Ngày 01 tháng 10 hằng năm, Giáo Hội dành để kính nhớ thánh nữ Tê-rê-sa Lisieux, mà ta vẫn gọi một cách gần gũi là Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su.
Có nhiều điều để nói về ngài, và về “Con đường nhỏ bé” mà ngài đã chọn. Riêng đối với tôi, một ấn tượng ghi sâu vào tâm trí ngay lần đầu đọc “Truyện Một Tâm Hồn” (tự thuật duy nhất của ngài) đó là hình ảnh của một em nhỏ rất dễ mến. Xin được trích lại một đoạn ngắn trong bản tự thuật của ngài như sau: “Nó (Tê-rê-sa) là một đứa bé rất dễ xúc động. Mỗi khi phạm một lỗi nhỏ, nó muốn mọi người đều biết. Hôm qua, sau khi vô ý làm rách một góc nhỏ của tấm thảm, coi nó tội nghiệp lắm, rồi phải đi nói với cha nó ngay. Bốn giờ sau ông mới về, chẳng ai còn nhớ đến chuyện này, nhưng nó vội chạy đến với chị Marie và nói: ‘Xin chị nói với cha là em đã làm rách miếng thảm đi.’ Và nó đứng đó như một tội nhân chờ bản án, nhưng nó tin chắc người ta sẽ tha thứ cho nó dễ dàng vì nó đã thú lỗi” .
Hành động của bé Tê-rê-sa đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Hình ảnh đó thật đẹp: một em nhỏ dễ thương đang tỏ ra đau khổ cúi đầu thú lỗi với cha. Tôi nghĩ rằng chẳng có người cha nào lại không tha thứ cho con khi nó đã hối lỗi. Chắc chắn ông sẽ ôm ngay nó vào lòng, và ủi an vỗ về nó. Phải chăng Chúa muốn dùng những kinh nghiệm NHỎ BÉ thời thơ ấu của Tê-rê-sa để nhắc nhớ nhân loại về những chuyện CHẲNG NHỎ BÉ chút nào. Ở đời, ai lại không có lỗi? Vậy phải chăng giá trị chung cuộc của mỗi người lại còn tùy thuộc vào khả năng nhận ra lỗi lầm, sám hối, thú lỗi và sửa đổi? Nhưng thật đáng tiếc, vì có một sự thật là: khi còn BÉ, người ta dễ nhận lỗi. Khi lớn lên, người ta khó nói lời xin lỗi, bởi người ta đã “LỚN”. Trong thời gian gần đây, ta thường nghe nói đến “văn hóa đổ thừa”. Sống trong “nền văn hóa” này, người ta coi nhẹ trách nhiệm, và có xu hướng biện minh cho những lầm lỗi của bản thân. Người ta không còn đủ khiêm tốn và sự thành thật để có thể nhận ra phần lỗi của mình, cũng như không còn đủ can đảm để nhận phần trách nhiệm của mình; nói tắt một lời: người ta KHÔNG SÁM HỐI. Đây là vấn đề của chúng ta.
Cách đây ít bữa, trong một giảng khóa về sách Các Thủ lãnh, giảng sư có gợi lên một vài suy tư liên quan đến chuyện sám hối của Samson: Samson được Chúa chọn để trao một sứ vụ, đồng thời Chúa đã ban ơn để ông có thể thi hành sứ vụ, nhưng với điều kiện ông phải tuân giữ những quy định đã được đặt ra. Samson bị cám dỗ rất nhiều, và một lần kia ông đã sa ngã. Ngay lập tức, sức mạnh của Thiên Chúa không còn ở với ông nữa. Trải qua một thời gian đau khổ, sau cùng, ông sám hối, và Chúa đã dùng ông để thực hiện một chiến công vẻ vang (x. Tl 16,28-30). Từ câu truyện của Samson, ta có thể rút ra được rằng: bị cám dỗ và mắc sai lầm là mẫu số chung của con người! Do đó, chẳng bao giờ nên tuyệt vọng vì sự yếu đuối dai dẳng của mình, nhưng hãy học lấy sự khiêm tốn, để biết SÁM HỐI. Nhờ sám hối, con người lại được giao hòa với Thiên Chúa, và đi trọn đường đời trong an bình và tình yêu. Chuyện sám hối chẳng phải là chuyện gì mới mẻ, nhưng nó luôn cần được làm mới. Mỗi ngày sống qua đi cho ta những trải nghiệm về tình yêu, ân sủng, và sự giới hạn của bản thân. Chúa không đòi ta hoàn hảo, nhưng Ngài muốn ta cố gắng. Sự cố gắng không ngừng mỗi ngày là một hành động cụ thể diễn tả lòng sám hối. Chúa đã nói trước rồi: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). “Từ bỏ chính mình”, “vác thập giá của mình hằng ngày” là gì, nếu không phải là một nỗ lực không ngừng để sống đẹp lòng Chúa, mà mắt xích của đời sống ấy có khi lại chính là sự sám hối chân thành sau những lần sa ngã.
Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su quả quyết rằng: cho dù tội lỗi của chúng ta có lớn đến cỡ nào đi chăng nữa, thì đối với Chúa, nó cũng chỉ như một giọt nước, và nó sẽ bị lập tức tan biến trong ngọn lửa tình yêu vĩ đại của Chúa. Hãy sám hối, hãy chạy đến với Chúa và xin lỗi Ngài, như hành động của một em bé chạy đến xin lỗi cha nó. Luận lý này nghe có vẻ đơn giản, và dường như chỉ thích hợp với “trẻ nhỏ”. Nhưng khổ một nỗi, Nước Trời lại là của những ai giống như chúng (x. Mt 19,14).
Giuse Nguyễn Đình Nhu – K7 ĐCV Xuân Lộc