Giải đáp phụng vụ: Lễ Thánh Bổn mạng ở các Miền truyền giáo. Nói thêm về “Thánh lễ Chữa lành”

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã là một linh mục truyền giáo ở Nigeria kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1960. Gần đây, chúng con đã cử hành lễ thánh bổn mạng, thánh Phanxicô Xavier. Một nhà truyền giáo trẻ hỏi con là tại sao lịch phụng vụ chỉ định rằng tất cả lễ sáu vị thánh bổn mạng của châu Âu phải được cử hành như là lễ kính ở châu Âu, và các nơi khác cử hành như là lễ nhớ; nhưng lễ hai vị thánh bổn mạng của các Miền truyền giáo (thánh Phanxicô Xavier và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thành Lisieux) chỉ được cử hành như là lễ nhớ ở các Miền thuộc Thánh Bộ Phúc Âm hóa. Con không thể trả lời cho cha ấy được. Xin cha giúp chúng con hiểu. – R. H., Jos, Nigeria.

Đáp: Do có nguy cơ của sự khiếm nhã, tôi nghĩ rằng câu trả lời đầu tiên là rằng không ai đã bận tâm để hỏi câu ấy.

Câu trả lời khả dĩ thứ hai có thể là rằng các thánh bổn mạng châu Âu là ngưởi châu Âu, trong khi các thánh bổn mạng các Miền truyền giáo là có hoạt động hoặc làm việc tông đồ của Giáo hội. Theo nghĩa đó, các ngài là bổn mạng chủ yếu của các người dấn thân trong công cuộc truyền giáo, chứ không trước tiên là của các Miền dưới sự bảo trợ của Thánh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân tộc.

Tuy nhiên, lý do thứ hai này sẽ không nhất thiết loại trừ khả năng của lý do thứ nhất, và có lẽ chúng ta có thể đạt được sự tỏ tường nào đó, bằng cách xem xét các tiêu chí cho các thánh bổn mạng lãnh thổ.

Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 394:

“Mỗi giáo phận nên có lịch của mình và phần riêng các Lễ. Về phần mình, Hội Ðồng Giám Mục nên làm một lịch riêng, hay cùng với những Hội Ðồng Giám Mục khác, đưa ra một lịch có thẩm quyền lớn hơn, sau khi được Toà Thánh chấp thuận.

“Khi làm việc này, phải duy trì hết sức ngày Chúa Nhật sao cho các lễ kính, và các cử hành khác không được lấn át ngày Chúa Nhật, trừ phi thật sự là rất quan trọng. Cũng lo sao đừng để năm phụng vụ được công nhận bởi sắc lệnh của Công Ðồng Vatican II bị che khuất bởi các yếu tố thứ yếu.

“Khi làm lịch quốc gia, phải ghi các ngày Cầu Khẩn và Bốn Mùa (xem số 373), và có trước mắt hình thức và bản văn để cử hành những ngày này và những đặc điễm riêng khác.

“Khi phát hành Sách Lễ, nên đưa những cử hành riêng cho toàn thể quốc gia hay lãnh thổ lớn hơn vào chỗ những cử hành của lịch chung, còn những cử hành riêng cho vùng hay giáo phận thì để vào phần Phụ Lục đặc biệt” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các quy chế trên được dựa trước hết vào “Quy luật tổng quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch”, các số 48-51, do Thánh Bộ Phượng tự ban hành trong Huấn thị Calendaria Particularia (Lịch riêng), ngày 24-6-1970, một sắc lệnh tiếp theo về các thánh bổn mạng, “De Patronis Constituendis” ban hành ngày 19-3-1973, và một thông báo cập nhật một số quy định được công bố năm 1997. Lịch Riêng nói:

“48. Việc sắp xếp cử hành năm phụng vụ được chi phối bởi lịch: Lịch Chung, được sử dụng trong toàn bộ Nghi Lễ Rôma, hoặc một lịch riêng, để sử dụng trong một Giáo hội địa phương hoặc trong các Dòng tu.

“49. Trong Lịch Chung, toàn bộ chu kỳ của cử hành đi vào: các cử hành của mầu nhiệm cứu độ, như được thấy trong Phần Riêng Các Mùa, hoặc của các thánh có ý nghĩa phổ quát, do đó, phải được mọi người mừng kính, hoặc các vị thánh chứng tỏ tính phổ quát và sự liên tục của sự thánh thiện trong dân Chúa.

