Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Chúng con vừa đón mừng một Giám mục phó mới, và con tự hỏi liệu có một cách thức chính xác để nêu tên ngài trong Kinh Nguyện Thánh Thể không.Con đã nghe nhiều công thức, chẳng hạn: “Đức Giám mục Patrick của chúng con”, chứ không đề cập đến Giám mục phó; “Các Giám mục Patrick và Oscar của chúng con”; “Giám mục Patrick của chúng con và Giám mục phó Oscar của ngài”; “Giám mục Patrick của chúng con và Giám mục phó Oscar của chúng con”. Chúng con cũng có một Giám mục nghỉ hưu nữa – thưa cha, liệu ngài có được nêu tên và nêu như thế nào trong Kinh nguyện Thánh Thể? – J. R., Gilroy, California, Hoa Kỳ.
Đáp: Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lặp lại một phần câu trả lời cho một câu hỏi tương tự đầu năm 2009.
Một bài viết chính xác về chủ đề này đã được in trong Notitiae, cơ quan thông tin chính thức của Thánh bộ Phượng Tự và Bí tích. Tiêu đề của bài viết bằng tiếng Ý, được viết bởi Ivan Grigis, được dịch là “Về việc nêu tên Giám Mục trong Kinh nguyện Thánh Thể” (Notitiae 45 (2009) 308-320). Mặc dù đây là mộtbài nghiên cứu, chứ không phải là một sắc lệnh chính thức, bài viết tập hợp tất cả các tài liệu chính thức có liên quan về chủ đề này.
Bài viết bắt đầu từ một nhận xét về sự thay đổi tinh tế trong chữ đỏ trong bản tái bản năm 2008 của Sách Lễ Rôma chính thức năm 2002. Trong phiên bản mới, số 149 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) được sửa đổi, nhằm cho một Giám mục, khi cử hành Thánh lễ ngoài giáo phận của mình, ngài nhắc trước tiên tên của đẩng bản quyền, và sau đó dùng công thức “và con là tôi tớ bất xứng của Cha”. Còn trước kia, ngài nêu tên mình trước, và nêu tên Giám mục địa phương sau.
Tác giả nói thêm rằng sự thay đổi nhỏ này thực sự dựa trên một nguyên tắc giáo hội học, vốn nói rằng sau Đức Giáo Hoàng, sự hiệp thông giáo hội được thiết lập thông qua vị Giám mục giáo phận, vì ngài là vị mục tử của một phần dân Chúa, ngài triệu tập họ đến dự Thánh lễ. Vì vậy, bất cứ ai chủ tọa hợp pháp trongThánh lễ luôn luôn làm như vậy nhân danh vị mục tử địa phương, và trong sự hiệp thông với ngài.
Do đó, mục đích của việc nêu tên Đấng Bản quyền địa phương trong Kinh nguyện Thánh Thể không phải là một vấn đề về danh dự hay kính trọng, nhưng là vấn đề hiệp thông. Như Lễ Quy Rôma nói, chúng ta cầu nguyện “cùng với” (una cum) Giáo hoàng và Giám mục địa phương. Theo một cách nào đó, việc nêu tên như thế làm biến mỗi cộng đồng địa phương thành một sự diễn tả thật sự của Giáo Hội phổ quát.
Một thay đổi khác trong bản in lại là phần chú thích, ở phần tương ứng của mỗi Kinh nguyện Thánh Thể, giải thích việc nêu tên tùy chọn của các Giám mục khác. Phần chú thích năm 2002 nói rằng Giám mục phó hoặc một Giám mục khác có thể được nêu tên, như được mô tả trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 149. Phiên bản năm 2008 loại bỏ cụm từ “hoặc một Giám mục khác”. Điều này phù hợp với Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 149, vốn chỉ tiên liệu việc nêu tên Giám mục phó hay Giám mục phụ tá, và loại trừ nêu tên các Giám mục khác, ngay cả khi các vị có mặt trong thánh lễ ấy.
Để tóm tắt các quy tắc khác nhau, chúng ta có thể nói như sau:
Giám mục giáo phận hoặc vị tương đương của ngài phải luôn luôn được nêu tên trong mỗi Thánh lễ.
Nếu chỉ có một Giám mục phó hay Giám mục phụ tá, ngài có thể được nêu tên nếu Giám mục chủ tế muốn: “”Ðức Giám mục N. giáo phận chúng con, và Đức Giám mục phó P. (hoặc Giám mục phụ tá A.) của chúng con”.
Nếu có nhiều hơn một Giám mục phụ tá (bao gồm cả Giám mục phó), các vị có thể được nêu tên chung, tức là, “Ðức Giám mục T. giáo phận chúng con và các Đức Giám mục cộng tác với ngài”. Các vị không được nêu tên riêng.
Ngoài bài viết nói trên, chúng tôi có thể nêu ra hai trường hợp đặc biệt. Các linh mục cử hành Thánh lễ ở Rôma có thể nói đơn giản: “Đức Giáo Hoàng N. của chúng con” và chỉ thế thôi. Một số người nói “Đức Giáo Hoàng N. và là Đức Giám mục của chúng con”, nhưng điều này là không cần thiết, bởi vì Đức Giáo Hoàng cũng là Giám mục Rôma rồi.
