Giải đáp phụng vụ: Dự tòng làm gì trong cuộc Rước Nến Phục Sinh?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

   HỏiCon đang tìm kiếm một số hướng dẫn trong sách bí tích để chúng ta biết cách hướng dẫn người dự tòng trong Đêm Vọng Phục Sinh, đặc biệt là phần thứ nhất (Nghi thức thắp nến Phục Sinh), nhưng tìm không thấy. Thưa cha, liệu các dự tòng cũng làm giống y như tín hữu trong cuộc Rước nến Phục Sinh không? – D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đáp: Quả vậy, không có hướng dẫn chính xác về người dự tòng trong Sách Lễ, hoặc trong ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ cho phần này của lễ Vọng Phục Sinh. Tất cả các hướng dẫn đều dành cho Nghi thức Thánh Tẩy.
 Tuy nhiên, có một số chú thích nhạy cảm trong các quy định giáo phận, vốn có thể áp dụng ở nơi khác mà không bắt buộc.

 Thí dụ, một tiểu ban phụng vụ giáo phận nói thêm như sau ở phần chữ đỏ “Tất cả thắp sáng nến của mình từ cây nến Phục Sinh, và tiếp tục đi rước”:

“Trong khi không đề cập đến một cách rõ ràng, các dự tòng không sử dụng nến vào thời điểm này. Các ngọn nến là một dấu hiệu của Chúa Kitô đang ở trong người đã rửa tội;các dự tòng sẽ nhận nến của mình sau khi họ đã được rửa tội”.

Điều này có vẻ như là một điểm hợp lý và sẽ nhấn mạnh tốt hơn việc tiếp nhận ngọn nến đã được thắp sáng trong nghi thức Thánh Tẩy.

Sau nghi thức thắp nến Phục Sinh, các dự tòng không có vai trò đặc biệt cho đến khi phụng vụ Thánh Tẩy bắt đầu.
 Về phụng vụ này, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã giải thích một số điều mới, vốn được tìm thấy trong ấn bản gần đây nhất của Sách Lễ Rôma. Chúng tôi nêu ra một số đoạn văn:

         “Nghi thức thắp nến Phục Sinh
 “Cây nến Phục Sinh được đưa ra. Nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi; để nó diễn tả một sự thật rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Mô tả này được phát triển trong số 94 của tài liệu Built of Living Stones (Dựng xây từ những viên đá sống động) nhắc nhở chúng ta rằng cây nến Phục sinh là biểu tượng của “ánh sáng của Chúa Kitô, chỗi dậy trong vinh quang”, xóa tan “bóng tối của tâm trí chúng ta”.‘Trên hết, cây nến Phục Sinh phải là một cây nến đặc biệt, biểu tượng ưu việt của ánh sáng Chúa Kitô. Sự lựa chọn về kích cỡ, thiết kế và màu sắc phải được thực hiện trong tương quan với cung thánh, nơi nến sẽ được đặt … ‘ (Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích, Thông tư về việc chuẩn bị và cử hành đại lễ Phục Sinh [1988], số 82).

“Nến được chuẩn bị trong các nghi thức bắt buộc. Chủ tế khắc hình thánh giá vào cây nến bằng bút. Sau đó, ngài vẽ chữ Alpha Hy Lạp lên phía trên thánh giá, rồi vẽ chữ Omega Hy Lạp phía dưới thánh giá, và vẽ bốn con số của năm hiện tại giữa hai cánh tay của thập giá, vừa nói vừa vẽ các số này. Sau các nghi thức này, linh mục thắp cây nến từ ngọn lửa mới và nói: ‘Nguyện xin ánh sáng của Chúa Kitô, chỗi dậy trong vinh quang, xóa tan bóng tối của tâm trí chúng con’ (Vọng Phục Sinh, EV, số 14).

