Giải đáp phụng vụ: Mục đích việc mở Cửa Thánh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu có thời gian qui định cho việc mở cửa Năm Thánh trong giáo hội địa phương hoặc trong một giáo phận không? Trong giáo phận chúng tôi, Giám mục đã đề cập đến Năm Thánh Ngoại Thường của Lòng Thương Xót, nhưng không nói đến lịch trình mở Cửa Thánh cho giáo dân. – M., tỉnh Lanao del Norte, Philippines

Đáp: Thư này gửi đến chúng tôi ngày 9-1, và Giám mục giáo phận đã mở Cửa Thánh vào ngày 13-1 trong một nghi lễ buổi trưa với sự tham dự của nhiều linh mục và tín hữu. Tôi chắc rằng sự việc này đã được công bố trước đó, nhưng dường như người đặt câu hỏi ở trên không biết.

Tuy nhiên, vì câu hỏi tạo cơ hội để giải thích tình hình Cửa Thánh trong năm thánh này, tôi xin giải thích luôn.

Tháng 4-2015, trong  Tông sắc thiết lập Năm Thánh Ngoại thường của Lòng Thương Xót, Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo khả năng mở các Cửa Thánh khác ngoài Cửa Thánh truyền thống ở Roma:

“Vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, sẽ mở Cửa Thánh tại Nhà Thờ Chánh Tòa Rôma, tức Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô. Vào những tuần tiếp theo, các Cửa Thánh tại các Vương Cung Giáo Hoàng Thánh Đường khác sẽ được mở ra. Cũng vào chính Chúa Nhật đó, tôi ấn định rằng, nơi mỗi Giáo Hội địa phương, có thể mở Cửa Lòng thương xót trong suốt Năm Thánh, tại Nhà Thờ Chánh Tòa là Thánh Đường Mẹ của tất cả các tín hữu, hoặc tại Nhà thờ Đồng Chánh Tòa,  hoặc tại một thánh đường đặc biệt. Thẩm quyền địa phương cũng có thể mở Cửa Lòng Thương Xót tại những Đền Thánh có đông khách hành hương, những người khi đến đó sẽ được ơn thánh tác động trong tâm hồn và tìm thấy con đường hoán cải. Bởi thế, mỗi Giáo Hội địa phương sẽ trực tiếp dự phần để sống Năm Thánh này như một tác động ngoại thường của ân sủng và năng lực canh tân thiêng liêng. Như thế, Năm Thánh này sẽ được cử hành tại Rôma cũng như tại các Giáo Hội địa phương như một dấu chỉ hữu hình cho tình hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN).

Sau đó, ngày 1-9-2015, trong một thư gửi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Cổ Võ Công Cuộc Tân Phúc Âm Hoá, vốn chịu trách nhiệm tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng mở rộng ý tưởng của việc mở Cửa Thánh trong mỗi giáo phận, để tạo cơ hội nhận ơn toàn xá cho các linh hồn càng nhiều càng tốt. Đức Giáo Hoàng đã viết:

“Với cách tiếp cận về Năm Thánh Thương Xót Ngoại Thường, tôi muốn tập trung vào một số điểm mà tôi tin là đòi hỏi sự chú ý để có thể làm cho việc cử hành Năm Thánh dành cho hết mọi người tín hữu một thời khắc đặc biệt của việc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa. Thực ra niềm mong ước của tôi là Năm Thánh sẽ là một kinh nghiệm sống động về sự gần gũi của Chúa Cha, mà sự gần gũi của Ngài là hầu như hữu hình, để niềm tin của mọi tín hữu có thể được củng cố và do đó mà việc làm chứng trở nên hữu hiệu hơn bao giờ hết.

“Tư tưởng của tôi trước hết hướng đến hết mọi người tín hữu là những người, bất luận là ở trong các Giáo phận riêng biệt hay như là các khách hành hương đến Rôma, sẽ kinh nghiệm được ân sủng của Năm Thánh. Tôi mong muốn rằng Ơn Toàn Xá Năm Thánh có thể chạm tới mỗi người như là một kinh nghiệm đúng đắn về lòng thương xót của Thiên Chúa, sẽ đến để gặp gỡ từng người trong Diện Mạo của Chúa Cha là Đấng sẽ đón nhận và tha thứ, hoàn toàn quên hết mọi tội lỗi đã được thực hiện. Để kinh nghiệm và đạt được Ơn Toàn Xá, người tín hữu được mời gọi thực hiện một cuộc hành hương ngắn đến với Cửa Thánh, mở ra mỗi ngày ở tại mọi Nhà Thờ Chính Toà hoặc ở tại các nhà thờ được chỉ định bởi Đức Giám Mục Giáo phận, và tại bốn Đền Thờ Đức Thánh Cha ở Rôma, như là một dấu chỉ của lòng khao khát thẳm sâu cho một sự hoán cải thực sự. Cũng thế, tôi sắp xếp để Ơn Toàn Xá có thể được lãnh nhận ở tại các Đền Thờ mà trong đó Cánh Cửa Thương Xót được mở ra và tại các nhà thờ mà theo truyền thống được xác định là các Nhà Thờ Năm Thánh. Thật là quan trọng để thời khắc này được nối kết, trước hết và sau hết, với Bí Tích Hoà Giải và với việc cử hành Thánh Thể bằng một sự suy tư về lòng thương xót. Thật là cần thiết đi cùng với những việc cử hành này với việc tuyên xưng đức tin và bằng việc cầu nguyện cho tôi và cho những ý chỉ mà tôi đang cưu mang trong tâm hồn tôi vì thiện ích của Giáo Hội và của toàn thế giới.

