Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Con đang ở Philippines. Chúng con đang sống trong Khu cách ly cộng đồng nghiêm túc (ECQ) và sau ngày 15-5, chúng con sống trong Khu cách ly cộng đồng tổng quát (GCQ). Chúng con hy vọng và cầu nguyện rằng trong Khu cách ly cộng đồng tổng quát, các cuộc tụ họp tôn giáo sẽ được cho phép. Tất nhiên, chúng con sẽ tuân theo các quy tắc về khẩu trang, giãn cách vật lý và không tiếp xúc vật lý. Chúng con biết rằng theo các quy tắc này, chúng con không thể để cho nhà thờ đầy người mà không giãn cách nhau ra. Điều này có nghĩa là đối với Thánh lễ Chúa nhật, chúng con chỉ có thể cho phép số người tham dự hạn chế trong nhà thờ. Vì lý do này và chỉ trong hoàn cảnh này, liệu Đức Cha có thể quyết định rằng các Thánh lễ Chúa nhật cử hành vào chiều Thứ Năm và Thứ Sáu, được chấp nhận là chu toàn luật buộc giữ ngày Chúa nhật không? – F. L., Philippines.
Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là không. Giám mục có thể miễn luật buộc ngày Chúa nhật, nhưng không thể thay đổi nghĩa vụ này sang ngày khác.
Tôi đã giải quyết một chủ đề tương tự trong một bài trước đây (ngày 6-1-2009), liên quan đến khả năng dời phụng vụ Chúa nhật vào ngày thứ Sáu, tại các quốc gia mà ở đó Chúa nhật là một ngày làm việc bình thường. Trong bài đó, chúng tôi đã viết:
“Điều quan trọng cần nhớ là đối với các Kitô hữu lễ Chúa nhật như vậy không phải là một lễ có thể chuyển đổi. Trong ba thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã gặp nhau vào Chúa nhật mặc dù đó là một ngày làm việc bình thường, và nhiều người trong số họ là nô lệ có nguy cơ lớn mất việc. Điều này thường có nghĩa là phải dậy rất sớm hoặc có thể lẻn ra ngoài vào buổi tối. (Tất nhiên, chúng ta cũng ở trong một thời đại khi sự việc chúng ta là Kitô hữu có thể dẫn đến một cái chết đau đớn.) Như một nhóm các vị tử đạo cổ đại nổi tiếng đã nói với vị thẩm phán kết án họ, “Chúng tôi không thể sống mà không có Chúa nhật.”
“Trước hết, Chúa nhật luôn luôn là Chúa nhật, và phụng vụ riêng trong ngày này phải luôn được cử hành. Tương tự như vậy, tín hữu phải cố gắng hết sức để tham dự thánh lễ vào Chúa nhật hoặc tối thứ bảy. Nếu xét là cần thiết và hữu ích, thì các linh mục nên sẵn sàng cử hành Thánh lễ vào các thời điểm bất thường.
“Trong các trường hợp mà sự cho phép đã được ban để cử hành lễ Chúa nhật vào sáng thứ Sáu hoặc sáng thứ Bảy, vì Chúa nhật là một ngày làm việc bình thường, điều quan trọng cần lưu ý là đó không phải là một trường hợp chuyển Chúa nhật sang một ngày khác. Đúng hơn, đó là một sự đáp ứng mục vụ để các người Công giáo nào không thể tham dự Thánh lễ vào tối thứ Bảy hoặc Chủ nhật, thì không thể bị tước đoạt khỏi sự phong phú được cung cấp bởi chu kỳ ba năm của các bài đọc Kinh thánh và lời nguyện.”
Trong trường hợp trên, chúng tôi đang giải quyết một tình huống khó khăn, và tôi không nghĩ rằng đó sẽ là một lựa chọn khôn ngoan cho một tình huống tương đối ngắn hạn như đại dịch hiện nay.
Các giải pháp nào có thể tồn tại trong tình hình hiện tại?
Một yếu tố cần xem xét là rằng, mặc dù đã có các Thánh lễ công khai, Giám mục có thể tiếp tục miễn cho người Công giáo khỏi luật buộc Chúa nhật, trong bao lâu trường hợp khẩn cấp kéo dài.
Một mặt, điều này có thể cho phép các người có thể dễ bị tổn thương hơn trước các tác động nghiêm trọng của Covid, chẳng hạn như người già và người mắc các bệnh nội khoa tiềm ẩn như bệnh tiểu đường, tiếp tục tự bảo vệ mình. Mặt khác, các người Công giáo bị ngăn không được vào nhà thờ để tham dự Thánh lễ, do hạn chế về số lượng, không cần phải lo lắng trong lương tâm của họ, bởi một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Tuy nhiên, các khả năng khác có thể được cố gắng để cho phép càng nhiều người tham dự Thánh lễ càng tốt trong an toàn.
Một khả năng đã được gợi ý bởi Hội đồng Giám mục Ba Lan ở thời đầu đại dịch: tăng số lượng các Thánh lễ Chúa nhật. Do đó, chẳng hạn, Giám mục có thể cho phép tất cả các linh mục được cử hành hai Thánh lễ vào tối thứ Bảy và ba (tại một số quốc gia là bốn) Thánh lễ vào Chúa nhật. Theo cách này, các người mong muốn tham dự thánh lễ có thể đến vào các thời điểm khác nhau.