“Lịch riêng có các lễ cử hành đặc biệt hơn, được sắp xếp để hài hòa với chu kỳ chung. [15] Các Giáo hội địa phương hoặc các Dòng tu nên thể hiện một vinh dự đặc biệt cho các vị thánh thuộc về họ.

“Lịch riêng, được soạn thảo bởi giáo quyền có thẩm quyền, phải được sự chấp thuận bởi Tòa Thánh.

“50. Việc soạn thảo một lịch riêng phải được hướng dẫn bởi các điều sau đây:

“a. Phần Riêng Các Mùa (nghĩa là chu kỳ các mùa, lễ trọng và lễ kính, vốn diễn ra và tôn vinh mầu nhiệm cứu chuộc trong năm phụng vụ) phải được giữ nguyên và giữ nguyên tính ưu tiên của nó trên các cử hành riêng.

“b. Các lễ cử hành riêng phải được phối hợp hài hòa với các cử hành chung, với sự quan tâm cho các Ngày Phụng vụ. Để lịch riêng được mở rộng không tương xứng, các thánh riêng lẻ chỉ có một lễ kính trong năm phụng vụ. Vì lý do mục vụ thuyết phục, có thể có một lễ cử hành khác dưới hình thức một lễ nhớ tùy chọn, kỷ niệm việc chuyển thi hài hoặc phát hiện thi hài của các thánh bổn mạng hoặc thánh lập ra Giáo Hội địa phương hoặc Dòng tu.

“c. Các lễ kính được ban bởi phép riêng của Tòa Thánh không thể trùng lặp các lễ khác đã có trong chu kỳ của mầu nhiệm cứu độ, cũng không thể được nhân lên mức cao hơn.

“51. Mặc dù thật hợp cho mỗi giáo phận có lịch riêng và phần riêng cho Thánh Lễ và thần vụ, không có lý do tại sao toàn bộ các giáo tỉnh, miền, quốc gia, hoặc thậm chí các khu vực lớn hơn không có lịch chung và phần riêng chung, được soạn thảo với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan. Nguyên tắc này cũng có thể được tuân giữ, trong trường hợp lịch cho nhiều Tỉnh Dòng trong cùng lãnh thổ dân sự”.

Từ các điều trên đây, chúng ta có thể thấy rằng sáng kiến cho sự thay đổi trong lịch xuất hiện trước tiên từ các cộng đồng địa phương và quốc gia, và sau đó được Tòa Thánh phê chuẩn. Nó không phải là một thủ tục tự động, và đây là cơ sở của câu trả lời đầu tiên của tôi ở trên.

Thủ tục này có thể được tìm thấy trong tuyên bố chọn Thánh Biển Đức làm thánh bổn mạng thứ nhất của châu Âu. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong tuyên bố của Ngài năm 1964 như sau:

“Thật là tư nhiên khi chúng tôi dành sự đồng ý hoàn toàn cho phong trào này, vốn có xu hướng đạt được sự thống nhất châu Âu. Vì lý do này, chúng tôi vui mừng hoan nghênh lời thỉnh cầu của nhiều Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, các bề trên Dòng tu, hiệu trưởng các trường đại học và các đại diện nổi bật khác của giáo dân từ các quốc gia châu Âu khác nhau, để tuyên bố Thánh Biễn Đức là Thánh bổn mạng của châu Âu. Và dưới ánh sáng của lời tuyên bố long trọng này, ngày hôm nay dường như là đặc biệt thích hợp cho chúng tôi, bởi vì vào ngày này, chúng tơi dâng hiến cho Thiên Chúa, trong sự tôn vinh Đức Trinh Nữ và Thánh Biển Đức, đền thờ Montecassino, vốn đã bị phá hủy vào năm 1944 trong chiến tranh thế giới, và được xây dựng lại nhờ sự kiên cường của lòng đạo đức Kitô giáo.

“Điều này chúng tôi làm với lòng mong muốn nhất, lặp lại các hành động của nhiều Đấng Tiền Nhiệm của chúng tôi, những vị đã đích thân thực hiện các bước trong suốt nhiều thế kỷ để hướng tới sự cung hiến trung tâm này của linh đạo đan tu, vốn trở nên nổi tiếng nhờ là nơi có phần mộ của thánh Biển Đức. Xin thánh rất yêu mến đón nhận lời nguyện ước của chúng ta và, khi một khi Ngài đã xua tan bóng tối bằng ánh sáng của nền văn minh Kitô giáo, và tỏa sáng quà tặng hòa bình, nay xin Ngài chủ trì tất cả cuộc sống châu Âu, và nhờ lởi bầu cử của Ngài phát triển và gia tăng nó thêm nữa.

