Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ Công Giáo – 08: Gieo Suy Nghĩ Tốt

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

GIEO SUY NGHĨ TỐT

Augustinô Nguyễn Minh Triệu, SJ

Câu hỏi:

Con thấy mình hay có những suy nghĩ mang ý hướng phạm tội, làm thế nào loại bỏ suy nghĩ đó?

Trả lời:

      Khi Đức Giêsu chữa lành người bại liệt, các Kinh sư và Biệt phái liền nghĩ xấu về Người, nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói : “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy.” (Mt 9,4).

      Thiên Chúa nhìn thấy mọi bí mật sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Thiên Chúa là một vị quan toà nghiêm khắc, và sẵn sàng trừng phạt mỗi khi chúng ta có suy nghĩ xấu. Theo Giáo Lý, ý nghĩ xấu tự nó không phải là tội. Một suy nghĩ xấu sẽ trở thành tội khi ta ưng thuận với suy nghĩ đó. Thánh Augustinô dạy rằng, ở đâu không có sự đồng thuận, ở đó không có tội.[1]

      Bạn thân mến,

      Các thánh cũng bị cám dỗ, cũng có những suy nghĩ xấu và tiêu cực. Thánh Phaolô đã thừa nhận, mặc dù nhận được ơn hoán cải và trở nên một với Đức Ki-tô, nhưng thân xác ngài như “bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.” (Cr 12,7). Thánh nhân đã ba lần cầu nguyện với Thiên Chúa để được giải thoát khỏi cám dỗ này. Thiên Chúa trả lời rằng, ân sủng của Thiên Chúa thì đủ cho thánh nhân: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (Cr 12,8-9). Thiên Chúa cho phép tôi tớ Ngài bị cám dỗ cũng như bị thử thách. Những thử thách ấy giúp tôi luyện ý chí và cải thiện sự bất toàn của họ.

      Tuy nhiên, trong trường hợp bị cám dỗ về những suy nghĩ xấu, nếu chúng ta đồng thuận với suy nghĩ đó, thì chúng ta đã phạm tội. Hội Thánh gọi đó là tội trong tư tưởng. Một tư tưởng xấu với sự ưng thuận là một tội vì điều gì chúng ta không được phép làm, thì chúng ta cũng không được phép ao ước. Ao ước điều xấu cũng là một tội phạm đến Chúa, với tha nhân và với chính mình. Tội trong hành động khiến chúng ta lìa xa Thiên Chúa thế nào, thì suy nghĩ xấu, với sự ưng thuận, cũng khiến ta lìa xa Thiên Chúa thế ấy. Sách Khôn Ngoan dạy ta rằng: “Những suy nghĩ quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa” (Kn 1,3). Vả lại, “Thiên Chúa quán thông, mọi hành vi, chính Người xét xử” (1 Sm 2,3).

      Tuy nhiên, theo thánh Anphongsô Maria, giống như thần học luân lý chia tội thành hai loại. Chúng ta có thể chia suy nghĩ xấu làm ba loại:

      – Tư tưởng chợt đến.

      – Những tư tưởng mà ta đã thích thú đón nhận.

      – Và thứ ba là sự đồng thuận với tư tưởng đó.

      Điều này cho thấy rằng, nếu một suy nghĩ xấu xuất hiện trong tâm trí thì tự bản chất, đó chưa phải là tội. Trái lại, nếu ta chống lại suy nghĩ đó thì ta sẽ nhận được ơn ích, như thánh Antoniô nhắc nhở ta rằng: “Khi con kháng cự, con sẽ nhận được mũ triều thiên.”

      Ý thức được tính nguy hiểm của tư tưởng xấu và ảnh hưởng xấu của nó đến đời sống thiêng liêng, nhiều người đã nỗ lực cố gắng để vượt thắng. Tiếc là không ít người thất bại. Vậy làm sao để chúng ta gạt bỏ những tư tưởng xấu? Và nếu nó cứ đến thì ta phải làm gì?

      Để tránh như tư tưởng xấu, chúng ta cần phải làm chủ các giác quan. Người ta vẫn thường nói con mắt là cửa sổ tâm hồn. Điều này cũng đúng với các giác quan khác như thính giác, khứu giác, vị giác… Thông qua các giác quan, mọi hình ảnh, tư tưởng sẽ đi vào tâm trí chúng ta. Vì lẽ đó, chúng ta cần lưu tâm đến thể loại nhạc ta nên nghe, các chương trình truyền hình, các loại phim ảnh chúng ta nên xem, các loại sách hay tạp chí nào ta nên đọc. Chúng ta cần tự hỏi, bộ phim này ảnh hưởng tốt hay xấu đến đời sống thiêng liêng của tôi. Những hình ảnh tôi xem có tác động thế nào đến những suy nghĩ của tôi?

