Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Liệu việc đặt các bình thánh và lễ phẩm trên khăn thánh trước và sau khi truyền phép, cũng như lúc và nơi tráng chén – Chúa Ba Ngôi và Chiên Thánh Thể là không bao giờ được đặt đơn giản trên bàn thờ hay bất cứ nơi nào, nhưng luôn trên Khăn thánh – là đúng không, thưa cha? Ngoài ra, trong giờ chầu Thánh Thể công khai “riêng”, khi Chúa ở trong Mặt nhật hoặc trên khăn thánh, liệu phải có 4-6 ngọn nến thắp sáng không, – hay không có ngọn nến nào cả? – J. A., Jamestown, North Dakota, Hoa Kỳ.
Đáp: Bạn đọc này nói đúng về việc sử dụng khăn thánh, khi Thánh Thể dưới một trong hai hình được đặt trên bàn thờ hoặc cái bàn.
Khăn thánh là một miếng vải thánh màu trắng. Nó thường có diện tích khoảng 20 inch vuông (129cm vuông). Khi không sử dụng, nó thường được gấp ba lần theo cách tạo thành chín ô vuông bằng nhau. Nó có thể được đặt trên tấm đậy chén thánh (chalice pall), hoặc trong một hộp vải đặc biệt gọi là Bao nhỏ đựng khăn thánh (burse). Khăn thánh thường được ủi hồ cho cứng chắc.
Trong thời gian gần đây, do sự xuất hiện của nhiều lễ đồng tế và sự gia tăng của việc cho rước lễ dưới hai hình, khăn thánh được làm lớn hơn nhiều, để cho các bình thánh được đặt đủ lên đó.
Trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, Bánh thánh đã truyền phép (corpus) được đặt trực tiếp trên khăn thánh, vốn có thể là nguồn gốc của nó từ thực tiễn, tửc là corporal. Trong hình thức thông thường, Mình thánh hiếm khi được đặt trên khăn thánh, nhưng khăn thánh luôn được sử dụng để chứa đựng mọi mảnh vụn Mình thánh rơi xuống, và như một dấu hiệu của việc kính tôn Chúa.
Các bản văn chính yếu từ Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) là như sau:
“73. Bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, thì đưa lên bàn thờ các lễ phẩm sẽ trở thành Mình và Máu Ðức Kitô.
Trước hết để sửa soạn bàn thờ, cũng gọi là bàn tiệc của Chúa, là trung tâm điểm của toàn bộ phụng vụ Thánh Thể, thì đặt trên bàn thờ khăn thánh, khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.
“139. Sau lời nguyện cho mọi người, mọi người ngồi và bắt đầu hát ca tiến lễ (x. số 74), nếu có rước lễ phẩm.
Thầy giúp lễ hay một thừa tác viên giáo dân khác đem khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh và Sách Lễ đặt trên bàn thờ.
“141. Tại bàn thờ, vị tư tế tiếp nhận đĩa thánh có bánh; rồi hai tay cầm đĩa, nâng lên cao một chút, mà đọc thầm: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, Benedictus es, Domine “. Ðoạn đặt đĩa có bánh trên khăn thánh.
“142. Sau đó, người giúp lễ trao các bình rượu, nước cho vị tư tế đứng phía cạnh bàn thờ, vị tư tế rót rượu và một chút nước vào chén thánh, đọc thầm: “Nhờ mầu nhiệm nước, Per huius aquae”. Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế hai tay cầm chén, nâng cao một chút mà đọc nhỏ tiếng: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, Benedictus es, Domine”, rồi đặt chén trên khăn thánh và tùy nghi đậy tấm che.
“151. Sau khi truyền phép, vị tư tế nói: “Ðây là mầu nhiệm đức tin”, giáo dân tung hô theo một trong các công thức có sẵn.
Cuối kinh Tạ Ơn, vị tư tế cầm đĩa có bánh thánh và chén, rồi nâng cả hai, đọc lời vinh tụng: Chính nhờ Ðức Kitô. Dân chúng tung hô: A-men. Sau đó vị tư tế đặt đĩa và chén trên khăn thánh.
“163. Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu thánh hiến còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm.
Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng sang phía cạnh bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh; ngài vừa tráng chén, vừa đọc thầm: “Lạy Chúa, miệng chúng con, Quod ore sumpsimus…” và dùng khăn lau chén mà lau. Nếu tráng chén trên bàn thờ, thì sau đó người giúp lễ sẽ đem bình và chén xuống bàn phụ. Cũng có thể để bình chưa tráng, nhất là khi có nhiều bình, trên một khăn thánh ở bàn thờ hay bàn phụ, che đậy lại tùy nghi, để liền sau lễ, khi giải tán dân chúng rồi, sẽ tráng.
“248. Các vị đồng tế cũng có thể rước Mình Thánh đặt trên bàn thờ và liền sau đó, rước Máu Thánh.
Trong trường hợp này, chủ tế rước lễ dưới hai hình như thường lệ (x. số 158), nếu ngài chọn cách thức rước chén thánh nào thì các vị đồng tế khác theo cách ấy.
Sau khi chủ tế rước lễ, chén thánh được đặt bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác. Các vị đồng tế từng người một đến giữa bàn thờ, quì gối và rước Mình Thánh, sau đó đi qua bên cạnh bàn thờ và rước Máu Thánh, theo nghi thức rước chén thánh đã chọn, như nói trên…
“249. Nếu các vị đồng tế rước bằng cách chấm, thì chủ tế rước Mình và Máu Thánh Chúa như thường lệ, tuy nhiên chú ý để lại trong chén đủ Máu Thánh cho các vị đồng tế rước. Sau đó, thầy phó tế, hay một vị đồng tế, đặt chén thánh ở giữa bàn thờ hay bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác, cùng với đĩa đựng Mình Thánh…
“297. Trong nơi thánh, Thánh Lễ phải được cử hành trên một bàn thờ; còn ngoài nơi thánh thì có thể cử hành trên một cái bàn xứng đáng, nhưng luôn phải có khăn phủ bàn thờ và khăn thánh, thánh giá và đèn.
“306. Trên bàn thờ chỉ đặt những gì mà việc cử hành Thánh Lễ đòi hỏi, nghĩa là, sách Tin Mừng từ đầu cử hành cho đến khi công bố Tin Mừng, chén thánh với đĩa, bình thánh, nếu cần, khăn thánh, khăn lau và Sách Lễ từ lúc trình lễ phẩm cho đến khi tráng chén” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Như vậy, nhiểu khăn thánh có thể được sử dụng trong Thánh lễ. Ít nhất một khăn thánh được đặt ở trung tâm bàn thờ khi dâng lễ phẩm. Các khăn thánh khác có thể được đặt tại các vị trí khác của bàn thờ, nếu có nhiều bình thánh. Cũng cần có ít nhất một khăn thánh trên bàn đồ lễ (credence table) cho việc tráng chén.
Nghi thức Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài thánh lễ cũng có các chỉ dẫn quan trọng liên quan đến khăn thánh:
“19. Khi việc rước lễ diễn ra trong nhà thờ hay nhà nguyện, cần đặt khăn thánh trên bàn thờ và bàn thờ được phủ khăn lớn, và sử dụng đĩa rước lễ. Khi việc rước lễ diễn ra nơi khác, cần dọn một bàn thích hợp, được phủ khăn lớn; cũng sử dụng nến”.
Các “nơi khác” được đề cập nói chung là dành cho người bệnh rước lễ. Trong trường hợp này, người đó hoặc gia đình người đó chuẩn bị nến và một cái bàn phủ một khăn lớn. Chính linh mục, phó tế hoặc thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ sẽ mang theo khăn thánh. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong bệnh viện khi nhiều người bệnh được rước lễ, nghi thức tiên liệu khả năng bắt đầu nghi thức trong phòng đầu tiên và kết thúc ở phòng cuối cùng. Trong tình huống như vậy, chỉ cần sử dụng khăn thánh ở phòng đầu tiên mà thôi.
Về việc đặt Mình Thánh để chầu, sách nghi thức nói:
” 93. Nếu Mình Thánh không được lưu giữ tại bàn thờ, nơi diễn ra việc chầu Thánh Thể, thì linh mục mang khăn vai và đem Mình Thánh từ nơi lưu giữ; ngài đi với người giúp lễ hoặc tín hữu, cùng với nến sáng.