“Vì vậy, theo đề xuất của Thánh Bộ Lễ Nghi, và sau khi xem xét, nhờ quyền Tông tòa của chúng tôi, với Đoản sắc này, chúng tôi mãi mãi thiết dịnh và tuyên bố thánh Biển Đức, Đan viện phụ, là thánh bổn mạng chính yếu của toàn châu Âu, trao ban mọi danh dự và đặc quyền phụng vụ theo luật cho các Vị Bổn mạng chính. Bất chấp mọi điều khoản trái ngược.

“Điều này chúng tôi làm cho mọi người biết và thiết định, quyết định rằng Tông Thư hiện tại vẫn còn hiệu lực và có hiệu quả, rằng nó có hiệu lực đầy đủ và toàn vẹn, và được kính trọng bởi tất cả những người mà nó liên quan hoặc sẽ liên quan trong tương lai; cũng vậy, chớ gì mọi phán đoán hay định nghĩa nào phải phù hợp với nó; và từ đó, bất kỳ hành động trái ngược nào, bởi bất kỳ thẩm quyền nào, có ý thức hoặc thiếu hiểu biết, đều được coi là không hợp lệ.

“Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 24-10-1964, năm thứ hai Triều Đại Giáo Hoàng của chúng tôi“.

Tuy nhiên, việc bổ sung các thánh bổn mạng mới cho châu Âu, là một sáng kiến cá nhân của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trước tiên, Ngài thêm thánh Cyril và thánh Methodius làm đồng bổn mạng vào ngày 31-12-1980. Sau đó, vào năm 1999, Ngài đã thêm ba thánh nữ đều có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu:

“Qua sự Hiệp thông các Thánh, vốn hiệp nhất một cách mầu nhiệm Hội Thánh dưới thế trần với Hội Thánh trên thiên đàng, các thánh chăm sóc chúng ta trong sự cấu bầu liên lỉ của các Ngài cho chúng ta trước tòa Chúa. Đồng thời, một lời cầu xin với các Thánh này, và sự quan tâm cẩn thận hơn đến lời nói và gương sáng của các Ngài sẽ không làm cho chúng ta ngừng nhận thức rõ hơn về ơn gọi chung của mình đến sự thánh thiện, và truyền cảm hứng cho chúng ta hơn nữa để chúng ta hào phóng trong cam kết của mình.

“Vì vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, nhờ quyền Tông tòa của tôi, tội thiết định và tuyên bố thánh Bridget của Thụy Điển, thánh Catarina thành Xiêna và thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá là các thánh đồng bổn mạng của tất cả châu Âu trước mặt Chúa, và tôi xin trao ban mọi danh dự và đặc quyền phụng vụ theo luật cho các Vị Bổn mạng chính.

“Vinh quang cho Chúa Ba Ngôi, mà sự huy hoàng rực rỡ chiếu soi cách độc đáo trong đời sống các thánh này và trong đời sống của tất cả các Thánh. Xin hòa bình cho mọi người nam nữ có thiện tâm, ở châu Âu và trên toàn thế giới.

“Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 1-10-1999, năm thứ hai mươi mốt Triều Đại Giáo Hoàng của tôi“.

Trong một tiến trình tương tự, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Đức Mẹ Guadalupe là thánh bổn mạng của châu Mỹ vào ngày 22-1-1999, đáp ứng lại một lời thỉnh cầu của Thượng hội đồng đặc biệt của các Giám mục châu Mỹ vào năm 1997. Tuyên bố này được chính thức hóa bởi một sắc lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự vào ngày 25-3-1999, vốn bao gồm lễ mừng Đức Mẹ Guadalupe trong lịch chung như một lễ nhớ tùy chọn, và như một lễ kính trong toàn các quốc gia châu Mỹ, trừ nơi nào lễ có bậc cao hơn như ở Mexico.

Do đó, nếu các Giám mục của các quốc gia thuộc thẩm quyền của Thánh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc xem xét rằng lễ mừng Thánh Phanxicô Xavier và Thánh Têrêsa thành Lisieux cần được nâng lên thành lễ kính ở các Miền này, thì các ngài thỉnh cầu Thánh Bộ đưa vấn đề lên Đức Thánh Cha.

Điều này là không phải là không thể được, nhưng điều đó sẽ không xảy ra, trừ khi chính các Giám mục chủ động lấy sáng kiến.

