[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 22,54-62″]
Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!” Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.” Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Ông Phêrô ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (x. Lc 22, 62).
Là con người, ai không một lần ngã quỵ trước sức mạnh của tội lỗi. Nhưng vấn đề không phải là chúng ta sa ngã bao nhiêu lần, mà là chúng ta đã làm gì để đứng dậy, và tiếp tục con đường theo Chúa của mình.
Nhìn vào cuộc đời của thánh Phêrô, biến cố bên đống lửa trong dinh thượng tế năm ấy tạo ra ấn tượng sâu đậm. Khi ngài thốt lên những lời chối từ ấy, ai có thể nhận ra đó đã từng là người ngây ngất chiêm ngưỡng vinh quang của Thầy trên núi cao (x. Lc 9,32). Liệu có thể có sự liên hệ nào giữa người mới trước đó đã tuyên bố sẽ cùng chết với Thầy (x. Lc 22,33) với người giờ đây không biết Thầy? Làm sao chính người từng tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa (x. Lc 9,20) lại cũng là người trút bỏ mọi liên hệ với Thầy chỉ vì sợ mấy kẻ đầy tớ? Với vai trò đại diện tông đồ đoàn, và với địa vị của người đã nhận lãnh lời hứa trở nên đá tảng cho một Giáo Hội vững bền (x. Mt 16,18-19), thì theo suy nghĩ bình thường, những lời chối từ của thánh Phêrô là không thể chấp nhận được. Nhưng ai trong chúng ta dám chắc mình có thể cư xử tốt hơn ngài trong hoàn cảnh ấy, khi mà không gian xung quanh đang bị bao trùm bởi sự sợ hãi và niềm hy vọng vừa mới dấy lên lại đang bị thử thách nặng nề. Thánh Phêrô vẫn là một con người với tất cả những yếu hèn của phận người. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra bước ngoặc nơi cuộc đời của ngài. Giuđa phản bội, Phêrô lại chối Thầy; nhưng Giuđa chết trong tuyệt vọng, còn Phêrô đã khóc trong hy vọng. Nước mắt ngài rửa sạch tội lỗi và lòng ăn năn làm cho ngài nên thánh.
Khi suy niệm biến cố này, một biến cố quan trọng trong cuộc đời của thánh Phêrô, chúng ta cũng cần nhìn lại chính mình. Đã bao nhiêu lần chúng ta hớn hở trong đời sống Kitô hữu, nhất là trong những nghi lễ trang trọng uy nghiêm, những sinh hoạt sôi động? Biết đâu chúng ta chỉ muốn đi mãi trong đoàn rước vào thành đầy hoan hỷ (x. Lc 19,35-38) nhưng lại không muốn bước theo đoạn đường lên đỉnh đồi Sọ. Cũng có thể chúng ta chỉ muốn ngồi bên đống lửa (x. Lc 22,55) mà không muốn cùng chịu roi đòn với Thầy của mình. Chúng ta muốn vinh quang nhưng lại thường chán ghét thập giá. Quả thật, nhân loại cần nước mắt sám hối, và chúng ta cũng cần nước mắt để xóa đi những lần chối từ thập giá, chối từ Đức Giêsu. Trong những ngày cuối cùng dành cho việc sám hối này, chúng ta có thực sự chạm được đến ranh giới của sự trở về với Chúa, tức là một sự ăn năn xuất phát từ tận đáy lòng cho những tội lỗi còn đang quấn lấy cuộc đời chúng ta. Hãy để những giọt nước mắt của lòng ăn năn thanh tẩy con người chúng ta hầu xứng đáng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng ăn năn chân thành đối với những lần chúng con vì yếu đuối mà chối từ Chúa. Xin cho nước mắt ăn năn của chúng con không chỉ giúp thanh tẩy linh hồn chúng con, nhưng còn góp phần thanh tẩy thế giới này, một thế giới vẫn còn đang chối từ Chúa. Amen.
[/loichua]