[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 8,1–11″]
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐƯỢC THA THỨ – HÃY THỨ THA
“Ta cũng thế, Ta không kết án tội chị” (Ga 8,11).
Nếu ai đã từng một lần lỡ phạm lầm lỗi mà không bị trách cứ, phạt tội, nhưng được tha thứ mới cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được tha thứ ngọt ngào là dường nào. Niềm hạnh phúc mà Thánh vịnh không ngớt lời cao rao : “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, kẻ Chúa không hạch tội” (Tv 31,1-2). Và cảm nhận này phần nào giúp hiểu được giọt nước mắt hạnh phúc của người phụ nữ khi được Chúa cứu thoát và thứ tha trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Ngoại tình là một trọng tội. Đối với tội này, theo luật Môsê là phải bị ném đá đến chết (x. Lv 20,10; x. Đnl 22,22–24). Bị bắt quả tang đang phạm tội, người thiếu phụ không thể chối cãi. Tội sờ sờ ra đó, chẳng còn ai có thể cứu chị được nữa, chị chỉ chờ cái chết đến với mình. Dù chị hối hận ăn năn nhưng đã quá muộn vì những viên đá kia đang lăm le chờ ném vào chị. Khi được dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu, chị không dám mở miệng cầu xin, cũng chẳng dám kỳ vọng Chúa sẽ có cách cứu chị, vì tội chị quá nặng, quá rõ. Chị không chối tội mình, cũng không dám hy vọng mình sẽ được tha. Trong thinh lặng tuyệt vọng, chị nghe lời kết án cay đắng của con người, của đồng loại và của cuộc đời. Mặc dù tội chị đã hiển hiện trước mặt, nhưng nhìn cảnh người thiếu phụ ấy, ai lại không ngậm ngùi xót xa, bởi đã mang trong mình phận người giòn mỏng yếu đuối, ai lại không một lần lầm lỡ. Nhưng cái xót xa, đau đớn hơn cả là những Kinh sư và người Pharisêu lại chà đạp chính người chị em mình để tạo cái bẫy giăng Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisen, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8,4–5). Một câu hỏi bất ngờ, lịch sự nhưng cũng đầy quỷ quyệt, mưu mô và nham hiểm. Chúa thấu lòng dạ con người. Trước mặt họ, Chúa không kết án, cũng chẳng tha ngay, nhưng Chúa mở chính lương tâm và cõi lòng của họ: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7). Một câu nói đánh tan mọi suy nghĩ, thức tỉnh lương tâm của con người. Cúi mình đấm ngực, họ lần lượt trở về với tâm hồn thống hối, bởi họ nhận ra rằng họ cũng là những tội nhân, cũng cần đến lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Còn riêng với người thiếu phụ, Chúa là Đấng duy nhất có thể ném đá lại nói: “Ta cũng thế, Ta không kết án tội chị” (Ga 8,11a). Bầu trời đen tối của cuộc đời như nhấn chìm số phận người thiếu phụ, với chị mọi sự tưởng chừng như kết thúc trước mắt, giờ đây lại vỡ òa trong hạnh phúc yêu thương. Chúa chẳng những đã tha thứ cho chị, cứu sống chị, nhưng Ngài còn phục sinh lại tâm hồn tội lỗi của Chị: “Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11b).
Càng bước gần đến Cuộc Khổ Nạn của Chúa, Giáo Hội càng giúp cho con người mở lòng để nhận ra tội lỗi nặng nề của mình. Đồng thời, Giáo Hội cũng tha thiết mời gọi con cái của Giáo Hội hãy nhìn lại đời sống chính mình mà sám hối ăn năn, chạy đến ngả vào lòng thương xót của Chúa, tựa nép bên lòng Chúa để được Chúa khoan hồng thứ tha, và chính nơi ấy tất cả mọi người sẽ khám phá ra lòng từ ái bao dung của Ngài. Tội lỗi của ta tuy nhiều nhưng nếu thành tâm ăn năn thống hối thì “tình yêu Chúa sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8), “tội ta dầu có đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Trong Tông sắc Danh Ngài Là Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho ta”. Điều quan trọng là chúng ta có mở lòng ra để đón nhận sự tha thứ ấy hay không mà thôi. Thiên Chúa luôn giang rộng vòng tay từng phút giây chờ đón để tha thứ cho ta. Đến lượt mình, khi ta đã cảm nếm lòng xót thương tha thứ của Chúa thì ta cũng được mời gọi hãy ra đi và làm như vậy: Được tha thứ – hãy thứ tha.
Lạy Chúa, “năm tháng dài êm đềm qua, mà con không có điều chi dâng lên Ngài để gọi là đền đáp tình yêu. Bao nhiêu lần lầm với lỡ, nay con ăn năm hối hận muôn vàn, dám xin Ngài dủ tình thương tha thứ cho con”. Amen.
[/loichua]