Mục đích việc huấn luyện trong Đại Chủng viện là đào tạo chủng sinh thành Linh mục Giáo phận cho Giáo Hội của Chúa. Từ đầu thế kỷ XX, nhất là từ Công Đồng Vaticanô II (1965), các Đức Thánh Cha và các Bộ của Tòa Thánh đã ban hành nhiều hướng dẫn về việc đào tạo các ứng viên chức Linh mục (chủng sinh) qua nhiều văn kiện, trong đó, có những văn kiện trình bày những nét chính yếu và căn bản, có những văn kiện nói đến một khía cạnh cần được chú ý đặc biệt tùy theo mỗi thời điểm. Ngoài những văn kiện nói trên, việc đào tạo chủng sinh còn được soi sáng bởi những văn kiện về đời sống linh mục[1].
Dựa theo những văn kiện đó, nhiều Hội đồng Giám mục quốc gia đã soạn thảo bản Ratio riêng, áp dụng các nguyên tắc chung của Giáo Hội vào hoàn cảnh tôn giáo, văn hóa, xã hội cụ thể của mình.
Tại Việt Nam, Ủy ban Giám mục về Giáo sĩ và Chủng sinh đã soạn thảo bản Ratio của mình. Bản Ratio này đã được HĐGMVN chấp thuận vào ngày 08 tháng 04 năm 2010, trong Hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu và được Tòa Thánh phê chuẩn qua sắc lệnh của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, ký ngày 31 tháng 10 năm 2011.
Việc huấn luyện chủng sinh trong các Đại Chủng viện cần phải dựa vào các văn kiện của Tòa Thánh, nhất là bản Ratio Fundamentalis ấn bản 1970 và 1985 của Bộ Giáo Dục Công Giáo và Tông huấn Pastores Dabo Vobis của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1992). Riêng tại Việt Nam, ngoài các văn kiện của Tòa Thánh, việc huấn luyện chủng sinh còn cần phải tham khảo bản Ratio của HĐGMVN như kim chỉ nam.
Trong khi trung thành noi theo những chỉ dẫn của Giáo Hội, đặc biệt những văn kiện nói trên, công việc huấn luyện trong Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc muốn đưa ra những áp dụng cụ thể, với những dấu nhấn cần thiết cho môi trường và thời đại, để làm nổi bật khuôn mặt của linh mục tương lai, như những LINH MỤC HẠNH PHÚC TRONG ƠN GỌI VÀ HĂNG SAY, NHIỆT THÀNH TRONG SỨ VỤ[2], thể hiện qua 5 yếu tố sau đây:
1. Say mến Chúa Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đây là yếu tố nền tảng, là sức mạnh, là trung tâm điểm của đời sống của Đại Chủng viện và là lý do của các lựa chọn, các chương trình. Lòng say mến Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa người chủng sinh gắn bó với Ngài, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, hạnh phúc được thuộc trọn về Ngài[3], để Ngài trở thành lực đẩy cho tất cả cuộc sống và công tác tông đồ[4], đồng thời để được thúc đẩy bởi lòng ao ước giới thiệu Chúa Kitô chịu đóng đinh cho tha nhân[5].
2. Sẵn sàng hy sinh và từ bỏ tất cả vì Chúa (x. Pl 3, 7-9), thực hành theo những đòi hỏi và tinh thần của ba Lời khuyên Phúc âm (Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục). Nhờ đó, lòng được thanh thoát để sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa muốn[6] và để có khả năng sử dụng tất cả những gì mình có nhằm phục vụ Chúa và lo cho đoàn Dân Thánh của Chúa[7].
3. Đầy lòng thao thức, hăng say mục vụ và truyền giáo[8]: với tinh thần và tâm tình của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, “mang vào mình mùi của chiên”[9], thương yêu chăm sóc đoàn Dân Thánh Chúa trao phó và thao thức lo lắng để anh chị em lương dân được biết Chúa.
Thấm nhuần tình yêu đối với Giáo Hội: trong tinh thần đức tin, yêu mến Đức Thánh Cha, gắn bó với Giáo phận, kính yêu và vâng lời bề trên, thương yêu và cộng tác chân thành với anh em linh mục, với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận. Quan tâm đến các nhu cầu chung của Giáo Hội hoàn vũ và của công việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới.
4. Có khả năng trí thức để:
Hiểu sâu xa mầu nhiệm Thiên Chúa.
Hiểu ngọn nguồn, căn rễ các vấn đề của con người và của xã hội đương thời dưới ánh sáng của Đức Tin.
Có sáng kiến mục vụ đem Tin Mừng đến người thời đại cách thích hợp.
Có khả năng diễn tả tư tưởng cách rõ ràng và thích hợp với thời đại.
5. Có các đức tính nhân bản theo gương Chúa Giêsu : trưởng thành, tinh thần trách nhiệm, hiệp thông và tận tâm phục vụ.