Giải đáp phụng vụ: Cộng đoàn đứng hay ngồi, sau khi bài Tin Mừng đọc xong?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu cộng đoàn có cần đứng cho đến khi Sách Tin Mừng được đặt lên bục sau khi đọc xong không? Con nghĩ rằng chỉ khi có sự hiện diện của Tổng Giám Mục và chúng con đứng  đợi cho đến khi ngài hôn sách Tin Mừng xong. Thưa cha, có điều gì trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói về việc này chăng? Con không thể tìm thấy nó. Một số người trong giáo xứ của chúng con cảm thấy chúng con cần phải đứng. – K. S., Atlanta, Georgia, Mỹ.

Đáp: Bạn đọc trên đây nói đúng, vì Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma không nói bất cứ điều gì cụ thể liên quan đến điểm này.

Qui chế nói như sau trong số 175: “Ðang khi hát A-lê-lu-ia hay bài ca nào khác, nếu có xông hương, thầy Phó tế giúp vị tư tế bỏ hương, rồi cúi mình sâu trước mặt vị tư tế, xin phép lành, mà đọc nhỏ tiếng: “Xin Cha chúc lành cho con, Iube, domine, benedicere”. Vị tư tế chúc lành cho thầy: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn…Dominus sit in corde tuo”. Thầy Phó tế làm dấu thánh giá trên mình và thưa: “A-men”, rồi sau khi đã chào kính bàn thờ, thầy lấy sách Tin Mừng trên bàn thờ, nếu sách để trên đó, đoạn tay nâng sách lên một chút tiến tới giảng đài, cùng với các người cầm hương, cầm nến đi trước, nếu có. Tại giảng đài, thầy chắp tay chào giáo dân: “Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum”, rồi khi đọc câu: “Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô, Lectio sancti Evangelii”, thầy lấy ngón cái làm dấu trên sách, sau đó trên trán, miệng và ngực mình, xông hương sách và công bố bài Tin Mừng. Ðọc xong, thầy nói: “Ðó là Lời Chúa, Verbum Domini”, mọi người thưa: “Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa, Laus tibi, Christe”. Rồi thầy hôn kính sách và đọc thêm: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc…, Per evangelica dicta”, rồi về chỗ gần vị tư tế.  

“Khi thầy phó tế giúp Giám Mục, thầy đưa sách cho ngài hôn hay chính thầy vừa hôn sách vừa đọc thầm: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, Per evangelica dicta”. Trong các buổi cử hành long trọng, Giám Mục có thể ban phép lành cho dân chúng với sách Tin Mừng. 

“Sau đó thầy đưa sách Tin Mừng về bàn phụ hay một nơi thích đáng khác” (bản dịch Việt Ngữ của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
    Bởi vì bản văn này nói sách Tin Mừng được đưa về bàn phụ hay một nơi thích đáng khác, sau khi bài Tin Mừng được công bố hoặc đưa đến cho Giám mục hôn và, nếu thích hợp, ban phép lành, nên tôi nghĩ rằng khá là rõ ràng rằng không có nghi thức đặc biệt được dự kiến cho thời điểm này.

Sách Tin Mừng luôn được đối xử một cách tôn trọng. Do đó khi nói rằng sách Tin Mừng được đưa về bàn phụ hay một nơi thích đáng và trang nghiêm khác, Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nêu ra rằng sách Tin Mừng không được để nơi không xứng hợp, thí dụ, bỏ dưới giảng đài. Nếu không có bàn phụ, một nơi thích hợp có thể là một bàn khác hoặc thậm chí là một bậu cửa sổ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là rằng, trong trường hợp bình thường, từ thời điểm này Sách Tin Mừng không còn có bất kỳ chức năng phụng vụ nào, và không cần đề cao lắm.

Trong một số nghi thức của thừa tác viên và lễ truyền chức, Sách Tin Mừng được đưa trở lại bàn thờ, vì sách còn được sử dụng lần nữa trong các nghi thức.

Việc Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói rằng thầy phó tế “có thể” mang sách đến bàn phụ… ngụ ý rằng thầy có thể để sách lại ở giảng đài. Đây là một khả năng, mặc dù nhiều linh mục hoặc phó tế thích có Sách Bài Đọc đầy đủ trước mặt họ khi giảng, và hình như Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma chú ý đến điểm này.

Bởi vì khá phổ biến là, sau khi công bố bài Tin Mừng, thầy phó tế mang Sách Tin Mừng đến một nơi chuẩn bị sẵn, và không xa, và thầy thay Sách Bài Đọc vào đó. Trong khi đó, linh mục rời khỏi ghế và tiến đến giảng đài để giảng. Nếu có thời gian, thầy phó tế và linh mục có thể cùng đến trước bàn thờ và cùng cúi đầu trước bàn thờ một lần với nhau.

Nếu thầy phó tế giảng lễ, thầy có thể nhanh chóng thay đổi sách hoặc để lại sách Tin Mừng trên giảng đài. Quả đúng rằng một số nhà thờ có một nơi đặt sách Kinh Thánh. Thí dụ, tài liệu của Hội đồng Giám mục Mỹ về các nhà thờ, “Xây dựng các Viên Đá Sống động, Built of Living Stones”, đề cập đến điều này như là một khả năng cho giảng đài:

“62. Sự tôn kính của chúng ta đối với Lời Chúa được thể hiện, không chỉ bằng sự chú ý lắng nghe và suy niệm theo Kinh Thánh, nhưng cũng bằng cách chúng ta cầm và đối xử với Sách Tin Mừng. Giảng đài có thể được thiết kế, không chỉ để đọc và thuyết giảng, mà còn để trưng bày Sách Tin Mừng được mở trang, hoặc một bản sao của Kinh Thánh trước và sau việc cử hành phụng vụ”.

Tuy nhiên, sự thực hành hợp pháp này không bao hàm bất kỳ hình thức rước kiệu nào sau khi công bố bài Tin Mừng, để đưa cuốn sách về lại vị trí quen thuộc, ngay cả khi nó đã gấp lại. Thật vậy, Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma có vẻ loại trừ việc trưng bày Sách trong cử hành phụng vụ.

Tóm lại, sự thực hành bình thường là cho các tín hữu ngồi sau phần công bố Tin Mừng. Việc đem Sách Tin Mừng đến một nơi khác cần thực hiện ngắn gọn và không nghi thức.

Nếu một Giám mục chủ sự buổi lễ, Sách Tin Mừng được đưa tới cho ngài hôn hoặc ban phép lành. Trong trường hợp này, tập tục ở nhiều nơi là hát hay đọc lại câu Alleluia, để cho cộng đoàn biết rắng họ nên tiếp tục đứng, cho đến khi Giám mục hoàn tất công việc. (Zenit.org 26-1-2016)
Chuyển ngữ – Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.