“Bình thánh hoặc Mặt nhật (monstrance) cần được đặt trên bàn thờ được phủ bằng một tấm vải. Nếu việc chầu Thánh Thể với Mặt nhật diễn ra lâu giờ, một ngai cao có thể được sử dụng, nhưng ngai này không nên quá cao hoặc xa. Sau khi đặt Mình Thánh, nếu sử dụng Mặt Nhật, linh mục sẽ xông hương. Nếu giờ chầu dài, ngài có thể rút lui.
“Trong trường hợp của giờ chầu kéo dài và trọng thể, Mình Thánh nên được truyền phép trong Thành lễ ngay trước đó, và sau khi hiệp lễ, nên được đặt trong Mặt nhật trên bàn thờ. Thánh lễ kết thúc với lời cầu nguyện sau hiệp lễ, và các nghi thức cuối lễ được bỏ qua. Trước khi linh mục rời đi, ngài có thể đặt Mình Thánh lên ngai và xông hương”.
Trong khi từ ngữ “tấm vải (cloth)” là hơi mơ hồ, số 1104 của Sách Nghi thức Giám mục nói rằng cần phải có một khăn thánh trên bàn thờ “khi hoàn cảnh yêu cầu”.
Cụm từ điều kiện này có tính đến các tình huống đặc biệt, như chẩu Thánh Thể vào cuối Thánh lễ và, có lẽ, các giờ chầu không diễn ra trên bàn thờ. Thí dụ, một số hình thức của giờ chầu có thể giữ lại các thông lệ lịch sử, chẳng hạn nhà tạm với bàn xoay (turntable). Trong trường hợp đó, khăn thánh đã ở dưới Mặt nhật trong nhà tạm xoay (rotary tabernacle). Nguyên tắc của việc sử dụng một khăn thánh dưới Mặt nhật hoặc Hộp đựng Mình Thánh (pyx) là vẫn giữ nguyên.
Cuối cùng, về việc sử dụng nến chầu Mình Thánh, sách nghi thức nói:
“54. Khi chầu Mình thánh trong Mặt nhật, từ bốn đến sáu ngọn nến được thắp sáng, như trong Thánh lễ, và hương được sử dụng. Khi chầu Mình thánh trong Bình thánh, ít nhất có hai ngọn nến được thắp sáng, và hương có thể được dùng”.
Sau khi tôi trả lời ngày 12-2 về ý nghĩa câu “Ngài lại phục sinh, He rose again”, một số bạn đọc đã đưa ra các gợi ý, vốn sẽ hoàn chỉnh và, ở một mức độ nào đó, điều chỉnh câu trả lời của tôi.
Các bạn đều cho rằng không có gì kỳ quặc về câu dịch tiếng Anh cả. Sau đây là tổng hợp nhiều ý kiến khác nhau:
“Trong tiếng Latinh, ‘Ngài đã phục sinh = surrexit’. Nhưng Giáo hội nói ‘Ngài lại phục sinh – resurrexit’, vốn chính xác là ‘Ngài đã phục sinh’ (surrexit) + ‘lại’ (re-).
“Trong tiếng Hy Lạp, chúng ta có từ -ana của anastasis (và cognates), vốn cũng có thể có nghĩa là ‘lại’.
“Trong tiếng Ý, è risorto là cũng giống như câu trên: sorto = Ngài phục sinh và ri- = lại.
“Thường khá phổ biến trong các ngôn ngữ Romance, là diễn tả ý tưởng ‘lại’ thông qua tiền tố ‘re-, ri-,’ ngay cả trong các trường hợp mà trong tiếng Anh người ta thêm chữ “again” một cách thật tự nhiên hơn. Thí dụ:
“Tôi gọi điện thoại lúc 9 giờ và tôi gọi lại lúc 10 giờ = Ho chiamato alle nove e ho richiamato alle dieci.
“Tiếng Anh là không đặc biệt chút nào; nó theo sát tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh và các ngôn ngữ khác, cũng như là xác thực về thành ngữ trong tiếng bản địa. Trong tất cả các ngôn ngữ này, có nhiều cách để diễn tả Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, với ý tưởng “lại” hoặc không ý tưởng “lại”, mà không hề có sự thay đổi về ý nghĩa”. (Zenit.org 26-2-2019)
Nguyễn Trọng Đa