      Trong truyền thống Giáo hội, đây được gọi là cách thế để tránh dịp tội, thường bao gồm hai loại: dịp tội xa và dịp tội gần. Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy lưu tâm đến.” (Phl 4,8). Thánh nhân mời gọi chúng ta lưu tâm, suy nghĩ và dành thời gian cho những gì đem lại sức sống cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

      Ngoài ra, theo kinh nghiệm nhiều bậc khôn ngoan trong Giáo Hội, chúng ta cần xưng tội và cho cha giải tội biết những cám dỗ và cạm bẫy mà ma quỷ vẫn hay bày ra trước mắt chúng ta. Thánh I-nhã ví ma quỷ như một một kẻ si tình lẳng lơ, muốn giữ bí mật để khỏi bị lộ. Trong sách Linh Thao, thánh nhân viết:

      “Quả vậy, một người đàn ông đồi bại dùng lời xảo trá quyến rũ một thiếu nữ con nhà lành, hoặc vợ một người đứng đắn, thì muốn cho những lời dụ dỗ của hắn được giữ kín; trái lại hắn rất bất mãn khi thiếu nữ mách với cha, thiếu phụ mách với chồng những lời quyến rũ và ý xấu xa của hắn, vì hẵn dễ dàng suy ra rằng, không thể nào thành công được với chuyện hắn đã bắt đầu” (số 326).

      Do đó, theo lời dạy của thánh nhân, chúng ta được mời gọi để xưng tội và nói cho cha giải tội hay các cha linh hướng biết về những suy nghĩ xấu chúng ta thường gặp phải.

Đừng quên chạy đến với Chúa mỗi khi ta bị cám dỗ. Khi đó chúng ta phải nhớ đến Chúa. Qua lời Thánh Vịnh, chúng ta biết rằng, trong cơn hoạn nạn Vua Đavít đã thưa lên với Chúa rằng: “Tôi kêu cầu Chúa là Ðấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.” (Tv 17,4). Khi ma quỷ dùng một tư tưởng xấu tấn công, bằng cách lặp đi lặp lại một tư tưởng xấu trong tâm trí, ta có thể dùng một câu lời Chúa hay kêu cầu đến danh Chúa, chắc chắn Ngài sẽ đến và giải thoát ta.

      Ví dụ, khi bị cám dỗ, chúng ta có thể thầm đọc trong miệng rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót con.” Bằng cách lặp đi lặp lại lời này, chắc chắn chúng ta sẽ vượt thắng cám dỗ. Khi đó, tư tưởng xấu không những không thể hại ta, mà còn là dịp cho ta đến gần với Chúa, trở nên thiết thân hơn với Người.

      Để tránh suy nghĩ xấu và tiêu cực, bạn cần chống lại nó. Truyền thống Giáo Hội gọi hành động này là “agere contra”. Nghĩa là “làm ngược lại” với những suy nghĩ tiêu cực hay xấu xa mà ma quỷ gợi ra cho chúng ta. Bạn áp dụng phương pháp này thử xem.

Một trong cách thế để tránh suy nghĩ xấu nữa: chúng ta suy nghĩ về những điều tốt, về những lý tưởng sống và ước ao tốt đẹp trong đời sống chúng ta. Ai cũng có những ước mơ cần được nuôi dưỡng, để theo đuổi ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực. Chúng ta cần có kế hoạch và hiện thực hoá kế hoạch đó. Một giấc mơ lớn trở thành hiện thực qua những bước nho nhỏ. Do đó, chúng ta hãy có những ước mơ lớn và hãy dành thời gian, tâm trí và sức lực để sống cho những ước mơ đó.

      Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các bạn trẻ đừng đánh mất ước mơ của mình.[2] Hãy dám ước mơ và sống cho ước mơ của mình. Khi có những ước mơ đẹp, chúng ta sẽ không còn thời gian cho những suy nghĩ xấu. Thay vì dành thời gian chiến đấu với những điều xấu, tư tưởng xấu, ta hãy dành thời gian và năng lượng đó để ước mơ và sống cho những ước mơ của mình.

      Cảm ơn bạn đã nêu câu hỏi mà hầu hết chúng ta đều vướng phải. Tư tưởng xấu không phải là một tội, nếu chúng ta chưa đồng thuận với tư tưởng đó. Tuy nhiên, điều đó không có  nghĩa là vô hại. Nó là virus, là mật ngọt chết ruồi, nên chúng ta cần để ý. Tư tưởng xấu có thể làm tổn hại đến đời sống thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất bình an và thường là một dịp dẫn đến tội. Để tránh tư tưởng xấu, chúng ta cần phải làm chủ giác quan của mình, siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải và sẵn sàng chia sẻ những cám dỗ với những vị hữu trách. Đồng thời, hãy dành thời gian và tâm trí để suy nghĩ về những điều tốt, về những ước mơ của mình.

      Thân chào bạn!

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (21.6.2021)

[1] “Nullo modo sit peccatum, si non sit voluntarium.”
[2] ĐTC Phanxicô gặp các bạn trẻ Bắc Macedonia, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-05/dtc-gap-cac-ban-tre-bac-macedonia.html

Comments are closed.