Giải đáp phụng vụ: Có nêu tên người rước lễ khi cho rước lễ không? Việc tự rước lễ được hiểu thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

    Hỏi: Con là một phó tế [vĩnh viễn] và đã được thông báo rằng có một thủ tục gây tranh cãi về việc nêu tên người rước lễ khi cho người ấy rước lễ, chẳng hạn “Maria, đây là Mình Thánh Chúa Kitô!”. Cha xứ của con thường xuyên làm như vậy. Thưa cha, điều này là đúng và hợp pháp chăng? – R.J., Allentown, Pennsylvania, Hoa Kỳ.

    Đáp: Trong khi tôi không biết có các lệnh cấm rõ ràng nào, sự thực hành ấy là không tương hợp với nghi thức đúng, vốn là đơn giản và rõ ràng như được mô tả trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“161. Nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, vị tư tế đưa Mình Thánh lên cao một chút trước mặt mỗi người và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô“. Người rước lễ thưa “A-men“, rồi rước lễ, bằng miệng, hoặc, nơi nào cho phép, bằng tay. Sau khi nhận lấy bánh thánh, người rước lễ rước hết ngay.

Về việc rước lễ dưới hai hình, thì giữ nghi thức mô tả dưới đây (x. các số 284-287).

“286. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống chén thánh, người rước lễ sau khi đã chịu Mình Thánh, đi sang thừa tác viên cầm chén và đứng trước mặt. Thừa tác viên nói: “Máu Thánh Chúa Kitô“? người rước đáp: “A-men“, và thừa tác viên đưa chén, người rước cầm chén bằng hai tay đưa lên miệng. Người rước uống một chút, trả lại chén cho thừa tác viên rồi lui gót; thừa tác viên dùng khăn lau miệng chén.

“287. Nếu rước chén thánh bằng cách chấm, người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm chén thánh và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén, rồi đưa cho vừa nói: “Mình và Máu Chúa Kitô“, người rước nhận lấy bằng miệng, rồi lui gót” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang),

Trong hình thức ngoại thường, công thức là dài hơn nhưng cũng không nêu tên người rước lễ: “Xin Mình Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta giữ linh hồn con an toàn cho sự sống đời đời”.

Do đó, việc nêu tên ngưởi rước lễ không phải là một phần của truyền thống nghi lễ Rôma, và như vậy không phải là một thực hành hợp pháp. Mặc dù xem ra nó có thể là một cử chỉ rất mục vụ, nhưng một số người có thể thấy rằng việc nêu tên cá nhân người rước lễ làm suy yếu việc tuyên xưng đức tin, vốn có trong cuộc đối thoại này.

Khi cầm Mình Thánh và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, linh mục, thầy phó tế hay một thừa tác viên khác cho rước lễ, vừa nhắc đến một sự việc và vừa đòi hỏi một sự ưng thuận. Vào thời điểm đó, ngài hành xử như là vị đại diện của Hội Thánh, để cho người rước lễ, với lời “Amen” của mình, khẳng định đức tin của Hội Thánh, không chỉ vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, mà còn trong tất cả những gì mà Thánh Lễ đòi hỏi.

Yếu tố của mối quan hệ cá nhân được giới thiệu, bằng cách nêu tên người rước lễ, có thể được diễn giải như là làm giảm sự tuyên xưng đức tin trong đối thoại thành một cấp độ con người hơn.

Cũng có thể vô tình gây ra sự chia rẽ, vì thừa tác viên không thể biết tên của mọi người rước lễ, và việc không nêu tên một số người có thể gây xúc phạm. Do đó việc yêu cầu nêu tên mỗi người rước lễ có thể gây trở ngại cho các nghi thức Rôma.

Đồng thời, cần phải nhìn nhận rằng một số truyền thống phụng vụ đã nêu tên người rước lễ. Trong phụng vụ Byzantine, người rước lễ từng người một đến gần linh mục. Khi linh mục trao Mình Thánh cho, ngài nói: “N., tôi tớ của Thiên Chúa, được trao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta, để tha tội cho con và ban cho con sự sống đời đời”.