Một giải pháp khả thi khác, nếu khí hậu cho phép, có thể là cử hành một hoặc hai Thánh lễ ngoài trời trong một không gian công cộng cho phép nhiều người tham dự Thánh lễ, trong khi vẫn duy trì sự giãn cách an toàn.
Sau bài của chúng tôi ngày 19-5 về hát hai lần Alleluia, một phó tế ở Đức đã viết:
“Trong một Sách lễ tiếng Đức, có một chỉ dẫn trong chữ đỏ ở cuối Thánh lễ Vọng Phục Sinh, nói rằng chữ Alleliua được thêm vào câu “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an’ (Ite missa est) có thể được sử dụng trong toàn bộ Mùa Phục sinh (trái với chỉ dành cho Bát nhật Phục sinh), mặt dù chỉ khi hát. Liệu đây là một sự dịch sai hoặc một truyền thống đáng kính chăng?
“Một câu hỏi khác mà tôi quan tâm là liệu các quy định địa phương có thể được áp dụng cho các Thánh lễ cử hành bằng các ngôn ngữ khác trong khu vực này hay không. Xin đưa ra một thí dụ, trong bản dịch tiếng Đức của Sách Lễ Rôma, có một dấu hiệu cho thấy rằng nếu một phó tế có mặt ở đó, phó tế nên xướng ‘Đây là mầu nhiệm đức tin’ (Mysterium fidei.) Liệu điều này cũng được thực hiện trong các Thánh lễ Latinh vì nó rõ ràng là một phong tục địa phương? Và khi cử hành thánh lễ bằng tiếng Đức ở một quốc gia khác thì sao?
Theo nguyên tắc chung, bất kỳ luật riêng nào được công bố trong bản dịch của một Sách lễ do Hội đồng Giám mục đã ban hành, và được Tòa Thánh phê chuẩn, là luật riêng đặc biệt của quốc gia đó. Vì thế, một Thánh lễ được cử hành, bằng cách sử dụng một Sách lễ trong bất kỳ ngôn ngữ nào khác, thì có thể, và đôi khi nên, áp dụng luật riêng ấy.
Đây sẽ là trường hợp của một số phong tục phụng vụ được chấp thuận cho Đức và các nước khác. Thí dụ, luật riêng, được chấp thuận cho Hoa Kỳ, nói rằng mọi người quỳ gối trong toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể, cần được tuân giữ tại Hoa Kỳ, ngay cả khi sử dụng các Sách lễ trong các ngôn ngữ khác, vốn không chứa các chữ đỏ này.
Khi cử hành Thánh lễ bên ngoài đất nước, về mặt kỹ thuật, luật khu vực không áp dụng. Tuy nhiên, nó cũng không bị cấm tuân giữ. Chẳng hạn, không có lý do gì để hy vọng rằng một nhóm người hành hương Đức cử hành Thánh lễ theo cách, vốn là khác so với cách họ cử hành tại quê nhà.
Trong các trường hợp khác, có thể cần phải tuân theo phong tục địa phương, thí dụ, một Thánh lễ cho người nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ở Rôma sẽ thu hút người thờ phượng từ một số quốc gia có tập quán địa phương khác nhau. Trong những tình huống như vậy, luật phụng vụ của Ý sẽ thắng thế.
Một độc giả khác, từ Nigeria, cũng hỏi: “Câu hỏi của tôi là giống như câu hỏi mà cha đã trả lời vào thứ ba ngày 19-5-2020. Khi tôi đến giáo xứ mới của tôi, tôi nhận thấy rằng các người giúp lễ không mang theo nến cho Tin Mừng trong mùa Phục sinh. Tôi đã cố gắng thay đổi nó, nhưng hầu hết các người giúp lễ, đã phục vụ nhiều năm với vị tiền nhiệm của tôi, đã chống lại các thay đổi. Lập luận của họ là rằng đối với Lễ Vọng Phục Sinh, chữ đỏ nói: “Khi đọc Tin Mừng, đèn không mang theo, mà chỉ xông hương.” Câu hỏi của tôi là: Liệu quy tắc này có tiếp tục suốt mùa Phục Sinh không? Tôi nói với họ rằng nó chỉ dành cho đêm Vọng Phục Sinh mà thôi. Nhưng họ nhấn mạnh rằng đó là dành cho cả mùa Phục Sinh. Thưa cha, ai có lý hơn?
Trong trường hợp này, linh mục là chính xác. Chữ đỏ nói là dành cho Đêm Vọng Phục Sinh, mà trong đó cây nến duy nhất được sử dụng trong lễ rước vào là cây nến Phục Sinh (mặc dù mọi người đều cầm các cây nến nhỏ); Sách Tin Mừng không được mang theo trong đám rước.
Không có gì trong các chữ đỏ chỉ ra rằng quy định này nên được mở rộng ra ngoài lễ Vọng Phục Sinh. Chỉ cần xem bất kỳ băng nghe nhìn nào về Thánh lễ giáo hoàng ở Chúa nhật Phục sinh, để thấy rằng nến được sử dụng như trong bất kỳ Thánh lễ long trọng nào, để đi kèm với việc công bố bài Tin Mừng. (Zenit.org 2-6-2020)
Nguyễn Trọng Đa