Giải đáp phụng vụ: Ngày Truyền chức được dùng Thánh Lễ Bổn mạng không? Lễ trọng nào ưu tiên hơn Chúa nhật?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Hỏi 1: Con sẽ được truyền chức linh mục vào năm 2019. Bởi vì ngày lễ truyền chức là đúng ngày lễ bổn mạng của con, liệu có thể dùng Thánh Lễ Bổn mạng không, hay phải dùng Thánh lễ Nghi Thức cho việc truyền chức linh mục? – J. W., Ohio, Hoa Kỳ.

  Hỏi 2: Con viết từ một Đan Viện Dòng Thánh Clara. Lễ trọng của Mẹ thánh Clara rơi vào ngày thứ Bảy – vì vậy chúng con đã không đọc Kinh Chiều II của lễ này, nhưng đọc Kinh Chiều Chúa nhật. Sau đó một số chị em ngạc nhiên, bởi vì đó là ngày duy nhất chúng con đọc kinh nhật tụng của vị thánh sáng lập Dòng chúng con, và cũng là ngày lễ bổn mạng của đan viện là thánh Clara nữa. Năm tới (2019), lễ Clara rơi vào ngày Chúa nhật – chúng con sẽ làm gì, thưa cha?Chúng con có quyền bỏ Kinh Chiều II của lễ trọng không? Năm tới, chúng con sẽ giữ lễ trọng như thế nào? Ngoài ra, một số linh mục nói với chúng con rằng chữ đỏ về khăn bàn thờ đã thay đổi – một số người nói rằng chúng con không nên đặt khăn thánh lên bàn thờ nữa, nhưng đặt khăn theo màu phụng vụ của mùa và một khăn trắng khác che phủ toàn bộ bàn thờ. Xin cha giải thích cho chúng con hiểu. – S. J., Kokstad, Nam Phi.

  Đáp: Vì các câu hỏi có liên quan với nhau cách nào đó, tôi sẽ cố gắng trả lời chúng chung với nhau.

  Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM): “372. Các Thánh Lễ nghi thức đi liền với việc cử hành các bí tích và phụ tích. Cấm cử hành các Thánh Lễ này trong các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, các lễ trọng, lễ các ngày trong Bát Nhật Phục Sinh, lễ cầu cho các tín hữu qua đời, lễ thứ Tư Tro và Tuần Thánh. Ngoài ra phải giữ các qui tắc được trình bày trong các sách nghi thức hay trong chính các Thánh Lễ loại này” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

  Khi một Thánh lễ Nghi thức được cử hành, Lời nguyện nhập lễ, Lời nguyện tiến lễ, Lời nguyện hiệp lễ, và đôi khi Kinh Tiền Tụng, đều nói đến Bí tích hoặc Á Bí Tích được cử hành trong Thánh lễ này. Bởi vì Sách lễ chỉ cấm các Thánh lễ này không được cử hành vào các ngày nào đó, nên có thể nói rằng vào những ngày khác, kể cả lễ các thánh, các lễ ấy đều được cho phép. Do sự cho phép không chuyển thành sự buộc, về mặt kỹ thuật, có thể cử hành Thánh lễ của một vị thánh, hơn là Thánh Lễ nghi thức vào ngày truyền chức. Tuy nhiên, tôi sẽ gợi ý rằng diều sẽ gây ý nghĩa phụng vụ hơn chính là sử dụng toàn bộ Thánh Lễ nghi thức của việc truyền chức. Thánh lễ truyền chức chỉ có một lần; còn ngày lễ bổn mạng sẽ đến vào năm sau, vào mỗi năm, và linh mục cũng sẽ được kỷ niệm lễ truyền chức trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ của ngày truyền chức. Nếu người ta muốn nhớ đến một vị thánh, thì nên đưa tên thánh nhân ấy vào trong Kinh Cầu Các Thánh.

  Liên quan đến câu hỏi về lễ thánh Clara (ngày 11-8 hàng năm): Trong đan viện, lễ này thuộc nhóm lễ trọng, và như vậy lễ cử hành phải theo các quy định của lịch phụng vụ và bảng ưu tiên các ngày lễ phụng vụ. Các quy định tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma nêu ra thứ tự ưu tiên trong lịch phụng vụ như sau:

  “5. Vì tầm quan trọng đặc biệt đó, Chúa nhật chỉ nhường chỗ cho các lễ trọng và các ngày lễ kính Chúa. Nhưng các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh chiếm vị trí ưu tiên trên mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng. Khi gặp các Chúa nhật này, các lễ trọng sẽ mừng vào ngày thứ hai, trừ phi các lễ đó trùng với Chúa nhật Lễ Lá hay Chúa nhật Phục sinh.

