[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16, 1-8″]
Lời Chúa trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô
Vừa hết ngày sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!”. Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng: Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông. Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ quá.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỨC GIÊSU SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT
“Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa” (x. Mc 16, 6)
Hôm nay là một ngày trọng đại của người Kitô hữu, ngày Chúa đã phục sinh từ cõi chết. Đây là ngày của sự tạo dựng mới, là ngày mà Đức Giêsu, Chúa chúng ta, đã bẻ tan xiềng xích của sự chết. Thế nhưng, ngày hôm nay không chỉ dành riêng cho chúng ta nhưng còn là ngày dành cho toàn thể nhân loại này; hôm nay ơn cứu độ đã được ban cho mọi người vì Đức Giêsu đã chia sẻ vinh quang phục sinh chiến thắng này cho con cái của Ađam như lời thánh Phaolô đã xác quyết Đức Kitô là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”(Cl 1, 18), là nguyên lý sự sống lại của chúng ta (x. Rm 6, 4).
Thật vậy, ngay từ khởi đầu của công cuộc tạo dựng, sự sa ngã của Ađam và Eva đã để lại cho con cháu một hậu quả thảm khốc là “cái chết”. Từ đây, nhân loại bị bao trùm bởi “nỗi sợ về cái chết”. “Sợ chết” là nỗi sợ lớn nhất của con người vì nó khiến chúng ta không còn hiện hữu, đây là sự bi đát của đời người. Vì vậy, lời loan báo Chúa Giêsu đã phục sinh của chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã mang lại cho nhân loại một niềm hy vọng lớn lao.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã gọi những người không có đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh là những người “không có niềm hy vọng” (Ep 2,12), và hệ quả là họ thấy mình sống trong một thế giới tối tăm, đối diện với tương lai mịt mù. Vì vậy, Tin Mừng Phục Sinh là niềm hy vọng cho chúng ta, những kẻ tin. Chúng ta có một niềm hy vọng, một niềm vui tràn ngập tâm hồn, vì hôm nay Chúa chúng ta đã phục sinh. Sự chết không còn có thể trói buộc với chúng ta, Đức Giêsu đã bẻ gãy xiềng xích của sự chết bằng chính sức mạnh của Thiên Chúa. Sự chết, nỗi sợ lớn nhất của con người, kẻ thù cuối cùng của nhân loại đã bị khuất phục nơi Người; từ nay, cái chết là cánh cửa để chúng ta tiến bước vào cõi sống.
Vì vậy chúng ta đừng e ngại công bố Tin Mừng này nhưng hãy loan báo cho tất cả mọi người, để họ cũng có niềm hy vọng được hưởng ơn cứu độ. Chúng ta đừng e ngại ánh sáng rạng ngời của sự phục sinh mà Đức Giêsu đã mang lại để chiếu soi vào bóng tối của trần gian này. Và chúng ta không bao giờ để cho bất cứ nỗi buồn nào lấp đầy con tim chúng ta đến nỗi chúng ta quên mất niềm vui, niềm hy vọng phục sinh mà Đức Giêsu mang lại cho chúng ta.
Lạy Chúa! Trong lòng từ ái của Người, xin Chúa mở lòng trí chúng con ra, để chúng con biết đặt trọn niềm tin, niềm hy vọng vào sự phục sinh của Người. Lạy Chúa, trong ánh sáng rạng ngời của phục sinh, xin Chúa lôi kéo chúng con vào tình yêu vô biên của Người, vào trong sâu thẳm cõi lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
[/loichua]