Nói thêm về phần truyền phép.
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tôi nhìn thấy nhiều linh mục chủ sự các Thánh lễ ngày thường và Chúa nhật trong nhà thờ, chỉ mang áo chùng trắng (alba) và dây các phép (stola), chứ không mang áo lễ (chasuble). Và đây không phải là trường hợp lễ đồng tế. Thưa cha, liệu các vị chủ lễ không mang áo lễ được chăng? – T. P., Quebec, Canada.
Đáp: Tôi nghĩ câu hỏi này đã được giải quyết đầy đủ trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu Độ). Xin mời đọc:
“123. Lễ phục riêng dành cho linh mục chủ tế, để cử hành Thánh Lễ hay các hành động thánh khác liên quan trực tiếp với Thánh Lễ, là áo lễ (casula), trừ trường hợp khi có dự trù một lễ phục khác mặc trên chồng lên áo chùng trắng (alba) và dây các phép (stola). Cũng thế, khi, theo chữ đỏ, linh mục mặc áo lễ, ngài đừng bỏ không mang dây các phép (stola). Tất cả các vị Bản Quyền phải theo dõi để mọi tục lệ trái ngược được hủy bỏ.
“124. Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách Lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây các phép (stola) trên áo chùng trắng (alba), trước một lý do chính đáng, ví dụ như số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng mà, nếu người ta có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng nữa. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của những sách phụng vụ.
“126. Phải dứt khoát bài trừ lạm dụng sau đây, trái ngược với những quy định của các sách phụng vụ : dù chỉ có một người tham dự, các thừa tác viên có chức thánh không được phép cử hành Thánh Lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây các phép (stola) trên áo thụng của tu viện, hay trên áo tu sĩ thường, hay nữa trên áo thường. Các Đấng Bản Quyền phải sửa chữa trong thời gian ngắn nhất những lạm dụng này, và các ngài phải theo dõi cung cấp cho tất cả các nhà thờ và các nhà nguyện thuộc quyền tài phán của mình, một số lễ phục phụng vụ, may đúng quy tắc” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Trong thập niên 1970, một số quốc gia được phép sử dụng một bộ áo kết hợp áo lễ và áo chùng trằng, và mang dây các phép bên ngoài bộ áo này. Mặc dù người ta vẫn thỉnh thoảng thấy bộ áo này là xấu xí và vô duyên, nó hầu như đã biến mất.
Các quy định được đề cập trên đây là mới nhất, và phản ánh tình trạng hiện tại của vấn đề từ quan điểm của luật phụng vụ.
Tôi qua việc khác. Sau bài trả lời của tôi về phần truyền phép (ngày 1.5), vài người đọc hỏi thêm như sau:
Hỏi: Hai bạn đọc, từ Ireland và Nigeria, hỏi như nhau: “Chỉ thị nào cho phép bỏ đọc “Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei” trong Thánh lễ linh mục làm riêng?”. Và: “Xét sự việc rằng lời mời gọi và lời tung hô sau Truyền phép được bỏ qua, khi các linh mục cử hành Thánh lễ riêng hay đồng tế, liệu có thể suy diễn rằng lời Đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), trong khi linh mục bẻ bánh (fractio), cũng được bỏ qua trong các Thánh lễ này chăng?”.
Đáp: Về các hành động của một linh mục cử hành Thánh lễ một mình, tôi đã nói ý kiến cá nhân của tôi trong bài trả lời ngày 14.11.2006.
Trong bài viết ấy, tôi giải thích rằng không có chỉ thị tổng quát rõ ràng nào, nhưng người ta phải giải thích nguyên tắc chung là rằng các lời nói hướng trực tiếp tới các tín hữu được bỏ qua.
Về các lễ đồng tế chỉ có linh mục, có các hướng dẫn rõ ràng để bỏ qua lời đọc “Đây là Mầu nhiệm Đức tin, Mysterium Fidei”, nhưng hình như phần còn lại của Thánh lễ là được đọc bình thường, với việc chủ tế xướng thưa với các linh mục đồng tế khác. Do đó, lời Đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) vẫn được nói hoặc hát như bình thường.
Hỏi: Cuối cùng, một bạn đọc Ireland tinh mắt đã bắt gặp một mâu thuẫn rõ ràng, giữa một số xác nhận của tôi và bức ảnh đi kèm trong bài báo ngày 1.5.2018.
“Tôi nhận thấy rằng các biên tập viên của trang mạng ZENIT đã minh họa bài viết mới nhất của Cha McNamara (https://zenit.org/articles/the-part-of-consecration-at-mass/) với một bức ảnh cho thấy có hoa trên bàn thờ, có lẽ tại nhà nguyện Santa Marta, ở đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cử hành Thánh Lễ, bất chấp những gì Cha McNamara nói về ‘dọn sạch sẽ bàn thờ’ theo các tài liệu phụng vụ: https://zenit.org/articles/criteria-for-preparing-the-altar/ và https://zenit.org/articles/how-brides-should-dress/ và https://zenit.org/articles/decorating-the-sanctuary/.
Đáp: Như bạn đọc ấy nói, các bức ảnh là do các biên tập viên chọn, và chúng có thể được tha thứ nếu chúng không nhắc nhớ mọi điều mà tôi đã viết trong 15 năm qua.
Nếu bức ảnh này là trong Thánh lễ do Giáo hoàng cử hành, liệu nó có thật sự tạo nên sự khác biệt nào không?
Đức Giáo Hoàng là nhà lập pháp tối cao của Hội Thánh, và nếu Ngài muốn ban cho mình một ngoại lệ đối với một quy luật phụng vụ nhỏ, Ngài có thể làm như vậy.
Nếu Ngài muốn có một sự thay đổi vĩnh viễn cho một khía cạnh nào đó, Ngài có nhiều phương thức để làm như vậy: tự sắc (motu proprio), sắc lệnh, hoặc một lá thư gửi cho Thánh Bộ Phượng Tự ra lệnh một thay đổi cho luật.
Theo như tôi biết, Ngài chưa sử dụng một hình ảnh như một công cụ pháp lý. Không có cách nào để biết, liệu hình ảnh này tượng trưng ý muốn của Đức Thánh Cha chăng, hoặc liệu đó chỉ là hương vị phụng vụ của người phụ trách phòng thánh của nhà nguyện Santa Marta chăng.
Do đó, cho đến khi một sự thay đổi chính thức được thực hiện cho các sách phụng vụ, tôi vẫn bám vào những gì tôi đã nói trong các bài viết trước đây của tôi. (Zenit.org 15-5-2018)
Nguyễn Trọng Đa