  “60. Nếu gặp nhiều lễ phải kính trong cùng một ngày, thì đọc thần vụ về lễ nào có địa vị cao hơn trong bảng ghi ngày phụng vụ. Nhưng trường hợp một lễ trọng bị ngăn trở vì gặp một ngày phụng vụ ưu tiên, thì lễ trọng ấy được chuyển sang một ngày nào gần nhất, không vướng phải những ngày đã nói trong bảng thứ tự ưu tiên, từ số 1 đến số 8, nhưng phải giữ những điều đã quy định ở số 5 trong Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ (x. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma). Các lễ còn lại, thì năm đó bỏ luôn.

  “61. Còn nếu trong cùng một ngày mà Kinh Chiều II của lễ đang mừng trùng với Kinh Chiều I của ngày lễ hôm sau, thì cứ dựa theo bảng ghi ngày phụng vụ trên, mà cử hành Kinh Chiều của lễ nào có ưu tiên; trường hợp hai lễ ngang nhau, thì đọc Kinh Chiều II của lễ đang mừng” (Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

  Nhớ điều này trong trí, chúng ta nhận thấy rằng lễ trọng thánh Bổn mạng thuộc số 4 (d) trên Bảng thứ tự Ưu tiên: “4. Các lễ trọng riêng, tức là: a) Lễ trọng thánh Bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia; b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm Cung hiến thánh đường đó; c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ; d) Lễ trọng của dòng hay hội dòng mừng tước hiệu, hoặc Đấng sáng lập dòng, hay Bổn mạng chính của dòng” (Bản dịch, như trên).

  Ngày lễ 11-8 thường sẽ chỉ trùng với các ngày Chúa nhật Mùa Thường Niên, vốn là số 6 trong Bảng Thứ Tự Ưu tiên, và do đó lễ trọng của thánh bổn mạng là ưu tiên hơn Chúa nhật Mùa Thường Niên. Có thể xảy ra rằng có một lễ trọng của quốc gia hoặc lễ trọng của khu vực có ưu tiên cao hơn nữa, nhưng điều này là một ngoại lệ. Do đó, đối với Đan Viện Clara, lễ trọng thánh nữ Clara có ưu tiên hơn Chúa Nhật. Điều này sẽ áp dụng cho cả Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng vụ.

  Cuối cùng, các quy định của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma về việc che phủ bàn thờ là như sau: “304. Vì lòng tôn kính đối với việc cử hành tưởng niệm Chúa và đối với bữa tiệc dọn Mình và Máu Chúa, nên phủ bàn thờ nơi cử hành một khăn màu trắng, có hình dáng, kích thước và trang trí thích hợp với cấu trúc của bàn thờ. Trong các giáo phận của Hoa Kỳ, các loại khăn khác được sử dụng ngoài khăn bàn thờ, các khăn ấy có thể có màu sắc khác, nhưng mang ý nghĩa tôn vinh hoặc lễ trọng, tùy theo tập tục lâu đời của địa phương, với điều kiện là khăn trên cùng che phủ bàn thờ (nghĩa là chính khăn bàn thờ) luôn có màu trắng”.

  Về khăn thánh (corporal), quy chế nói rõ trong việc chuẩn bị lễ phẩm: “73. Bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, thì đưa lên bàn thờ các lễ phẩm sẽ trở thành Mình và Máu Ðức Kitô. Trước hết để sửa soạn bàn thờ, cũng gọi là bàn tiệc của Chúa, là trung tâm điểm của toàn bộ phụng vụ Thánh Thể, thì đặt trên bàn thờ khăn thánh, khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ, (trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ)…..” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

  Nếu linh mục ấy nói rằng người ta không được đặt khăn thánh trên bàn thờ trước Thánh lễ, thì nhận xét của ngài là khá chính xác. Khăn thánh không được mở rộng ra cho đến khi chuẩn bị lễ phẩm. Mặt khác, nếu ngài nói rằng khăn thánh không còn dùng nữa, thì ngài là không đúng, vì khăn thánh được nhắc đến rõ ràng trong các quy định ở trên. (Zenit.org 18-9-2018)

Nguyễn Trọng Đa

 

Comments are closed.