“Việc tổ chức cuộc rước nến được miêu tả rõ ràng hơn trong Sách Lễ (Missale Romanum) mới. Một trong các thừa tác viên gắp than cháy ra khỏi đám lửa, và đặt chúng vào bình hương, và linh mục, theo cách thông thường, đặt hương vào bình. Thầy phó tế, hoặc khi không có phó tế, một thừa tác viên khác, nhận nến Phục Sinh từ chủ tế và một cuộc rước nến được hình thành. Thứ tự đoàn rước là người cầm bình hương có hương sẵn, đi trước thừa tác viên cầm cây nến, sau đó là các thừa tác viên khác, linh mục và dân chúng. Tất cả đều cầm nến chưa thắp sáng (Vọng Phục Sinh, EV, số 15). Cũng như ngưởi dân Ít-ra-en được dẫn đường bằng cột lửa vào ban đêm, thì người tín hữu cũng được Chúa Kitô Phục Sinh dẫn đường.

 “Các vị trí mà ở đó lời tuyên bố “Ánh sáng Chúa Kitô” được hát là hiện nay khác với những gì đã nói trong Sách Lễ (Missale) cũ.

 “Các vị trí mới là: ở cửa nhà thờ (sau đó linh mục thắp nến của mình), ở giữa nhà thờ (mọi người thắp nến của mình), và trước bàn thờ, đối diện với dân chúng. Sách Lễ cho biết rằng thầy phó tế đặt cây nến vào giá nến lớn, vốn được chuẩn bị kế bên cạnh giảng đài hoặc ở giữa cung thánh (EV, số 17). Lúc ấy, đèn nhà thờ được thắp sáng, ngoại trừ các đèn bàn thờ chỉ được thắp sáng ngay trước khi xướng hát Kinh Vinh Danh (Gloria) (EV, số 17 và 31).
“Trước khi công bố Tin Mừng Phục Sinh, linh mục trao nến của mình cho một trong các thừa tác viên, và làm phép hương như khi ngài làm phép hương trước lúc đọc Tin mừng trong Thánh lễ. Sau khi xin và nhận phép lành, thầy phó tế công bố Tin Mừng Phục Sinh từ giảng đài hoặc đài đọc sách. Văn bản thi ca này ghi lại toàn bộ mầu nhiệm Phục Sinh, được đặt trong bối cảnh của nhiệm cục cứu độ. Trong trường hợp không có thầy phó tế, linh mục hay một linh mục đồng tế khác có thể công bố Tin Mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, nếu một ca viên giáo dân công bố Tin Mừng này, thì bỏ qua các chữ “Anh chị em rất thân mến” và lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” (số 18-19). Việc nhắc Hội đồng Giám mục có thể thích ứng văn bản bằng cách chèn các điệp ca cho tín hữu, không còn được nói đến nữa.

        “Phụng vụ Lời Chúa

“Một trong các khía cạnh độc đáo của Đêm Canh Thức Phục Sinh là kể lại các sự kiện xuất sắc của lịch sử cứu độ. Các sự kiện này liên quan đến bảy bài đọc trong Cựu Ước được chọn từ luật và sách các ngôn sứ, và hai bài đọc Tân Ước, cụ thể là từ thánh thư của các tông đồ và từ Tin Mừng. Như vậy, Thiên Chúa ‘bắt đầu từ ông Môsê và các ngôn sứ’ (Lc 24,27,44-45) gặp gỡ chúng ta một lần nữa trong hành trình của chúng ta, mở lòng trí chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta chia sẻ trong việc bẻ bánh và uống Máu thánh.Các tín hữu được khuyến khích suy niệm về các bài đọc này bằng cách hát thánh vịnh đáp ca, tiếp theo là sự thinh lặng vắn, và sau đó là lời nguyện của chủ tế. Sách Lễ Missale đưa thêm một câu về chín bài đọc được đề nghị, nói rằng ‘tất cả các bài phải được đọc nếu có thể thực hiện được, để đặc tính của buổi Vọng Phục sinh, vốn diễn ra trong một thời gian dài, có thể tuân giữ được’ (EV, số 20).

“Mặc dù vậy, Sách Lễ Missale mới thừa nhận rằng “khi các hoàn cảnh mục vụ nghiêm trọng đòi hỏi, số lần đọc các bài Cựu Ước có thể được giảm xuống” (EV, số 21). Ít nhất ba bài đọc Cựu Ước phải được đọc, trong đó có Xuất hành 14 (EV, số 21). Quy chiếu được tìm thấy trước đây trong Sách Lễ Missale cũ, về khả năng chỉ có hai bài đọc Cựu Ước trong trường hợp nhất thiết, đã được xóa bỏ.