Công thức tỉ mỉ này nằm trong bối cảnh của truyền thống Byzantine, mà trong đó việc rước lễ là ít thường xuyên hơn so với trong nghi lễ Rôma, và đôi khi chỉ có vài thành viên của cộng đoàn lên rước lễ. Thật vậy, một nghi thức đặc biệt được thêm vào Thánh Lễ, khi các người rước lễ và vị linh mục cùng đọc một kinh nguyện chuẩn bị dài, vốn bao gồm lời tuyên xưng đức tin vào Thánh Thể, trước khi các tín hữu tiến đến gần bàn thờ.

Không có mâu thuẫn gì trong các sự khác biệt này, vì mỗi sự thực hành là rất hợp với nghi lễ của nó.

Sau khi tôi trả lời như trên đây, một bạn đọc thuộc truyền thống Byzantine đã nêu ra (ngày 30-8) một số tiêu điểm, mà tôi tin là giúp chúng ta hiểu rõ hơn bối cảnh của sự thực hành của họ:

“Là một phó tế [người Công giáo Hi lạp Ruthenian Byzantine], tôi có thể đưa thêm một vài soi sáng vào việc truyền thống Byzantine nêu tên người rước lễ. Trước hết, mỗi bí tích được coi là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu của chúng ta, vì vậy mỗi người đều được nêu tên khi lãnh bí tích, “N, tôi tớ của Thiên Chúa, được rửa tội”, “N, tôi tớ của Thiên Chúa, được kết hôn trong hôn nhân với…”, “Tôi tớ của Thiên Chúa, thầy phó tế N, được truyền chức …”, vv … Việc nêu tên như thế là rất quan trọng, đến nỗi khi một người lên rước lễ mà linh mục không biết tên, người ấy nhắc tên mình cho linh mục, để linh mục có thể nêu tên mình khi cho rước lễ (số phận xấu nhất có thể cho một con người là Thiên Chúa quên người ấy, đó là lý do tại sao khi chúng ta cầu nguyện cho người chết, chúng ta cầu nguyện không chỉ cho họ nghỉ yên, mà còn cho họ được muôn đời ghi nhớ. Chữ muôn đời là không theo nghĩa hiểu của con người, nhưng là được Chúa nhớ mãi). Tiếc thay, người Công giáo của truyền thống Byzantine là không thường xuyên rước lễ, không giống với tập tục của người Công giáo theo truyền thống Rôma. Việc rước lễ không thường xuyên là sự thực hành thông thường nơi người Chính Thống Giáo, chứ không như người Công Giáo”.

Tôi cảm ơn bạn đọc này nhiều vì đóng ý xây dựng và hữu ích.

Liên quan đến việc Rước Lễ, một bạn đọc ở Vermont Hoa Kỳ đã nêu câu hỏi: “Gần đây, cha xứ chúng con đã thông báo cho các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, rằng họ có thể cho giáo dân rước lễ khi vắng mặt ngài. Ngài bảo họ tự rước lễ trước khi cho giáo dân rước lễ. Con nói với ngài rằng con đã học biết rằng các thừa tác viên như thế không tự rước lễ và không được rước lễ, trừ khi có một thừa tác viên ngoại thường khác có mặt để làm việc này. “Thông tin” của con cũng chỉ là truyền miệng mà thôi. Xin cha giúp con tìm ở đâu các thủ tục chính xác”.

Các thủ tục chính xác, như thường lệ, được tìm thấy trong các sách nghi lễ chính thức của Giáo hội. “Sách Hướng dẫn cử hành ngày Chúa nhật khi vắng Linh mục” (the Directory for the Celebration of Sunday in the Absence of a Priest), và sách “Nghi thức cho rước lễ ngoài Thánh Lễ” (the Rite of Distributing Holy Communion Outside of Mass), tiên liệu khả năng của thừa tác viên, dù là phó tế hay một thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, về tự rước lễ.

