Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”.
Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh là mầu nhiệm quan trọng, là nền tảng cho niềm tin của người kitô hữu. Thánh Phaolô nói : “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trở thành vô ích và niềm tin của anh em thật là hão huyền” (1Cr, 15, 14). Chúa đã phục sinh. Đó là niềm xác tín, không phải chỉ của Maria Madalena, của Simon Phêrô, của Gioan, mà còn của tất cả các tông đồ, những người lúc đầu còn bán tín bán nghi, cho đến khi họ thực sự được nhìn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra, được động chạm và ăn uống với Người. Niềm tin ấy đã thúc đẩy họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống mình, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người khắp nơi.
Còn gia đình tôi thì sao? Mầu nhiệm Phục Sinh có ảnh hưởng gì trên từng thành viên và toàn thể gia đình tôi hay không? Chúa đã vượt qua cái chết để phục sinh vinh quang, còn tôi có biết chết đi cho tội lỗi, để được sống lại với Chúa không?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thêm mạnh mẽ trong niềm tin và cảm nghiệm thật sâu niềm vui ngày Chúa sống lại. Nhờ đó, chúng con biết sống và hăng say loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người. Amen.