Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Kể từ khi có tự sắc “Summorum Pontificum”, sách Rituale Romanum (Nghi lễ Rôma), được sử dụng cho đến năm 1962, có thể được sử dụng. Ngoài ra, huấn thị năm 1965 “Inter Oecumenici” đã dỡ bỏ nhiều phép lành dành riêng được chứa trong sách Nghi lễ này, và được dành riêng cho các thành viên của một số Dòng tu hội. Một số các phép lành này được ban cho, khi một người được chính thức gia nhập vào một huynh đệ đoàn, hoặc có một liên kết chung với một gia đình thiêng liêng. Với việc dỡ bỏ các phép lành dành riêng, liệu một liên kết như vậy là có thể cho mọi linh mục thực hiện các phép lành này không? – B. W., Klagenfurt, Áo Quốc.
Đáp: Chúng tôi đã thảo luận vấn đề các phép lành dành riêng trong bài trả lời ngày 17-5-2016. Trong bài đó, chúng tôi đã nói rằng các phép lành được chính thức dành cho các thành viên của một số Dòng tu hội, nay có thể được ban bởi bất cứ linh mục nào.
Các phép lành được dành riêng gồm có:
-Dành cho Dòng Tôi tớ: Làm phép và dựng tượng Đức Mẹ Sầu Bi để tôn vinh Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ; làm phép và cho đeo khăn vai đen của Đức Mẹ Sầu bi, làm phép chuỗi bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ.
-Dành cho Dòng Ba Ngôi chuộc kẻ làm tôi: làm phép và cho đeo khăn vai của Chúa Ba Ngôi; làm phép chuỗi hoặc Kinh nguyện Thiên Chúa Ba Ngôi.
-Dành cho Dòng Thương Khó: làm phép và cho đeo khăn vai đen của Thánh giá và cuộc Thương Khó.
-Dành cho Tu hội Truyền giáo: làm phép và cho đeo khăn vai đỏ của cuộc Thương Khó và Thánh Tâm Chúa, và của Trái tim yêu thương của Đức Trinh Nữ Vô nhiễm.
-Dành cho Dòng Theatines, Giáo sĩ Dòng: làm phép và cho đeo khăn vai xanh của Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm.
-Dành cho Dòng Cát Minh Chân đất: làm phép và cho đeo khăn vai của Đức Mẹ Núi Cát Minh; làm phép nước tôn vinh Thánh Albertô hiển tu.
-Dành cho Dòng Cát Minh: làm phép chuỗi Thánh Giuse; làm phép nhẫn thánh Giuse.
-Dành cho Dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi: làm phép và cho đeo khăn vai của Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi; làm phép nước cho người bệnh để tôn vinh Thánh Raymond Nonnatus; làm phép nến tôn vinh Thánh Raymond Nonnatus; làm phép dầu tôn vinh Thánh Serapion, tử đạo.
-Dành cho Tu sĩ Dòng chăm sóc bệnh nhân: làm phép và cho đeo khăn vai của Đức Mẹ, Đấng chăm sóc bệnh nhân.
-Dành cho các Ẩn tu thánh Âu-tinh: làm phép và cho đeo khăn vai của Đức Mẹ Đấng Chỉ Bảo tốt lành; làm phép dây lưng và cho đeo để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.
-Dành cho các Dòng Anh em Hèn mọn Lúp vuông: làm phép và cho đeo khăn vai của Thánh Giuse, Phu quân Đức Maria và Quan thầy của Hội Thánh Hoàn Vũ.
-Dành cho Dòng Hèn mọn (Minims): làm phép dây lưng len và cho đeo để tôn vinh Thánh Phanxicô Paola.
-Dành cho Dòng Anh em Thuyết giáo: làm phép dây lưng tôn vinh Thánh Tôma Aquinas để sống đức khiết tịnh; làm phép chuỗi Mân côi; làm phép hoa hồng cho Hội Mân Côi; làm phép nến cho Hội Mân Côi; làm phép nước với di tích của Thánh Phêrô tử đạo; làm phép lá cọ hoặc cành lá khác trong ngày lễ Thánh Phêrô tử đạo; làm phép nước cho người bệnh để tôn vinh Thánh Vincent Ferrer.
-Dành cho Tu đoàn Truyền giáo: làm phép và cho đeo Ảnh thiêng của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, thường được gọi là Ảnh phép lạ; làm phép nước cho người bệnh để tôn vinh Thánh Vinh sơn Phaolô.
-Dành cho Dòng Camaldolese: Làm phép chuỗi của Chúa chúng ta.
-Dành cho Dòng Thừa Sai Máu Châu Báu: làm phép chuỗi của Máu Châu Báu.
-Dành cho Dòng Đấng Cứu Chuộc: làm phép chuỗi thánh Bridget.
-Dành cho Dòng Biển Đức: Chúc lành cho người bệnh với di tích của Thánh Giá Thật hoặc Dấu hiệu của thánh Maurus Viện phụ.
-Dành cho Dòng Tên: Làm phép nước tôn vinh Thánh Inhaxiô, hiển tu.
Nhiều nghi thức làm phép trên đây, mặc dù không phải về mặt pháp lý, vẫn còn được dành cho các thành viên của các Dòng tu ấy, vì chúng liên quan chặt chẽ đến lịch sử linh đạo của Dòng.