Trong thời kỳ trống ngôi Giám mục, cụm từ “Đức Giám mục N. của chúng con” được bỏ qua. Tiêu chí tương tự cũng được tuân giữ cho việc không nêu tên Giáo hoàng trong thời kỳ trống ngôi Giáo hoàng.
Tuy nhiên, một vị Giám quản Tông tòa – cho dù có trống tòa hay không – với việc bổ nhiệm tạm thời hay thường xuyên,vì ngài là một Giám mục và thực sự thi hành sứ vụ của mình cách đầy đủ, đặc biệt trong các vấn đề thiêng liêng, được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể.
Có hai ý nghĩa khả dĩ của vị Giám quản Tông tòa.
Theo Giáo luật, điều 371.2, Hạt Giám Quản Tông Tòa là một phần nhất định của dân Chúa, mà vì các lý do đặc biệt và hết sức hệ trọng, không được Ðức Thánh Cha thiết lập như là một giáo phận. Vị Giám quản Tông tòa này là tương đương về mặt pháp lý với Giám mục giáo phận. Có khoảng 10 Hạt Giám Quản Tông Tòa như vậy trên thế giới.
Thứ hai, sự thực hành hiện tại sử dụng từ ngữ vị Giám quản Tông tòa cho một giám chức, được Giáo hoàng bổ nhiệm vì các lý do nghiêm trọng và đặc biệt cho một tòa đang trống hoặc có vị khác, hoặc trong một thời gian ngắn hoặc thường xuyên. Ngài sẽ được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa (sena plena) nếu, thí dụ,Giám mục giáo phận mất khả năng làm việc do bệnh tật hoặc tuổi cao. Trong trường hợp này, thẩm quyền của Giám mục chính tòa sẽ bị đình chỉ. (Giáo luật năm 1917 điều 312 nói về các Giám quản Tông tòa; Giáo luật hiện nay không nói tới).
Bởi vì ngày nay các Giám mục sẽ dễ dàng nghỉ hưu nếu không có khả năng, việc bổ nhiệm vị Giám quản Tông tòa là ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, vị này được sử dụng trong một số trường hợp. Thí dụ: Nếu một Giám mục được chuyển đổi, và Tòa Thánh thấy rằng có thể cần một thời gian để tìm một người kế vị thíchhợp, thì hoặc chính vị Giám mục mới nghỉ hoặc một giám chức khác đôi khi được bổ nhiệm, để quản lý giáo phận trong thời gian chờ đợi.
Ngoài ra, một Giám quản Tông tòa khác không được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể. Vị này thường là một linh mục, được bầu bởi Hội đồng tham vấn giáo phận, để quản lý trong thời gian trống tòa, cho đến khi một Giám mục mới được bổ nhiệm và nhậm chức. Linh mục này có hầu hết các quyền hạn và bổn phận của Giám mục, nhưng với một số hạn chế nào đó; và ngài không thể bổ nhiệm các chức vụ quan trọng mới.
Cũng có một số trường hợp đặc biệt, trong đó thẩm quyền lãnh thổ không trùng hợp với ranh giới của giáo phận. Thí dụ, một Đấng Bản quyền quân sự thường thực thi thẩm quyền lãnh thổ của mình trên các căn cứ quân sự trong cả đất nước, và thỉnh thoảng ở nước ngoài nữa, và vì vậy tên của Ngài được nhắc đến, khi Thánh Lễ được cử hành trong các căn cứ hoặc trên tàu hải quân.
Hạt Tòng nhân Ngai tòa Thánh Phêrô, được gọi chính thức là “Hạt Tòng nhân Anh giáo”, có trụ sở tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. Vị Bản quyền của Hạt thực thi thẩm quyền của mình đối với các nhà thờ và các tổ chức khác, liên quan đến Hạt tại Hoa Kỳ và Canada, và ngài được nêu tên trong các Thánh lễ được cử hành ở các nhà thờ đó.
Khi linh mục đi du lịch, các vị chỉ nhắc đến tên của Giám mục sở tại của nơi mà các vị đang dâng Thánh lễ, chứ không nhắc đến tên Đấng Bản quyền của mình, ngay cả khi các vị đang cử hành Thánh lễ cho các đoàn thể thuộc giáo phận gốc của các vị.
Tóm lại, bởi vì chỉ có các Giám mục thực sự có thẩm quyền mục vụ trong giáo phận mới được nêu tên, nên không có Giám mục nào khác được nêu tên trongKinh nguyện Thánh Thể, kể cả các Giám mục nghỉ hưu hoặc Giám mục có mặt tại chỗ và đang chủ trì trong Thánh lễ.
Trong trường hợp cuối này, vị Giám mục chủ trì nêu tên mình trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, và các Kinh nguyện khác nếu ngài cử hành Thánh lễ một mình. Tuy nhiên, các linh mục đồng tế không nêu tên của Giám mục này, trong phần tương ứng của các Kinh nguyện Thánh Thể khác.
Trong các trường hợp như vậy, việc cầu nguyện cho Giám mục chủ sự thường được đưa vào Lời nguyện tín hữu. (Zenit.org 20-11-2018)
Nguyễn Trọng Đa