[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 4, 5 – 42″]
Người đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? “Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Rápbi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CƯ XỬ LỊCH THIỆP THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU
“Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4, 7).
Trong giao tiếp hằng ngày, cư xử lịch thiệp là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cho chúng ta thấy cách cư xử lịch thiệp của Chúa Giêsu khi trò chuyện với người khác. Sự tế nhị trong cách ứng xử của Chúa không chỉ tạo nên thành công trong giao tiếp mà còn mang đến sự biến đổi tâm hồn cho người được nghe lời Người.
Câu chuyện Tin Mừng miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ thành Samaria. Bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu là người khát nước nhưng không có gầu để múc, còn người phụ nữ lại là người đến để kín nước. Chúa Giêsu đã ngỏ lời với người phụ nữ: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4, 7). Lời của Chúa Giêsu đã mở lối cho cuộc đối thoại làm nên sự biến đổi trong tâm hồn của người phụ nữ. Đối với chị, giữa Samaria và Do Thái có một mối thù dân tộc sâu thẳm. Nhưng trước cách ứng xử tế nhị của Chúa, chị đã không khỏi thắc mắc: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4, 9). Thắc mắc này đã dọn đường để Chúa giải tỏa khúc quanh của cuộc đời chị, vì Người biết rõ tình trạng, cuộc sống và sự khát khao hạnh phúc đích thực trong tâm hồn chị. Dù biết rõ về chị, Chúa đã không công kích hay chê bai trước những lầm lỗi của chị. Trái lại, Chúa vẫn tôn trọng và giúp cho chị nhận ra được lẽ sống của cuộc đời, nhận ra được niềm vui ơn cứu độ đích thực, nhận ra được chính Người là Đấng Cứu Thế (x. Ga 4,26), Đấng sẽ mang lại sự sống đời đời (x. Ga 4, 14), Đấng sẽ làm thỏa cơn khát “nước hằng sống” trong tâm hồn chị.
Là Kitô hữu, chúng ta mang trong mình sứ mạng của một nhà truyền giáo, nghĩa là giới thiệu Đấng Cứu Thế cho người khác. Cung cách ứng xử của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là mô mẫu cho chúng ta trong khi gặp gỡ anh chị em. Chính thái độ và cung cách cư xử lịch thiệp trong cuộc sống của mỗi nhà truyền giáo sẽ là một bằng chứng sống động về một Thiên Chúa gần gũi, hiền lành và tràn đầy an vui. Tinh tế và cư xử lịch thiệp còn là nhịp cầu dẫn con người đến với Thiên Chúa, Đấng từ khởi thủy đã mở lời gọi, tìm kiếm con người dẫu họ lầm lỗi (x.St 3, 9). Bước theo Thầy Giêsu, khi đến với tha nhân, chúng ta cũng được mời gọi có một cung cách cư xử lịch thiệp, có một sự tinh tế trong giao tiếp để người khác cảm nhận được sự gần gũi, sự chân thành và niềm vui của những con người đã được Chúa biến đổi, đã gặp được Chúa và có Chúa trong cuộc đời. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp Đức Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn. Niềm vui phát sinh và luôn tái sinh cùng với Đức Giêsu Kitô” .
ĐTC. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, dg., nxb. Tôn Giáo, tp. HCM., 2014, số 1.
Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Giuse, xin Chúa biến đổi và đổ đầy tâm hồn chúng con ân sủng của Chúa. Nhờ có Chúa hiện diện trong tâm hồn, sự hiện diện của chúng con trở nên cầu nối yêu thương dẫn người khác đến với Chúa và đón nhận ơn thánh Chúa. Amen.
[/loichua]