“Theo truyền thống, tôi nghĩ về những người mà đối với họ, vì nhiều lý do khác nhau, mà không thể bước vào Cửa Thánh, đặc biệt là người đau yếu và những người già cả và neo đơn, thường bị buộc phải ở nhà. Đối với họ sẽ là một sự trợ giúp lớn lao để sống tình trạng bệnh tật và nỗi thống khổ của họ như là một kinh nghiệm của sự gần gũi với Thiên Chúa, Đấng trong mầu nhiệm Khổ Nạn, sự chết và Phục Sinh của Ngài cho thấy con đường tín trung vốn sẽ mang lại ý nghĩa cho sự đau đớn và cô đơn. Sống bằng niềm tin và niềm hy vọng vui tươi trong thời khắc thử thách này, lãnh nhận sự hiệp lễ hoặc tham dự Thánh lễ và cầu nguyện cộng đoàn, thậm chí ngang qua nhiều cách thế giao tiếp với nhau, sẽ là cách thế lãnh nhận được Ơn Toàn Xá Năm Thánh đối với họ. Những tư tưởng của tôi cũng hướng đến những người bị giam giữ, mà sự tự do của họ đang bị giới hạn. Năm Thánh luôn luôn thiết lập nên một cơ hội cho sự ân xá lớn lao, là điều có ý để bao gồm nhiều người, vốn thay vì xứng đáng sự trừng phạt, trở nên ý thức về sự bất công mà họ đã thực hiện và chân thành mong muốn tái bước vào xã hội và thực hiện sự cống hiến chân thành cho xã hội. Chớ gì tất cả họ đều được chạm đến theo một cách thế hữu hình bằng lòng thương xót của Chúa Cha là Đấng muốn gần gũi với những người đang rất cần thiết sự tha thứ của Ngài. Họ có thể đạt được Ơn Toàn Xá ở trong các nhà nguyện của các nhà tù. Chớ gì nghĩa cử của việc hướng tư tưởng và việc cầu nguyện của họ đến với Chúa Cha mỗi lần họ đi ngang qua ngưỡng cửa của buồng giam của họ có ý chỉ đối với họ là một con đường đi ngang qua Cửa Thánh, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa có thể biến đổi các tâm hồn, và cũng có thể biến đổi những rào cản trở thành một kinh nghiệm của sự tự do.

“Tôi đã mời gọi Giáo Hội trong Năm Thánh này hãy tái khám phá lại sự phong phú đã được bao phủ bởi công việc về mặt thiêng liêng và thể lý của lòng thương xót. Kinh nghiệm về lòng thương xót, thực ra, trở nên hữu hình trong việc làm chứng về những dấu chỉ cụ thể như chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Mỗi lần một trong các tín hữu thực hiện cách cá nhân một hoặc nhiều hơn các hành động này, thì người ấy sẽ chắc chắn lãnh nhận được Ơn Toàn Xá Năm Thánh. Từ đó việc dấn thân để sống bằng lòng thương xót để được lãnh nhận ân sủng của sự tha thứ trọn vẹn và đầy đủ bởi năng quyền của tình yêu của Chúa Cha là Đấng không loại trừ một ai. Ơn Toàn Xá Năm Thánh do đó là đầy đủ, là hoa trái của mọi biến cố vốn sẽ được cử hành và được kinh nghiệm bằng niềm tin, niềm hy vọng và lòng bác ái.

