đâm rễ sâu trong đạo Do Thái, và các Kitô hữu không việc gì phải chối bỏ các bậc tiền bối của mình. Chính từ nơi Do Thái giáo mà Kitô giáo có được bộ sách Cựu Ước, là các Lời Chúa hứa. Chính Đức Kitô cũng đã được sinh ra do một người phụ nữ Do Thái là đức Trinh Nữ Maria. Các Tông Đồ là nền móng và là rường cột của Hội Thánh, cùng với một số đông môn đệ loan Tin Mừng của Đức Giêsu cho thế giới, đều xuất thân từ dân Do Thái. Thánh Phaolo luôn hãnh diện vì được thuộc về nòi giống này.

Không được bắt toàn thể người Do Thái phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Chính vì tội lỗi của mọi người mà Đức Giêsu đã chịu khổ nạn và chịu chết trên thập giá.

Đại đa số người Do Thái không chấp nhận sách Tin Mừng, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Tuy vậy Chúa vẫn rất yêu thương họ và không ngừng ban ơn cũng như không ngừng kêu gọi họ, như Công đồng đã nói.

Hội Thánh luôn phản đối các sự ngược đãi mà người Do Thái phải gánh chịu trong suốt dòng lịch sử, dù do bất kỳ ai gây ra.

Cả người Kitô hữu lẫn người Do Thái đều được kêu gọi hãy vượt qua sự nghi kỵ để tìm gặp nhau và nhìn ra những kho tàng chung. Đó chính là ý nghĩa của cuộc thăm viếng lịch sử của Đức Thánh Cha Gioan – Phaolo II tại Hội đường Roma ngày 13.4.1986, tại đó ngài đã tuyên bố với cộng đồng Do Thái rằng : “Các bạn là những người anh em mà chúng tôi quý mến nhất” (Doc. Cath, số 1917)

Nguồn: http://thuviensdb.org/index.php/he-thong-du-phong/item/115-giao-duc-nhan-ban

Comments are closed.