Giáo Dục Nhân bản – Bài 1: Học

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – Bài 1:  HỌC

I-   Học tập

Mục đích cốt yếu của sự học là học làm người, học để biết, rồi đem cái biết ra mà làm, học để trau dồi nhân cách, hòng giúp ích cho gia đình, xã hội.

Ngày xưa, người mình chỉ chuyên chú về cái học thi cử, danh phận, cái học “sôi kinh nấu sử” để mong giật giải tranh chức. Ngày nay, người ta đã chú trọng đến cách học thực nghiệm, nhưng vẫn làm sửa đổi hẳn lối học lầm đường, quen gọi là lối học nhồi sọ”, làm hao tổn tinh thần và sức khỏe một cách tai hại.

Học phải suy nghĩ, miệng đọc mà bụng không suy, thì chỉ thuộc lòng, không hiểu rõ được nghĩa lý. “Học mà không suy nghĩ thì mờ tối, suy nghĩ mà không học thì nghi ngờ”

Học cốt phải chăm chú; có ham học, có hiếu học, mới chóng tiến bộ. sách có câu: “ mỗi ngày  mình biết thêm những điều chưa biết, mỗi tháng chẳng quên những điều đã biết; như vậy có thể gọi là người hiếu học”. Học cần phải chuyên; có chuyên mới tiến bước đều. Học không chuyên không khác gì một ngày dãi nắng, mười ngày để lạnh, muốn học thì phải hỏi, cho nên người ta gọi là học vấn, có hỏi mình mới được nghe nhiều, biết rộng biết rõ những điều mình học, phân biệt được điều phải, điều trái. Ta hỏi Thầy, hỏi bạn, hỏi những người có trình độ, có kinh nghiệm, “không thẹn mà hỏi những người bậc dưới”, như thế ta mới học được nhiều điều ích lợi.

Có học, phải có tập, mới tinh thông. Học lý thuyết mà không thực hành, thì không hiểu rõ và không ứng dụng được những điều mình học.

Tóm lại, học phải suy nghĩ, phải chuyên cần, phải xét hỏi, phải thực hành thì mới mong  đạt kết quả tốt.

Sách Trung Dung có câu: “Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức”. Học vấn, học hành có như thế, mới học làm người được

II-  Học, Quí Ở Tinh

Học quý ở tinh, không quý ở nhiều, quý ở phẩm hơn ở lượng. Học lấy tinh là học có suy xét, nghĩ ngợi để hiểu rõ điều mình học, để biết cho đến nơi, đến chốn cho tường tận.

Người học tinh là người có kinh nghiệm về việc đời, năng lực chủ yếu của người ấy là trí phán đoán, đem áp dụng vào việc học cũng như vào mọi việc làm.

Học lấy nhiều cốt để hấp thụ được nhiều điều , đọc được nhiều sách, nhưng không hiểu rõ được tinh thần của những điều đã học, những sách đã xem.

Người học lấy nhiều, luyện ký ức nhiều hơn năng lực hiểu biết, thường chỉ suy nghĩ theo sách vở, không có cá tính, không có sáng kiến đặc sắc. thiếu tri thức phán đoán, người học lấy nhiều, không biết lợi dụng những bài học kinh nghiệm; do đó, trí tuệ thường hẹp hòi, thiển cận.

Cho nên ta vừa phải học, vừa phải tìm hiểu; ta phải suy nghĩ những ý kiến, nhưng tư tưởng trong sách, đem so sánh với những viêc xẩy ra chung quanh xem tư tưởng ấy có xác thực không, để ta trau dồi học vấn; như thế, ta mới paht1 triển được trí phán đoán mà đồng thời vẫn luyện tập được ký ức của ta.

Học đến đâu, hiểu đến đó, học kỹ những bài trước cho thật hiểu rõ, rồi học tiếp những bài sau, thì sự học không gián đoạn, tuần tự mình đã hiểu thấu từ đầu đến cuối.

Học cho tinh, không phải chỉ chú trọng về lý thuyết, mà phải chú trọng cả về thực hành: học các môn khoa học mà không ứng dụng, thì làm thế nào mà lĩnh hội được tinh thần và áp dụng được phương pháp khoa học.

Học lấy tinh trước đã, rồi, nếu có thể, sẽ học lấy nhiều điều liên quan khác nữa.

Montagne, nhà triết học Pháp nổi tiếng bàn về vấn đề: “Giáo dục nhi đồng” đã viết một câu nghị luận trí lý: “Một bộ óc tinh luyện có giá trí hơn một bộ óc đầy chữ“.

III-   Phương pháp

Việc học tập phải có phương pháp, nghĩa là phải theo phép tắc, phải có lề lối, thì mới mau tiến bộ. sách nho có câu: “Người thợ cả dạy người tất phải lấy cái quy ‘đồ vẽ hình tròn’ và cái củ ‘đồ vẽ hình vuông’ làm khuôn phép; kẻ đi học nghề thợ mộc cũng phải theo quy củ”.