“Hơn thế nữa, Ơn Toàn Xá Năm Thánh cũng có thể đạt được đối với người đã qua đời. Chúng ta gắn liền với họ bằng chứng tá của niềm tin và lòng bác ái mà họ đã để lại cho chúng ta. Do đó, khi chúng ta nhớ đến họ trong việc cử hành Thánh Thể, chúng ta có thể, trong mầu nhiệm cao cả của Sự Hiệp Thông Các Thánh, cầu nguyện cho họ, để Diện Mạo đầy xót thương của Chúa Cha giải thoát họ khỏi mọi lỗi lầm còn sót lại và mạnh mẽ ôm lấy họ vào trong phúc lành không bao giờ cạn vơi. (Bản dịch Việt  ngữ của Joseph C. Pham)

Đức Giáo Hoàng nói: “…tôi đã quyết định, bất luận bất cứ điều gì trái lại, trao quyền cho tất cả các linh mục đối với Năm Thánh được quyền tha tội phá thai cho những người đã thực thi việc phá thai và những người, với một tâm hồn ăn năn, tìm kiếm sự tha thứ vì tội ấy… Tôi thiết lập rằng những ai trong Năm Thánh Thương Xót này tiếp cận với những vị linh mục của Hội Huynh Đệ Thánh Piô X này để cử hành Bí Tích Hoà Giải sẽ được lãnh nhận việc tha thứ các tội lỗi của họ cách thành sự và hợp pháp”.

 Ngài còn nói thêm:

“Sách Nghi lễ Rôma qui định rằng Giám mục giáo phận, và các vị ngang quyền với ngài theo Giáo luật, có quyền ban, theo công thức được qui định, Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá ba lần / một năm trong các lễ trọng của Giáo phận, và dùng nghi thức đặc biệt được chuẩn bị sẵn cho dịp này”.

“Giáo hoàng Phanxicô, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, đã ban phép cho mọi Giám mục trên thế giới có thể ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn toàn xá trong hai dịp khác nữa, đó là: dịp khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót ở các Giáo hội địa phương ngày 13-12-2015, và dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót ở các Giáo hội địa phương ngày 13-11-2016”.

Về việc hưởng ơn toàn xá, qui định hiện hành nói:

“Ơn toàn xá chỉ có thể hưởng một lần trong một ngày. Để được hưởng ơn toàn xá, các tín hữu phải sống trong tình trạng ân sủng: sẵn sàng nội tâm từ bỏ mọi dính bén tới tội, kể cả tội nhẹ; xưng thú tội lỗi qua phép Bí tích Giao Hòa; rước Mình Thánh Chúa (tốt hơn, nên rước lễ khi tham dự Thánh lễ, nhưng chỉ cần rước lễ là được hưởng ơn toàn xá); cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và theo ý Đức Giáo Hoàng.

“Thật là thích hợp, nhưng không cần thiết, rằng việc Xưng tội, Rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng diễn ra trong cùng một ngày với việc lãnh ơn toàn xá; nhưng chỉ là đủ khi các việc trên được thực hiện trong vòng nhiều ngày (khoảng 20 ngày), trước hoặc sau việc lành ơn toàn xá. Việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng là tùy cách chọn lựa của tín hữu, nhưng nên đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng. Một lần Xưng tội là đủ cho nhiều lần lãnh ơn toàn xá, nhưng việc Rước lễ mỗi lần và cầu nguyện mỗi lần theo ý Đức Giáo Hoàng là buộc phải có cho mỗi lần hưởng ơn toàn xá”.

Cũng như thế, trang web của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Cổ Võ Công Cuộc Tân Phúc Âm Hoá nêu ra một số chỉ dẫn cụ thể cho Năm Thánh này:

“Sau khi bước qua Cửa Thánh hoặc cửa Lòng Thương Xót, hoặc đã hoàn thành một trong các điều kiện khác, mà theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban ơn toàn xá (ví dụ, cho các bệnh nhân, cho các kẻ bị giam cầm, hoặc cho bất cứ ai thực hiện một việc thương xót), ngoài các điều kiện bình thường, vốn đòi hỏi một tâm hồn sẵn sàng cho ân sủng mang lại hoa trái mong muốn cho nó, các tín hữu nên dừng lại để cầu nguyện, nhằm chu toàn các hành động cuối cùng được yêu cầu: tuyên xưng đức tin, và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và theo ý Đức Giáo Hoàng. Việc cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và theo ý Đức Giáo Hoàng được thực hiện bằng ít nhất đọc một kinh Lạy Cha – kinh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta đọc như là con của Chúa Cha – nhưng có thể đọc nhiều hơn nữa. Đặc biệt, trong tinh thần của Năm Thánh này, người hành hương nên đọc Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và họ kết thúc giờ cầu nguyện với việc đọc một lời khẩn cầu Lòng Thương Xót Chúa Giêsu (thí dụ: “Lạy Chúa Giêsu, Con tín Thác Vào Chúa”).

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót của  Đức Giáo Hoàng Phanxicô là như sau:

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời,

và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa
và chúng con sẽ được cứu độ.
Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Giakêu
và thánh Mátthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền;
làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna
không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;
cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,
và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,

như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:
“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài
trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:

Xin làm cho Hội Thánh
phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này.
Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa
cũng mặc lấy sự yếu đuối
để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,
xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa
quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến
xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này
trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;
và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,
có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,
công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,
trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu,
nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,

xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha
và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen. (Bản dịch Việt ngữ trên trang web HĐGMVN)

Chuyển ngữ
Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.