Các việc làm phép khác, chẳng hạn áo Đức Bà Cát Minh và Ảnh làm phép lạ (Miraculous Medal) được sử dụng bởi nhiều tín hữu Công giáo đạo đức không liên kết trực tiếp với Dòng tu hội tương ứng. Câu hỏi bạn đọc này nêu ra liên quan đến tình hình, mà trong đó phép lành và / hoặc sự trao quyền tạo nên một phần của nghi lễ gia nhập, vốn liên kết người đó vào một huynh đệ đoàn hoặc Dòng Ba của gia đình thiêng liêng có phép lành ấy. Tôi nói rằng cần có sự phân biệt. Tư cách thành viên trong bất kỳ hiệp hội nào trong Giáo Hội được xác định bởi luật và hiến chương của chính hiệp hội đó. Thí dụ: theo trang web của Dòng Cát Minh: “Dòng Ba Cát Minh được chia thành nhiều cộng đoàn, huynh đệ đoàn hoặc hiệp hội (sodalities), vốn được đồng hành với Bề trên Dòng Cát Minh hay các phái viên của họ. Các nhóm này được thiết lập bởi Vị Tổng Quyền của Dòng Cát Minh theo luật của Hội Thánh, với sự chấp thuận trước của Đức Giám mục địa phương. “Những ai muốn là thành viên của Dòng Ba Cát Minh phải là người Công giáo sống đạo tốt. Họ không được là thành viên của bất kỳ Dòng Ba nào hoặc Tu hội đời nào, trừ trường hợp đặc biệt và phải ít nhất 18 tuổi. Sau một thời gian huấn luyện ban đầu, các ứng viên được chấp nhận cho khấn”. Dòng Thương Khó (The Passionists) có một hội tương tự, mặc dù với các yêu cầu lỏng lẻo hơn cho việc gia nhập: “Huynh Đoàn của Dòng Thương Khó Chúa Kitô là một hội của các tín hữu nam nữ, tận hiến cách đặc biệt vào việc chiêm niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô – vào chính Ngài – trong cuộc sống của mình – và trong cuộc sống của người khác. Thánh Phaolô Thánh Giá (1694-1775), vị sáng lập Dòng Thương Khó gồm các cha, các Thầy, các Nữ tu, đã bắt đầu lập Huynh đoàn đầu tiên vào năm 1755. Ngài muốn càng có thật nhiều người của Dân Chúa chia sẻ đời sống, tinh thần, và sứ vụ của gia đình Dòng Thương Khó.
“Mục đích của chúng tôi trước tiên là yêu mến sâu đậm và hiểu rõ cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, và sau đó áp dụng nó cho các người bị đóng đinh của ngày hôm nay: cho chính chúng ta, cả thể xác và tinh thần, và cho tất cả những ai đang trải nghiệm cuộc Thương Khó của Chúa Kitô trong đời sống của họ bằng mọi cách. Hơn nữa, các thành viên phải giúp đỡ và củng cố lẫn nhau trong mong muốn đến gần Chúa hơn, nhờ linh đạo Dòng Thương Khó, và chia sẻ trong mọi việc lành, lời cầu nguyện và ân xá của các cộng đoàn Thương Khó trên khắp thế giới.
“Huynh đoàn Dòng Thương Khó Chúa Kitô mở ra cho tất cả mọi người nam nữ, độc thân và kết hôn, cho mọi người nào cảm thấy Thiên Chúa đang kêu gọi họ đến với lối sống của Dòng Thương Khó. “Để trở thành một thành viên của Huynh đoàn Dòng Thương Khó Chúa Kitô, cần phải thực hiện một cam kết cá nhân để tu luyện trong niềm sùng mộ cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, và nhờ đó phát triển sâu sắc hơn trong đức tin và lòng mến Chúa yêu người. Dòng cũng yêu cầu đưa tên người ấy vào danh sách thành viên. “Bằng cách tham gia Huynh đoàn, người ta không thực hiện nghĩa vụ nghiêm ngặt, nhưng có một Luật Sống như một hướng dẫn và một số thực hành được đề nghị”. Các hiệp hội và huynh đệ đoàn khác cũng có các luật tương tự. Từ điều này, rõ ràng là người ta không thể trở thành một thành viên Dòng Ba Cát Minh, hoặc được gia nhập vào bất kỳ hiệp hội tín hữu được chấp thuận nào khác, chỉ bằng cách nhận phúc lành theo quy định từ bất kỳ linh mục nào. Điều này cũng là đúng, ngay cả khi các phúc lành được dành riêng trước đây vẫn là một phần của nghi lễ gia nhập vào hiệp hội. Người ta vẫn có thể nhận được các ân sủng thiêng liêng gắn kết với nghi thức ban phép lành, cũng như các người mang áo Đức Bà hay Ảnh làm phép lạ, sử dụng nước thánh, chuỗi Mân côi, v.v. Tuy nhiên, bởi vì bất kỳ linh mục nào bây giờ có thể ban các phép lành này, các bề trên của một hội liên kết với một phép lành được dành riêng trước đây, ít nhất là về lý thuyết, có thể thành lập các chi nhánh Dòng Ba của họ, hoặc huynh đoàn, vv…, thậm chí ở nơi không có linh mục của Dòng tu ấy trong khu vực nữa. (Zenit.org 4-9-2018)
Nguyễn Trọng Đa