Chúa Nhật II – Mùa Chay – Ngày 13/3/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 9,28b-36″]

28 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a.31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”Ông không biết mình đang nói gì.34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC TIN BIẾN ĐỔI CUỘC SỐNG QUA VIỆC CẦU NGUYỆN

“Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê” (Lc 9,28).

Trong tương quan xã hội, niềm tin là thái độ giúp giữ gìn và phát triển các mối tương quan vì một lần bất tín, vạn lần bất tin. Trong đời sống thiêng liêng nó còn quan trọng biết bao: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Cuộc sống của người Kitô hữu là cuộc sống của niềm tin và hy vọng vào Chúa Giêsu. Niềm tin này chi phối mọi hoạt động của đời sống, đặc biệt qua việc cầu nguyện.

Đức tin là ơn ban của Thiên Chúa, đồng thời còn là sự tự do đáp trả trọn vẹn của con người. Abraham đã tin tưởng vào mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Hãy đem… đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac… mà dâng nó làm lễ toàn thiêu” (St 22,2). Abraham tin nên ông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Chúa ban cho ông người con thì Ngài cũng sẽ có cách thực hiện lời hứa của Ngài đối với ông. Tuy nhiên, để tin và hành động như Abraham không phải chuyện dễ. Cuộc sống hôm nay có quá nhiều cám dỗ và thử thách khiến con người khó đặt trọn niềm tin vào Chúa. Giữa những thách đố đó, nhiều lúc chúng ta cũng như các tông đồ năm xưa; muốn tìm vinh quang hơn là thập giá, muốn tìm hưởng thụ hơn là hi sinh. Cuộc đời không ai muốn khổ đau, các môn đệ cũng vậy. Các ông không chấp nhận đau khổ nên can ngăn Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó. Phận người là thế, yếu đuối, bất chợt và dễ đổi thay. Con người cần sự trợ giúp của Thiên Chúa (x. Dt 4,16). Sau khi tiên báo cuộc thương khó, Chúa Giêsu dẫn Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện để kín múc nguồn ân sủng cho cuộc hành trình sắp tới. Vậy mà trong khi cầu nguyện, các ông lại nặng nề trong giấc ngủ, không cầu nguyện với Thầy dù chỉ một giờ (x. Mc 14,37). Chúa Giêsu luôn dành thời gian cho việc cầu nguyện, Người thường “thức suốt đêm cầu nguyện” (Lc 6,12) để tìm kiếm ý Cha. Hôm nay khi cầu nguyện, ánh vinh quang xuất phát tự nơi Người đã làm các tông đồ bừng tỉnh. Bao vinh quang, danh dự đến ngất ngây là ở đây, các ông muốn níu giữ và “cắm lều” tại đó, nhưng sứ vụ Chúa Giêsu không mãi ở trên núi này. Ngài phải xuống núi, “Phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ … rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Thập giá vẫn là mầu nhiệm đối với các tông đồ và con người hôm nay. Vì thế, biến cố hiển dung nhằm củng cố đức tin các tông đồ trước mầu nhiệm tử nạn sắp tới của Chúa Giêsu, giúp các ông thay đổi cách nhìn về con người, về cuộc đời, không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào chiều sâu, không trốn tránh đau khổ nhưng thấy được niềm vui trong những khổ đau.

Kitô hữu là người bước theo Đức Kitô với mong muốn được biến đổi nên giống Ngài. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy bắt chước đời sống đức tin của ngài (x. Pl 3,17-18). Đó là tin tưởng và kết hợp đời mình với Chúa Giêsu để được Người biến đổi, đặc biệt qua đời sống cầu nguyện, là một trong ba việc làm thiết thực của mùa Chay này. Chính trong khi cầu nguyện mà Chúa Giêsu được hiển dung. Thánh nữ Mônica cũng nhờ đời sống cầu nguyện mà biến đổi được Augustinô. Có thể nói, con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện (Blaise Pascal). Thời gian này có thể dễ làm chúng ta chia trí và ít chuyên chăm cho việc cầu nguyện, vì vậy chúng ta lại phải ý thức cầu nguyện nhiều hơn nữa. Bởi người môn đệ một khi không còn thiết tha cầu nguyện thì không những không được ơn biến đổi mà trái lại đã bị biến chất, như muối bổng trở nên nhạt, sứ vụ thành vô nghĩa.…

Cầu nguyện diễn tả hành vi của đức tin, chúng ta tin thế nào sẽ cầu nguyện thế ấy. Xin cho chúng ta sống tâm tình cầu nguyện qua mọi biến cố và thời khắc trong ngày, như thánh Phaolô mời gọi: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6), bởi “hiểu biết nhiều không thoả mãn linh hồn …, chỉ có suy niệm trong lòng mới giúp ta thưởng thức được mọi sự” (Thánh Ignatio Loyola).

[/loichua]

Comments are closed.