Học vấn không có quy củ thì mất nhiều công phu, mất nhiều thì giờ mà được ít kết quả, cũng như người đi đường, không biết lối lần mò, hỏi dò để tìm kiếm; không khéo thì lầm đường, lạc lối.

Nhà triết học Pháp trứ danh, Descartes đã đề xướng phương pháp suy luận: “Muốn đạt chân lý, trong đời mình, phải một phen khước bỏ tất cả những ý kiến mình đã tiếp nhận được và xây dựng lại tất cả những ý thức hệ của mình từ nền móng trở nên mới được”.

Rồi ông tự vạch ra bốn công lệ:

  •     –  Điều gì không hiển nhiên, thì không thừa nhận là xác thực
  •     – Chia mỗi vấn đề khó khăn ra từng phần nhỏ, có thể và cần phải chia ra bao nhiêu thì chia ra bấy nhiêu, để giải quyết thuận tiện hơn
  •      – Bao giờ cũng đi từ đơn giản đến phức tạp hơn
  •      – Liệt kê toàn thể và kiểm điểm tổng quát, sao cho mình chắc chắn rằng mình đã không quên xót điều gì.

Do phương pháp ấy, nhà triết học đã xác minh được nhiều điều có ảnh hưởng lớn đến văn học, triết học, cũng như khoa học.

Cho nên kẻ đi học phải chú trọng đặc biệt đến phương pháp: phương pháp phân tích, tổng hợp, quy nạp, suy diễn, thực nghiệm …. Để lĩnh hội tinh thần phương pháp, rồi mới đem áp dụng trong thực tế.

Khi đã thông suốt sự ích lợi của phương pháp, ta sẽ thấy rõ: Bất cứ làm việc gì, ta cũng nên tìm ra phương pháp, buộc mình phải theo đúng phương pháp; như thế, những hoạt động của ta được sắp xếp có trình tự hợp lý, sẽ thu hoạch được những thành quả xứng đáng.

IV-   Tri – hành

Thường tình, người ta vẫn coi tri hành (biết, làm) là hai việc cần thiết của đời người. Học để mà biết, biết để mà làm. Có người học một cách dễ dàng mà biết, có người học khốn khổ mới biết được. Có người làm một cách an nhàn, có người gắng sức lắm mới làm được.

Có nhiều việc người ta biết rõ ràng mà không làm được, vì hoàn cảnh ngăn trở, hoặc thiếu khả năng, phương tiện, hoặc vì không đủ nghị lực, có khi vì gặp phải rủi ro, không khắc phục được những khó khăn. Thế là biết mà không làm được, cho nên người ta thường cho rằng biết là một chuyện, mà làm là một chuyện khác.

Nhưng nhà triết học Trung Hoa, Vương Dương Minh đã xướng lên thuyết tri hành hợp nhất. Ông chú trọng đến cái tâm: “Chúa tể của thân là tâm, điều của tâm phát ra là ý, cái bản thể của ý là tri, cái ý để vào đâu là vật”. Sự biết của tâm là tri; việc làm của tâm là hành.

Chữ tâm phải hiểu là trung tâm tri giác. Tâm có linh tính sáng suốt, tức là minh giác; minh giác ấy là tri.

Khi trong tâm phát ra một ý nghĩ, cái ý nghĩ ấy là động tác, là việc làm của tâm. Vậy thì bản thể của tâm là trí; phát động của tâm là ý, tức là hành.

Xem như thế thì tâm với ý liên lạc rất mật thiết với nhau, cho nên tâm với ý là một; tâm (chủ tri) với ý (chủ hành) đã là một thì tri với hành phải hợp nhất vậy.

Chỉ vì người ta phân tách tri hành làm hai việc, cho nên khi có một ý nghĩ không tốt, phát động ở trong tâm, mình cứ tưởng rằng mình không thi hành cái ý ấy, thì chẳng quan hệ gì, mà không tìm cách ngăn ngừa trong tâm đừng nảy ra ý nghĩ như thế.

Để nẩy ra trong tâm ta cái ý không tốt, tức là làm, tức là hành rồi. Ý nghĩa tổng quát của thuyết tri hành hợp nhất là ở chỗ đó. Tác dụng trực tiếp của thuyết ấy về phương diện tích đức, tu thân là ta phải trừ bỏ triệt để cái ý nghĩ bất thiện khi nó mới xẩy ra, dẫu không đem ra thực hành, nhất định không để cho nó bén mảng vào lòng ta nữa. Mặc dầu thuyết này đã và còn làm đề tài cho những cuộc tranh luận, ta vẫn nhận thấy rằng tư tưởng của Dương Vương Minh rất thích ứng với thực tế, có một sức mãnh liệt kích thích tinh thần hoạt động và tiến thủ.

Nguồn: http://thuviensdb.org/index.php/he-thong-du-phong/item/115-giao-duc-nhan-ban

Comments are closed.