Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm A – Ngày 15/03/2020

Lời Chúa: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42

Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu. Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”. Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”

Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.

Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.

 


Suy niệm

THIÊN CHÚA LUÔN ĐI BƯỚC TRƯỚC

“Chị cho tôi chút nước uống” (Ga 4,7).

Đối với người Kitô hữu, tin không chỉ là chấp nhận một hệ tư tưởng hay một hệ thống luân lý, dầu hoàn hảo đến đâu, nhưng trước hết và trên hết là bước vào mối tương quan giao ước yêu thương với Đấng mà mình tôn thờ. Thế nhưng, làm sao một thụ tạo thấp hèn và tội lỗi có thể đi vào mối tương quan với Đấng Tạo Hóa bất khả đạt thấu? Trong bài Tin Mừng hôm nay, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp đã mạc khải một chân lý cốt lõi: chúng ta có thể bước vào mối tương quan với Thiên Chúa vì Ngài luôn đi bước trước để gặp gỡ chúng ta.

Là người Do Thái, chắc hẳn Chúa Giêsu phải biết rằng người Do Thái và người Samari không được giao thiệp với nhau, vì hai dân tộc có một mối thâm thù lâu đời. Hơn nữa, theo truyền thống Do Thái thì một người đàn ông nói chuyện với một người phụ nữ ở nơi công cộng là điều cấm kị. Thế mà Chúa Giêsu lại trò truyện với một người phụ nữ Samari, nhưng còn là một phụ nữ có đời sống luân lý suy đồi. Việc đó lại càng tăng thêm lý do cần phải tránh xa. Sở dĩ Chúa Giêsu đi ngược lại với truyền thống là vì Người không dựa vào lý lẽ của con người, nhưng dựa trên lý lẽ của tình yêu Thiên Chúa. Người là Mục Tử nhân lành muốn cho chị được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), ngõ hầu chị không phải hư mất (x. Ga 17,12), nhưng được sự sống đời đời. Thế nên, Chúa Giêsu đang khát và đã tìm đến gặp gỡ, ngỏ lời với chị trước: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4,7). Đồng thời, một cách tài tình, Chúa Giêsu đã dần dần mạc khải cho chị biết Người là Đấng Mêsia, là Đấng mang lại cho con người nguồn nước ban sự sống. Người là Đá tảng mà khi đập vào (x. Ga 19,39) sẽ tuôn trào từ cạnh sườn dòng nước đủ sức giải khát toàn dân đang lữ hành tiến về Quê Trời.

Ngày hôm nay, mặc dù Chúa Giêsu không ngỏ lời với chúng ta cách trực tiếp như với thiếu phụ Samari năm xưa, nhưng Người đã, đang và sẽ luôn đi bước trước để mời gọi chúng ta bước vào giao ước yêu thương với Người. Thật vậy, qua tiếng nói lương tâm, đặc biệt là qua bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa, Chúa Giêsu vẫn đang mời gọi chúng ta đến với Người để múc lấy nguồn nước trường sinh. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu đi bước trước để mời gọi chúng ta và ta được gặp Người mới chỉ là điều kiện cần để được ơn cứu độ; còn điều kiện đủ là chúng ta phải thật sự gặp được Chúa, nghĩa là tin và sống đức tin của mình. Nói một cách cụ thể là ta biết chết đi với những đam mê của tính xác thịt, và trỗi dậy với một con người mới, con người của Thần Khí. Quả vậy, thiếu phụ Samaria đã thật sự gặp được Chúa Giêsu khi chị tuyên xưng Người là Đấng Mêsia và mau mắn trở thành người loan báo Tin Mừng cho cả thành: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,29).

Lạy Chúa Giêsu, thời gian Mùa Chay đã trôi qua nửa chặng đường. Xin Chúa ban ơn giúp chúng con biết tận dụng thời gian còn lại của Mùa Chay để tái khám phá tình yêu luôn đi bước trước của Chúa, ngõ hầu biết đáp lại tình yêu đó bằng một sự hoán cải và thay đổi đời sống cách chân thành. Amen.


Comments are closed.