Chúa Nhật 28 Thường Niên C – Ngày 13/10/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 17,11-19″]

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samari và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế.” Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họthấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa rồi sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TẠ ƠN, MỘT BIỂU LỘ CỦA LÒNG TIN

“Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.” (Lc 17,19)

Trong cuộc sống người kitô hữu, nếu ta biết tạ ơn thì sẽ được Thiên Chúa ban cho đức tin. Tướng Naaman trong bài đọc một được Thiên Chúa của Israel chữa lành nhờ đó mà ông đã có lòng tin vào Thiên Chúa. Trong mười người bị bệnh phong được Chúa Giêsu chữa khỏi cũng có một người quay lại để tạ ơn Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu. Vậy nên việc tạ ơn Thiên Chúa là một biểu lộ của lòng tin.

Bệnh phong cùi không những gây cho người mắc bệnh đau về thể xác mà còn khổ về tinh thần: bị xã hội tách biệt, cô lập và loại trừ. Ngoài ra, người mắc bệnh còn bị chính người thân và bạn bè xa lánh. Đau khổ hơn nữa, trong thời của Chúa Giêsu người ta vẫn coi kẻ nào mắc bệnh phong là những kẻ ô uế tội lỗi công khai, tội lỗi ngập đầu ngập cổ mới bị mắc căn bệnh quái ác này. Vì thế, những ai mang căn bệnh này đều khao khát được chữa lành. Vậy đâu là niềm hy vọng mong manh của họ? Thưa, họ tin chắc rằng chỉ có Thầy Giêsu mới là niềm hy vọng của họ.

Chúa Giêsu cảm thấu được nỗi lòng của họ. Người không chỉ chữa lành căn bệnh của họ về thân xác mà còn thanh tẩy để đưa họ trở về với những người thân và gia nhập vào cộng đoàn của mình bằng việc bảo họ đi trình diện với tư tế (x.Lc 17,14). Đi trình diện với các tư tế là để tỏ cho mọi người mình được vào lại cộng đoàn. Chúa Giêsu luôn tỏ lòng yêu thương cho hết thảy mọi người nhất là những ai đang gặp đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Những ai đến với Chúa để cầu xin đều được Người chữa lành bất kể người đó đến từ dân ngoại là người Samaria hay dân riêng là người Do Thái. Do đó, ơn cứu độ được Chúa Giêsu ban cho tất cả những ai có lòng khao khát. Chỉ duy có Chúa Giêsu mới là Đấng có thể chữa lành tất cả. Anh cùi người Samari đã nhận ra điều đó và đã quay lại tạ ơn Thiên Chúa đồng thời sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu. Điều này đã làm cho Chúa Giêsu phải ngạc nhiên. Có lẽ Người ngạc nhiên vì anh là dân ngoại đạo đến từ Samari. Nhờ lòng biết ơn rất căn bản mà mỗi người ai cũng phải có đó mà anh đã được Chúa Giêsu ban cho ơn cứu độ: lòng tin của anh đã cứu chữa anh (x. Lc 17,19). Như vậy, căn bệnh như là phương tiện để dẫn đưa anh đến gặp Thiên Chúa và nhờ lòng biết ơn mà chính anh được Chúa Giêsu ban thêm cho một ơn, đó là đức tin, là ơn cứu độ.

Mỗi người trong chúng ta cũng hãy biết tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày bằng việc năng đến với Chúa qua các buổi cầu kinh, năng đến với Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ và biết tạ ơn Chúa bằng việc sử dụng những ân huệ Chúa ban để mưu ích cho mọi người. Thực ra, Chúa không cần chúng ta phải tạ ơn nhưng việc tạ ơn đó lại cần cho chúng ta, bởi vì việc đó có lợi cho chúng ta khi mang lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được ca tụng Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.