[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 18,9-14″]
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác : tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia ; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi : người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống ; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THIÊN CHÚA BIẾT RÕ LÒNG DẠ CON NGƯỜI
“Ta bảo các ngươi : người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không.” (Lc 18,14)
Thánh sử Lc, trong trích đoạn TM hôm nay, ghi lại lời Chúa Giêsu kể dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế “lên đền thờ cầu nguyện” (c.10). Người biệt phái “đứng thẳng, cầu nguyện” với cả kho công trạng (c.11-12); còn người thu thuế “đứng xa xa”, “không dám ngước mắt lên trời”, chỉ “đấm ngực” cầu nguyện (c.13). Ai tốt, ai xấu? Ai thánh thiện, ai tội lỗi? Chúa Giêsu tuyên bố: người thu thuế “ra về được khỏi tội”, còn người biệt phái “thì không” (c.14). Tại sao như vậy? Lời tuyên bố có nhầm lẫn không?
“Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,8). Dù là “người biệt phái” – đã chu toàn cách chỉnh chu việc giữ Luật của một biệt phái (c.11-12), hay là “người thu thuế” – vốn bị xem như hạng người tội lỗi (x. Lc 5,30; 7,34; 15,1-2; 19,7), thì chỉ Thiên Chúa mới “thấu suốt mọi tâm can” (Cv 15,8), “thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6,6). Chỉ Thiên Chúa mới biết rõ mọi sự, biết rõ lòng dạ mỗi người.
Khi hiện diện trước Thiên Chúa, mỗi người đối diện với tất cả sự thật của chính mình. Mọi suy nghĩ, tâm tư, lời nói, hành động, những sợ hãi lo lắng, những mặc cảm, yếu hèn, tội lỗi, tất cả đều phơi bày trước mặt Người (x. Gr 17,16). Thế nên, điều cần thiết: mỗi người hãy tự biết mình, chân thành nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình, đồng thời khiêm tốn nài xin Thiên Chúa thương xót, “lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (c.13). Xin đừng quên: khẩn nài ơn tha thứ cần phải là động thái đầu tiên của kinh nguyện khẩn cầu, vì đó là bước đi đầu tiên để có thể cầu nguyện cách đúng đắn và tinh tuyền (x. GLCG 2631). Xin cũng đừng quên: Thiên Chúa yêu thích người khiêm nhường và người khiêm nhường thì đẹp lòng Chúa (x. G 22,29; Cn 3,34; Lc 1,52), “tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (c.14).
Lạy Chúa Giêsu, năm xưa Chúa đã hỏi Tông đồ Phêrô ba lần: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”; và Phêrô trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17). Chúa biết rõ lòng dạ Phêrô, cũng như biết rõ lòng dạ chúng con dành cho Chúa thế nào. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con tự biết mình, khiêm tốn nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình, một thân phận luôn cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Amen.
[/loichua]