Chúa Nhật XI Thường Niên Năm B – Ngày 13-06-2021

Lời Chúa: Mc 4,26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa ? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”.

Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

 


Suy niệm

HÀNH ĐỘNG NHỎ – GIÁ TRỊ LỚN

“Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được” (Mc 4,31-32).

Người đời thường không đánh giá cao những gì là nhỏ bé, tầm thường, ít giá trị, thiểu số… Ngay cả với những con người đơn sơ, nghèo nàn, vùng sâu vùng xa hoặc học thức không cao đều bị xã hội khinh miệt, xem thường. Dưới con mắt người đời là vậy; nhưng dưới mắt Chúa, những gì nhỏ bé, vụn vặt ấy lại mang một giá trị rất lớn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải để nói lên một sự đối lập giữa cái rất bé, nhưng giá trị nó đưa tới lại rất lớn. Hạt cải tuy bé, “nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được” (Mc 4,32). Sự lớn mạnh của hạt cải không chỉ mang lại giá trị cho người chủ canh tác, cho những người tiêu thụ sản phẩm, mà nó còn đem lại lợi ích cho cả những sinh vật sống bên cạnh cây cải. Cách cụ thể, những con chim cũng được nương tựa vào cây cải. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh nhỏ bé của hạt cải và sự phát triển to lớn sau đó để nói về sự lan rộng của Nước Trời. Ngay từ khi kỷ nguyên Kitô giáo được khai sinh, nó chỉ nằm gọn trong một đất nước Do Thái nhỏ bé, với một nhóm nhỏ những người theo Chúa. Vậy mà sau biến cố Phục Sinh cho tới ngày nay, nhóm nhỏ những người theo Chúa ấy đã làm lan toả “Lời Chúa” cho hơn một tỷ người trên khắp thế giới.

Dụ ngôn hạt cải chính là câu chuyện cuộc đời của mỗi chúng ta. Phận người của chúng ta cũng nhỏ bé, mong manh, yếu đuối, lệ thuộc… Nhưng Chúa lại đặt để chúng ta là những loại hạt giống khác nhau, vào những điều kiện sống khác nhau. Chúng ta xác tín rằng, Chúa đã gieo vãi tôi vào điều kiện này, hoàn cảnh này… tôi phải nảy mầm, bén rễ, phát triển và trổ sinh nhiều hoa trái. Chúa đã cho chúng ta hạt giống là Lời của Người. Tôi có bổn phận phải đem Lời Chúa đến cho những người, những nơi chưa nhận biết Chúa, phải làm cho nhiều người nhờ Lời mà được sống và sống cách dồi dào. Khi sống được như vậy, chúng ta sẽ nhận ra rằng, dù phận người chúng ta nhỏ bé, khả năng hạn chế, kiến thức không cao… nhưng những gì chúng ta làm cho tha nhân mang lại một giá trị rất lớn. Nó không thể cân đong đo đếm, không chỉ có giá trị cho cuộc sống hiện tại mà còn mang lại giá trị cho đời sống vĩnh cửu.

Chúa không bắt chúng ta làm quá sức mình. Mỗi chúng ta hãy biết tận dụng trong khả năng của mình, hãy làm cho Lời Chúa được lan rộng đến mọi người, mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Cho dù mỗi việc nhỏ chúng ta làm xem ra chẳng mấy giá trị trước mặt người đời, nhưng nó lại có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Hành động nhỏ nhưng giá trị lớn.


Comments are closed.