[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 13, 33-37″]
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TỈNH THỨC ĐỂ GẶP GỠ VÀ ĐỐI THOẠI VỚI CHÚA
.
Nơi trang Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra ba điều không biết cho người môn đệ về ngày cuối cùng: không biết “lúc đó là lúc nào”, chẳng biết chủ đi đâu vì chỉ nói “đi phương xa”, và không rõ khi nào chủ trở về “hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng”. Quả thật, người chủ này quá bí ẩn. Nhưng để đối diện với tình cảnh như thế, điệp khúc “hãy tỉnh thức” được Đức Giêsu nhắc lại đến bốn lần từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc câu chuyện. Vậy tỉnh thức để làm gì? Có phải chỉ đơn giản là mở cánh cửa để đón chủ?
Tỉnh thức để gặp gỡ: tuy mỗi người đầy tớ trong câu chuyện được giao những công việc khác nhau, nhưng giây phút cánh cửa được mở ra đón người chủ trở về thật quan trọng. Trở về nhà – đó là mong ước của người đi xa như ông chủ, và người đầy tớ cũng mong chờ ông chủ (một ông chủ tốt) trở về để tiếp tục điều hành công việc. Hai đầu nỗi mong chờ được nối kết nơi cuộc gặp gỡ. Và đó là cuộc gặp gỡ giữa tấm lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà tiên tri Hôsê phác họa “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8)- là Đấng luôn sẵn sàng lên đường đi tìm con người, và phía còn lại nơi lòng khao khát đến khắc khoải trong sâu thẳm cõi lòng mỗi người tựa lời kinh của cuộc đời “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Người” (Conf., I,1,1). Như thế, tỉnh thức là để gặp gỡ Đấng là Chủ cuộc đời ta.
Gặp gỡ để đối thoại: Phía sau sự gặp gỡ là nơi diễn ra cuộc đối thoại giữa ông chủ và những người được giao những nén bạc trước khi ông đi xa; là cuộc đối thoại giữa người quản gia với người chủ về việc quản lí và phân phối thóc gạo cho gia nhân. Chúng ta gặp Chúa để được đối thoại với Người vì Người muốn ta kể cho Người nghe cuộc sống của ta “hỡi tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi” (Mt 11,28). Đây cũng chính là niềm khao khát của Tiên tri Isaia đã diễn tả “phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống”. Bởi vì, ông luôn sẵn sàng để gặp Đức Chúa và đối thoại với Người về tình trạng của dân Israel lúc bấy giờ: một dân đã ra ô uế vì đang ngủ trong tội ác và cuộc đời họ héo tàn như lá úa. Còn chúng ta, chúng ta sẽ nói gì với Người khi Người đến viếng thăm ta?
Chúng ta bước vào mùa Vọng. Mùa Vọng không chỉ quay lại một cuốn băng về biến cố đã diễn ra trong lịch sử cứu độ – Con Thiên Chúa Nhập Thể; không chỉ vang vọng Lời loan báo ngày Đức Giêsu Chúa chúng ta lại đến trong vinh quang. Có thể quá khứ dễ trở thành kí ức rồi dần phai nhạt theo năm tháng hay nói chuyện tương lai Chúa lại đến thì không thiếu thái độ xem đó là chuyện xa vời, từ từ rồi tính. Nhưng Mùa Vọng nhắc chúng ta về chính cuộc sống hiện tại này của mỗi người. Một cuộc sống chẳng thiếu những gánh nặng của đau khổ, khó khăn, vất vả hay những giấc ngủ bất chợt trong tội lỗi cần được đánh thức. Tất cả là những dấu hỏi lớn đặt ra trong cuộc đời. Chúng ta sẵn sàng mang đến với Chúa để gặp và đối thoại với Người. Gặp gỡ và đối thoại được diễn ra nơi chính thửa đất tâm hồn trong không gian của cầu nguyện nơi mỗi người. Nơi mà Lời Tình Yêu chạm đến để đáp lại lời giãi bày của con người.
Lạy Chúa! một Mùa Vọng nữa lại về. Xin cho mỗi người chúng con bước vào Mùa Vọng với một tư thế tỉnh thức để sẵn sàng đến gặp và đối thoại với Chúa trong chính cuộc sống hiện tại. Ngài đã đến, đang đến, sẽ đến và gõ cửa nhà chúng con. Xin cho chúng ta có khả năng mở cánh cửa tâm hồn để đón Ngài và để Ngài cùng tham dự vào cuộc sống của chúng con.
[/loichua]