Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Con viết thư để xin một số giải thích rõ ràng về hướng của thánh giá, nếu thánh giá được đặt trên một bàn thờ không có giá đỡ (freestanding altar, kiểu mẫu Biển Đức) trong một Thánh lễ quay về tín hữu. Liệu hình Chúa chịu nạn hướng về đâu? Hướng về phía linh mục? Hay hướng về phía tín hữu? Con thấy trong Thánh lễ hàng ngày của Mạng lưới Truyền hình Lời Hằng hữu của Mỹ (EWTN) rằng mạng này sử dụng kiểu mẫu Biển Đức, mà trong đó thánh giá được đặt trên bàn thờ, và có hai hình Chúa chịu nạn, một hình hướng về linh mục và một hình hướng về tín hữu. – J. G., Cebu, Philippines.
Đáp: Các chỉ dẫn trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) là rất ít về hướng của thánh giá có hình Chúa chịu nạn. Chúng ta có các số sau đây:
“117. […] Hơn thế, trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt thánh giá, có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Có thể mang theo chân nến và thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh khi rước chủ tế vào hành lễ. Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách bài đọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ.
“122. Khi tới bàn thờ, linh mục và các thừa tác viên cúi mình. Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cầm đi rước, có thể dựng bên cạnh bàn thờ để làm thánh giá tại bàn thờ hoặc cất đi và đặt vào nơi xứng đáng vì bàn thờ chỉ được có một thánh giá. Còn đèn thì đặt trên bàn thờ hoặc cạnh bàn thờ. Sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.
“188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang thánh giá đi giữa hai thừa tác viên cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy dựng thánh giá bên cạnh bàn thờ để thành thánh giá tại bàn thờ; nếu không, thì đặt thánh giá tại một nơi xứng đáng, rồi về chỗ của mình trong cung thánh.
“308. Trên hoặc gần bàn thờ, cũng phải đặt một Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh cho dân được tập họp nhìn thấy rõ. Để nhắc các tín hữu nhớ đến cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa, nên đặt cây thánh giá này gần bàn thờ, ngay cả khi không cử hành phụng vụ.
“350. Hơn nữa, hết sức quan tâm đến những gì trực tiếp liên quan đến bàn thờ và việc cử hành Thánh lễ, chẳng hạn như: Thánh giá để trên bàn thờ và Thánh giá cầm đi rước.” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Điều đáng chú ý là bản văn không thực sự sử dụng thuật ngữ “thánh giá hình Chúa chịu nạn, crucifix”, mặc dù điều này có nghĩa rõ ràng như thế trong các số 117, 122 và 308.
Tài liệu cũng cho phép thánh giá được đặt trên hoặc gần bàn thờ. Không có yêu cầu rằng thánh giá phải được đặt trực tiếp trên bàn thờ.
Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nhấn mạnh rằng chỉ nên có một thánh giá bàn thờ. Điều này là phù hợp với tập quán lâu đời của Hội Thánh, mặc dù, trước khi có cải cách phụng vụ, toàn thể cộng đoàn, linh mục và các tín hữu, là đối mặt với cả bàn thờ và thánh giá hình Chúa chịu nạn theo cùng một hướng, và đôi khi chữ đỏ hướng dẫn linh mục nhìn vào thánh giá hình Chúa chịu nạn.
Tập tục dùng một thánh giá cũng có thể được nhìn thấy từ một sắc lệnh của Giáo hoàng Biển Đức XIV (1740-1758), khi sắc lệnh này xác định rằng một cây thánh giá khác là không cần thiết, nếu một thánh giá lớn hình Chúa chịu nạn được vẽ hoặc điêu khắc như một phần của bàn thờ (Const. Accepimus, sắc lệnh 1270).
Mặc dù sắc lệnh này không còn hiệu lực, các nguyên tắc của nó có thể được áp dụng cho các tình huống hiện tại, chẳng hạn một thánh giá lớn hình Chúa chịu nạn, được treo lơ lửng từ trần nhà hoặc đặt trên bức tường phía sau bàn thờ.
Ai cũng biết rằng trước khi trở thành giáo hoàng, Giáo hoàng Biển Đức XVI đã ủng hộ việc sử dụng một thánh giá lớn hình Chúa chịu nạn trên chính bàn thờ, như một phương tiện để thiết lập điều mà Ngài gọi là một phía đông phụng vụ, hoặc một phương tiện tập trung linh mục và các tín hữu vào mầu nhiệm trung tâm của sự cứu chuộc, vốn là hiện diện trong Thánh lễ, và được tượng trưng bằng thánh giá hình Chúa chịu nạn
Trong thời giáo hoàng của ngài, sự hiện diện của một thánh giá hình Chúa chịu nạn như vậy trên bàn thờ đã trở thành quen thuộc trong các Thánh lễ giáo hoàng, và việc thực hành này đã được tiếp tục dưới thời Giáo hoàng Phanxicô. Việc thực hành này đã được làm sáng tỏ một cách ngắn gọn vào năm 2009 bởi một thông tin từ Văn phòng Đặc Trách Các Lễ nghi Phụng vụ của Giáo hoàng (the office of the Master of Papal Liturgical Celebrations) về tầm quan trọng của vị trí trung tâm của thánh giá trong cử hành Thánh lễ.