“Sách Lễ Missale nói rõ về việc linh mục xướng hát Alleluia trước bài Tin Mừng: “Rồi sau bài thánh thư, mọi người đứng lên. Linh mục long trọng hát xướng ‘Alleluia’ và cộng đoàn lặp lại theo giọng được xướng. Xướng ‘Alleluia’ ba lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Rồi ca viên hát thánh vịnh 117 và cộng đoàn đáp lại bằng lời Alleluia (EV, số 34) cho mỗi đoạn thánh vịnh. Các tông đồ thường trích dẫn thánh vịnh này trong bài giảng về Chúa Phục Sinh’ (Cv 4,11-12, Mt 21,22, Mc 12,10, Lc 20,17).

  “Sách Lễ Missale hướng dẫn rõ ràng rằng bài giảng, ngay cả khi nó ngắn gọn, là không thể bỏ qua (EV, số 36). Điều này đòi hỏi người giảng lễ phải chuẩn bị kỹ lưỡng và soạn bài giảng như thế nào, để nắm bắt được các mầu nhiệm lớn lao đang được cử hành trong đêm cực thánh này.

       Phụng vụ Thánh tẩy
 “Sách Lễ Missale đã tổ chức lại các chữ đỏ cho toàn bộ phần này của Đêm canh thức (số 37-58). Tuy nhiên, ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ nên luôn được tham khảo cùng với các chữ đỏ được đề cập ở đây trong Sách Lễ Missale. Điều này là đặc biệt đúng phép Thánh Tẩy diễn ra bằng cách dìm người xuống nước.

“Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô và của chúng ta được đạt ý nghĩa trọn vẹn, khi nước thánh tẩy được làm phép ở giếng rửa tội, và khi việc ban bí tích khai tâm Kitô giáo cho người lớn, hoặc ít là ban bí tích Thánh tẩy cho trẻ em, được tổ chức trong đêm canh thức Phục Sinh. Ngay cả khi không có người nào được thánh tẩy trong đêm này, việc làm phép nước thánh tẩy nên diễn ra trong các nhà thờ giáo xứ. Ít nhất, phép Thánh Tẩy được tưởng nhớ bằng việc làm phép nước nhằm rảy trên dân chúng.

“Các chữ đỏ mô tả hai trường hợp Thánh Tẩy tại Đêm canh thức. Nếu có một cuộc rước đến giếng rửa tội, các dự tòng được gọi đến và được bõ vú đỡ đầu giới thiệu. Nếu họ là trẻ em, họ được cha mẹ và bõ vú đỡ đầu mang ra trước cộng đoàn. Những người sắp được thánh tẩy, cùng với bõ vú đỡ đầu của họ, được dẫn đầu bởi một thừa tác viên cầm nến Phục Sinh; các thừa tác viên khác, thầy phó tế, và linh mục đi theo sau họ. Cuộc rước này đi kèm với việc đọc hay hát Kinh cầu Các Thánh. Sau đó  linh mục nói lời giới thiệu.

   “Nếu việc Thánh tẩy diễn ra trong cung thánh, linh mục nói lời giới thiệu và sau đó mọi người đọc hay hát Kinh Cầu Các Thánh.

 “Sách Lễ Missale nhắc nhở chủ tế rằng ngài dang tay ra trong khi làm phép nước (EV, số 44).