Chữ đỏ của nghi thức nói trên miêu tả thừa tác viên đặt bình thánh hoặc hộp đựng Mình Thánh (pyx) trên bàn thờ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha và có thể đọc lời chúc bình an. Sau đó chữ đỏ tiếp tục: “Thừa tác viên quỳ gối. Cầm Mình Thánh, thừa tác viên nâng cao Mình Thánh một chút trên bình thánh hoặc hộp đựng Mình Thánh, và trước mặt cộng đoàn, nói: “Đây Chiên Thiên Chúa …” Sau khi tất cả mọi người đã đáp lại với câu “lạy Chúa, con chẳng đáng …” chữ đỏ tiếp tục:” Nếu thừa tác viên rước lễ, thì rước lễ lặng lẽ: “Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”. Thừa tác viên kính cẩn rước Mình Thánh Chúa Kitô”.

Bởi vì các nghi thức kết thúc ngay sau đó có các nghi thức thay thế cho một thừa tác viên có chức thánh và một thừa tác viên giáo dân, chưa có sự phân biệt rõ ràng về cách thức rước lễ của thừa tác viên ngoại thường.

Quy định trong chữ đỏ “Nếu thừa tác viên rước lễ” không bao hàm một sự cấm đoán. Dường như chữ đỏ tính đến việc thừa tác viên có thể không rước lễ vào lúc này, bởi vì thừa tác viên ấy đã rước lễ trong một lễ trước đó trong cùng một ngày.

“Thông tin” mà bạn đọc của chúng ta nhận được có thể xuất phát từ một sự mở rộng không đáng có của việc Tòa Thánh không tán thành sự lạm dụng việc thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ đã tự rước lễ trong Thánh lễ. Sự không tán thành như thế có thể đã mở rộng cách không đúng cho các hoàn cảnh khác nhau của một thừa tác viên ngoại thường, khi hướng dẫn cử hành phụng vụ Lời Chúa với phần cho rước lễ khi vắng linh mục.

Một số độc giả khác yêu cầu làm rõ thêm về việc tự rước lễ.

Một bạn đọc hỏi: “Đối với cuộc thảo luận thú vị liên quan đến việc tự rước lễ trong Thánh Lễ của thừa tác viên ngoại thường, mà con hiểu (từ bài trả lời của cha trên ZENIT) là bị cấm, con xin hỏi liệu việc cấm này cũng liên quan đến các thừa tác viên ngoại thường, khi họ cho giáo dân rước Máu Thánh trong lễ ngày thường chăng. Trong Thánh Lễ Chúa Nhật, với nhiều thừa tác viên ngoại thường tham gia, các thừa tác viên ngoại thường tạo thành một vòng tròn cầu nguyện sau Thánh lễ, và truyền chén thánh cho nhau, họ rước Máu Thánh với sự kính cẩn hợp lý, dường như tuân theo các hướng dẫn của Tòa Thánh. Tuy nhiên, sự thực hành của chúng con trong các ngày lễ trong tuần lại là rất khác. Thông thường chỉ có hai thừa tác viên ngoại thường cho rước Máu Thánh. Nếu Máu Thánh không được rước hết, thì lối thực hành của chúng con là rằng mỗi thừa tác viên ngoại thường rước hết Máu Thánh còn lại trong chén thánh, khi đưa chén thánh đến bàn cạnh. Liệu việc tự rước lễ như thế là không chính đáng sao? Nếu là không chính đáng, người ta có thể sửa điều này bằng cách có hai thừa tác viên trao cho nhau rước Máu Thánh còn lại. Nhưng con tự hỏi sự thực hành sẽ là gì, nếu vì một lý do nào đó, chỉ có một thừa tác viên ngoại thường cho rước Máu Thánh mà thôi?