Sau khi tôi trả lời ngày 27-11 về cái gọi là “Thánh lễ chữa lành”, một bạn đọc linh mục từ Waterford, Ireland, đã hỏi: “Vào ngày Thứ Sáu đầu tháng, chúng tôi có một ‘Thánh lễ chữa lành’, mà trong đó chúng tôi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Tôi không hỏi điều này, nhưng câu trả lời của cha trong trang mạng Zenit liên quan đến các “Thánh lễ chữa lành” gây sốc cho tôi, khiến tôi nghĩ rằng chúng tôi không nên có bí tích này trong Thánh lễ. Xin cha vui lòng xác nhận liệu đó một sự lạm dụng chăng?”.

Đáp: Do không biết trường hợp cụ thể, và Giám mục có cho phép hay chăng, tôi phải kiềm chế để nói liệu việc ấy là sự lạm dụng hay không.

Tuy nhiên, tôi có thể đưa ra một số tiêu chuẩn chung, vốn có thể cho phép bạn đọc này đưa ra phán đoán cho phương thức hành động cụ thể trong giáo xứ.

Trước hết, được phép cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân trong Thánh lễ. Sách Nghi thức “Chăm sóc Mục vụ Bệnh nhân” có quy trình thực hiện việc này.

Tuy nhiên, các điều kiện bình thường để lãnh bí tích phải được đáp ứng đủ. Những người lãnh bí tích phải là người già yếu, mắc một số bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc ít nhất là cần sự điều trị, vốn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như cần gây mê toàn thân. Một số dạng bệnh tâm thần, đặc biệt là nếu bị gây ra bởi các trục trặc cơ thể, cũng có thể đủ điều kiện.

Bí tích xức dầu bệnh nhân không dành cho những người khỏe mạnh, những người có thể phải chịu các khó khăn luân lý, sự ức chế, nghiện ngập… Đối với những người như vậy, sự đau khổ đích thực của họ được giúp đỡ tốt nhất bởi các Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể, sự cầu nguyện và hướng dẫn thiêng liêng, và, nếu cần thiết, sự trị liệu chuyên môn.

Phần Giới thiệu cho Nghi thức chăm sóc mục vụ bệnh nhân, số 108, tuyên bố:

“Nếu Giám mục giáo phận quyết định rằng nhiều người sẽ được xức dầu trong cùng một lễ, thì ngài hoặc đại diện của ngài phải đảm bảo rằng tất cả các quy tắc kỷ luật liên quan đến Xức dầu phải được tuân giữ, cũng như các quy tắc chuẩn bị mục vụ và cử hành phụng vụ. Đặc biệt, việc Xức dầu bừa bãi trong những dịp này, chỉ đơn giản vì họ bị bệnh hoặc cao tuổi là cần tránh. Chỉ những người có sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng do bệnh tật hoặc tuổi già mới là các đối tượng thích hợp cho Bí tích”.

Do đó, ngay cả khi được cử hành trong Thánh lễ, Bí tích không được ban cho mọi người và ban lặt vặt, mà chỉ dành cho những người đủ điều kiện để nhận lãnh. Hầu hết các giáo xứ cử hành Bí tích xức dâu bệnh nhân trong Thánh lễ, có lẽ một hoặc hai lần một năm. Việc này thường được thực hiện vào hoặc gần lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Việc này có thể là thường xuyên hơn, nếu cần thiết, thí dụ, nếu một giáo xứ có một số nhà hưu dưỡng trong lãnh thổ của mình.

Tương tự như vậy, mặc dù bí tích có thể được lặp lại nhiều lần trong khi bị bệnh; chỉ trong các bệnh nghiêm trọng, bí tích được lặp lại trong vòng một tháng. Mặc dù tôi không biết tình hình cụ thể của giáo xứ này, tôi nghi ngờ rằng các điều kiện đe dọa tính mạng không phải là dịch bệnh, để đảm bảo cử hành công khai hàng tháng Bí tích xức dâu bệnh nhân.

Cuối cùng, chúng tôi nhắc lại Điều 7 của các quy định đã nêu trong bài trước:

“Điều 7- §1. Ngoài những gì đã qui định ở điều 3 nói trên và những việc cử hành cho người bệnh được sách phụng vụ qui định, các việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ cũng như không có tính cách phụng vụ không được đưa vào, hoặc ghép vào việc cử hành Thánh Thể, các Bí tích hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, mặc dù việc cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân có thể được đưa vào Thánh lễ, nhưng nó không được xem như là một phần của “Thánh lễ chữa lành” chung chung, cùng với các hình thức cầu nguyện khác cho việc chữa lành. (Zenit.org 11-12-2018)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.