 “Các số từ 48 đến 53 của chữ đỏ cho lễ Vọng Phục Sinh của Sách Lễ Mới Missale Romanum mô tả quá trình của nghi thức khai tâm. Như đã đề cập trước đây, điều quan trọng là phải tham khảo ​​chặt chẽ ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ về vấn đề này. Số 48 của chữ đỏ cho buổi Canh Thức Phục Sinh nói rằng sau khi từ bỏ ma quỷvà tuyên xưng đức tin ‘nếu việc xức dầu Dự tòng chưa diễn ra trước đó, như là một phần của các nghi thức chuẩn bị ngay tức thì, việc xức dầu này diễn ra tại thời điểm này’.Lẽ tất nhiên số 32 của ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ nêu ra: “Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chấp nhận việc bỏ xức dầu với dầu dự tòng, cả trong việc cử hànhThánh Tẩy, và trong các nghi thức chuẩn bị tùy chọn cho ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Do đó, việc xức dầu với dầu dự tòng được dành để sử dụng trong giai đoạn dự tòng, và trong giai đoạn Thanh tẩy và Soi sáng, và không đưa vào trong các nghi thức thanh luyện cho ngày Thứ bảy Tuần Thánh, hoặc trong buổi cử hành khai tâm Kitô giáo trong Vọng Phục Sinh, hoặc vào thời điểm khác”.

“Số 49 của chữ đỏ cho Vọng Phục Sinh ghi nhận rằng khi có nhiều người chịu Thánh Tẩy, linh mục có thể xin nhắc lại lời hứa Thánh tẩy của tất cả những người hiện diện, ngay sau khi các người sắp được Thánh tẩy tuyên xưng đức tin, cùng với bõ vú đỡ đầu và cha mẹ của họ.

 “Việc cử hành phép Thêm sức phải diễn ra trong cung thánh, như được nêu ra trong sách Lễ Nghi Giám mục (Pontifical) hoặc sách Nghi lễ Rôma (Roman Ritual).

         Phụng vụ Thánh Thể
 “Cần chú ý rằng, đặc biệt trong buổi cử hành Thánh lễ vào ban đêm, phụng vụ không được cử hành cách vội vàng; quả thế, tất cả các nghi thức và ngôn từ phải được diễn tả với đầy đủ ý nghĩa và uy lực của chúng.
 “Sách Lễ Missale đã đưa vào chính mình các chữ đỏ được tìm thấy trong các số 241-243 của ‘Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn’. Các điều này cho phép đọc lời cầu cho các người đã được thánh tẩy và bõ vú của họ trong Kinh nguyện Thánh Thể. Các công thức riêng được tìm thấy trong Sách Lễ Rôma cho mỗi một Kinh nguyện Thánh Thể (EV, số 63). ‘Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ nêu ra rằng các công thức này được tìm thấy trong phần dành cho các Thánh lễ có nghi thức “Khai tâm Kitô giáo: phép Thánh Tẩy”.

“Sách Lễ Missale nhắc nhở linh mục rằng, trước khi ngài nói ‘Đây Chiên Thiên Chúa’, ngài có thể đưa ra một nhắn nhủ ngắn gọn cho các tân tòng về việc họ Rước lễ lần đầu, và ‘về sự quý giá của một mầu nhiệm lớn lao, vốn là đỉnh cao của sự khai tâm, và trung tâm của đời sống Kitô hữu’ (EV, số 64). Trong số 65, chữ đỏ cho Vọng Phục Sinh cho thấy sự ước muốn cho các tân tòng cũng như mọi tín hữu, nếu Giám mục giáo phận đồng ý, được Rước Lễ dưới hai hình.

Một thí dụ về các nhắn nhủ này có thể là lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong Đêm Vọng Phục sinh năm 2011:

 “Hỡi các con yêu dấu, cha hướng về các con là những người trong đêm vinh quang này, được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, lần đầu tiên lãnh bánh ban sự sống và chén cứu độ. Xin Mình Máu Chúa Kitô luôn làm cho các con tăng trưởng trong tình bạn của Ngài, và hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, xin Mình Máu Chúa Kitô thành của ăn liên tục cho cuộc hành trình đời các con, và lời hứa của bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên đàng”.

  Cuối cùng, một số quy định giáo phận nhắc lại rằng nếu có ứng viên cần được tiếp nhận, tức là các ứng viên Kitô hữu đã rửa tội muốn đi vào hiệp thông trọn vẹn với HộiThánh Công giáo, thì Nghi thức tiếp nhận nên bắt đầu sau nghi thức rảy Nước thánh trên dân chúng và trước lời nguyện tín hữu. (Zenit.org 20-3-2018)

Nguyễn Trọng Đa

 

Comments are closed.