“Trong một vấn đề liên quan, khi con đi tới nhà riêng cho người ta rước lễ, và thấy rằng vì một lý do nào đó con không thể cho họ rước lễ được, con luôn đọc một kinh và rước lễ luôn. Cha xứ chúng con đã cho phép điều này, như một sự thay thế cho việc đưa Mình Thánh trở về nhà thờ. Có lẽ người ta sẽ đưa Mình Thánh trở về nhà thờ, trong trường hợp còn dư nhiều Bánh Thánh, nhưng phần con, con chưa hề gặp tình trạng đặc biệt này”.

Theo quy định của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc cho rước lễ dưới hai hình”:

“52. Khi Máu Thánh còn dư lại nhiều hơn là cho rước lễ, và nếu Giám mục hoặc linh mục cử hành không rước hết, ‘thầy phó tế ngay lập tức kính cẩn rước hết Máu Thánh còn lại; thầy có thể được trợ giúp, nếu cần, bởi các phó tế và linh mục khác’. Khi có các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ ở đó, họ có thể rước hết Máu Thánh từ chén thánh với sự cho phép của Giám mục giáo phận”.

Trước hết, giả định trong trường hợp này là các thừa tác viên ngoại thường đã rước Máu Thánh lần đầu từ một thừa tác viên khác trước khi đi cho rước lễ. Đó là lý do tại sao việc rước lễ lần thứ hai của họ không được xem là tự rước lễ.

Nếu chỉ có một thừa tác viên ngoại thường, thì linh mục và/hoặc phó tế sẽ rước Máu Thánh còn dư lại. Vì số lượng người tham dự Thánh lễ hàng ngày là ít thay đổi, nên khá dễ tính được số lượng Máu Thánh cần thiết cho việc rước lễ. Thừa tác viên ngoại thường chỉ rước hết Máu Thánh, chỉ trong trường hợp linh mục chủ lễ không thể rước hết vì lý do chính đáng nào đó.

Thật là không đúng khi rước Máu Thánh sau Thánh lễ. Nếu các thừa tác viên ngoại thường đã có sự cho phép cần thiết từ Giám mục, họ nên rước hết Máu Thánh sau phần rước lễ. Có thể sự thực hành này dựa trên một hiểu lầm về quy định vốn cho phép tráng chén sau Thánh lễ.

Liên quan đến trường hợp khi thừa tác viên ngoại thường không thể cho người bệnh rước lễ, tôi có thể nói rằng trong trường hợp việc thừa tác viên rước Mình Thánh là hợp pháp. Nếu có thể được, tốt hơn nên cho người cuối cùng rước hai Bánh Thánh, nhưng các tình huống này không phải lúc nào cũng có thể lường trước được.

Một độc giả người Anh yêu cầu làm rõ về vấn đề rằng thừa tác viên không nên rước lễ hai lần. Ông viết: “Theo con, các thừa tác viên, và thực sự tất cả mọi người, có thể được phép Rước lễ lần thứ hai trong một ngày, miễn là họ “tham dự” buổi cử hành, nhưng cha lại nói hơi khác. Xin cha làm rõ điểm này, và có lẽ nên mở rộng về những đặc tính của việc ‘tham dự trong các trường hợp như thế’.

Dường như có sự hiểu nhầm về luật trong vấn đề này. Đã có thời có sự nghi ngờ về ý nghĩa của từ iterum (có thể có nghĩa là “nữa” hay “lần thứ hai, một lần nữa”) trong điều 917 của Bộ Giáo luật. Cơ quan phụ trách giải thích luật của Tòa Thánh đã quyết định rằng nó có nghĩa là “lần thứ hai, một lần nữa”. Do đó, ngoại trừ trong trường hợp của ăn đàng cho người hấp hối, việc rước lễ lần thứ hai chỉ được phép trong Thánh lễ, chứ không phải ở bất cứ buổi cử hành bí tích nào. Việc rước lễ ngoài Thánh Lễ không phải, nói cho chính xác, là một bí tích. Thuật ngữ này chỉ áp dụng cho cử hành Thánh Thể mà thôi. (Zenit.org 30-8, 13-9 và 27-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.