Mặc dù đôi khi có hai thánh giá tại một số Thánh lễ giáo hoàng, đặc biệt là ở bên ngoài Rôma, cho đến nay không có sắc lệnh hay văn bản pháp lý nào khác được ban hành, để quy định sự thay đổi luật. Do đó, các quy định của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), vốn nói chỉ cần một thánh giá bàn thờ, vẫn còn hợp lệ và có hiệu lực pháp lý của chúng.
Do đó, trong khi tôn trọng tính độc nhất của thánh giá, có một số lựa chọn hợp pháp được đưa ra liên quan đến vị trí của thánh giá bàn thờ, và luật hiện tại không thích một giải pháp nào hơn một giải pháp nào khác. Do đó, thánh giá hình Chúa chịu nạn có thể được đặt trên bàn thờ, bên cạnh bàn thờ, ngay phía sau hoặc lơ lửng phía trên bàn thờ. Thánh giá nên được liên quan rõ ràng với bàn thờ, cũng như được các tín hữu nhìn thấy.
Như Giám mục Peter J. Elliott bình luận trong cẩm nang phụng vụ của ngài, “Thánh Giá hình Chúa chịu nạn dùng trong phụng vụ không phải chủ yếu dành cho sự sùng kính riêng tư của vị chủ tế, mà là một dấu hiệu ở giữa cộng đoàn Thánh Thể để tuyên bố rằng Thánh lễ cũng là Hy tế như đồi Canvê.” Như thế, nói đúng ra, thánh giá bàn thờ có mối quan hệ với bàn thờ, chứ không chỉ với linh mục.
Vì thánh giá là đặc biệt liên quan đến bàn thờ, nên hình Chúa chịu nạn thường được quay về phía bàn thờ trong Thánh lễ.
Chữ đỏ của Sách Lễ nghi Giám mục, được sử dụng trước cải cách Công đồng, đã thấy trước khả năng của bàn thờ hướng về các tín hữu (versus populum.) Cuốn sách này, trong khi quy định rằng thánh giá phải được mọi người nhìn thấy, cũng quy định rằng hình Chúa chịu nạn hướng về phía bàn thờ (“cum imagine sanctissimi Crucifixi versa ad interiorem altaris faciem”).
Năm 1966, bản tin Notitiae đã đưa ra một câu trả lời cho một câu hỏi về sự mới lạ của các bàn thờ không có giá đỡ, và sự nghi ngờ chính xác về hình Chúa chịu nạn quay về hướng nào.
Trước tiên, bản tin nhận ra tình huống mới mà luật cũ không còn áp dụng. Thứ hai, bản tin nói rằng thật là không phù hợp khi thánh giá là quá nhỏ đến mức không thể nhìn thấy, và cũng là không phù hợp khi thánh giá là quá lớn đến nỗi cản trở tầm nhìn cho các nghi thức.
Cuối cùng, bản tin giải quyết câu hỏi về một thánh giá bàn thờ không được đặt trên bàn thờ. Bản tin nói: “Tách biệt với bàn thờ có ba khả năng: đặt thánh giá đi rước trước bàn thờ với hình Chúa chịu nạn hướng về chủ tế, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng kết hợp tốt với các yếu tố khác của cung thánh; một thánh giá lớn treo từ trần nhà, hoặc đặt trên tường của nhà thờ. Trong cả hai trường hợp sau, một thánh giá khác trên bàn thờ là không cần thiết, nhưng một thánh giá lớn duy nhất, vốn trong Thánh lễ hướng về các tín hữu, chỉ được xông hương, khi linh mục, lúc ngài di chuyển xung quanh bàn thờ, đứng trước cả thánh giá và bàn thờ.” Notitiae 2 (1966): 290-291, số 101. (bản dịch không chính thức).
Đối với giải pháp của Mạng lưới Truyền hình Lời Hằng hữu của Mỹ (EWTN) là có một cây thánh giá bàn thờ được thiết kế với hình Chúa chịu nạn ở cả hai bên: Mặc dù dường như không có các quy định hiện hành để cấm sự thực hành này, nhưng nó đã không được phép trong thời gian trước đây. Một số sách hướng dẫn phụng vụ cũ đã khuyến nghị sử dụng các hình ảnh khác ở phía bên thánh giá đối diện với mọi người, chẳng hạn như biểu tượng con cá, hoặc thậm chí một hình ảnh khác của Đấng Cứu Chuộc, chẳng hạn Mục tử nhân lành hay Vua các Vua.
Khi các đề nghị này được đưa ra, các bàn thờ không có giá đỡ và Thánh lễ đối mặt với mọi người là còn quá đặc biệt. Đây không còn là trường hợp hiện giờ nữa, và tôi tin rằng giải pháp của thánh giá có hình Chúa chịu nạn cả hai bên là một lựa chọn hợp pháp cho phụng vụ ngày nay. (Zenit.org 3-12-2019)
Nguyễn Trọng Đa