Chúa Nhật Tuần II Mùa Phục Sinh Năm B – Ngày 07/04/2024

Lời Chúa: Ga 20,19-31

Khi ấy, vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 


Suy niệm

VẾT THẸO CỦA TÌNH THƯƠNG

“Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27)

Mỗi vết thẹo trên cơ thể con người luôn gợi lại cho chúng ta một biến cố, một câu chuyện, một sự tích, một lý do và một hoàn cảnh nào đó. Có những vết thẹo do mình gây ra thì cũng có những vết thẹo do người khác gây ra, có những vết thẹo có thể nhìn thấy bên ngoài thì cũng có những vết thẹo ẩn sâu bên trong tâm hồn, trong trái tim, trong trí nhớ và trong cuộc đời mà không bao giờ quên được.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu cho các tông đồ và sau đó là cho Tôma xem và đụng chạm tới những vết thẹo nơi cạnh sườn và nơi những dấu đinh trên cơ thể Người, Người muốn các tông đồ, muốn cho Tôma và cả chúng ta nữa hãy đụng chạm, hãy sống chứng nhân về ba điều mà Người bày tỏ qua những vết thẹo:

Thứ nhất, những vết thẹo nơi cạnh sườn cũng như nơi những dấu đinh của Chúa Giêsu gợi lại cho các tông đồ một kỷ niệm vừa vui và vừa buồn. Buồn vì con người đã đưa án tử cho Thiên Chúa, kết án Con Thiên Chúa vô tội, trong khi chính con người là kẻ có tội. Kỷ niệm vui vì trong niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa, tiên tri Isaia và cả thánh Phêrô đã xác quyết: Người đã mang những vết thương vào mình để cho chúng ta được chữa lành (Is 3,4; 1Pr 2,24).

Thứ hai là từ những vết thẹo giúp chúng ta nhận ra một ai đó, như khi chúng ta đi làm căn cước công dân chẳng hạn, chúng ta cũng được ghi chú với những vết thẹo riêng. Vết thẹo nơi cạnh sườn và những lỗ đinh của Chúa Giêsu giúp các tông đồ nhận ra chính Người là vị Thầy đã từng sống, từng ăn uống, từng chia sẻ kiếp con người với họ, và giờ đây cũng chính Con Người đó đã phục sinh trong tư cách là Thiên Chúa. Nói cách khác từ những vết thẹo đó đã giúp các tông đồ xác tín rằng: Giêsu Nazareth, Đấng đã bị những người Do Thái kết án cách bất công, là chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, nơi Người mang hai bản tính, Thiên Chúa và con người, đã chịu chết và phục sinh vì phần rỗi của chúng ta, để cứu độ chúng ta.

Sau cùng, vết thẹo cho thấy vết thương đã lành, vết thương do tội lỗi của con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa đã được chữa lành nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô, con người đã được giao hoà, được trở về với Thiên Chúa. Để có thể chữa lành và xóa bỏ tội lỗi mà chính Đức Kitô phục sinh ban tặng cho chúng ta, đó chính là ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Mỗi chúng ta cũng có thể cách này hay cách khác đã tạo ra những vết thương cho nhau, thì giờ đây chúng ta hãy dừng lại đừng gây ra nó nữa. Và nếu có phải lãnh nhận những vết thương do người khác tạo ra cho mình, thì hãy cố làm cho nó mau lành, hãy đón nhận Chúa Thánh Thần để tha thứ cho nhau. Có giữ mãi vết thương đó thì chỉ có làm cho chúng ta đau chứ chắc gì người ta đã đau. Vậy giữ để làm gì những vết thương, hãy làm cho nó lành, hãy hoà giải với nhau và cùng nhau trao ban sức sống của Chúa Kitô phục sinh.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá, qua những dấu đinh trên tay và vết thẹo nơi cạnh sườn của Chúa, chúng ta thấm nhuần cuộc khổ nạn của Chúa, nhận ra chính Chúa và tin tưởng thưa lên rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.


Comments are closed.