[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 9,2-10″]
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
BIẾN ĐỔI
“Rồi Người biến hình trước mặt các ông” (Mc 9,3).
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài, trong đó có loài bướm. Bướm tô điểm cho đời thêm đẹp, cho tuổi thơ thêm lung linh những sắc màu. Đời bướm là một đời ly kỳ và đặc biệt. Bởi trước khi trở thành cánh bướm đầy duyên sắc, nó đã từng là một con sâu ghê rợn, từng ẩn mình trong một cái kén sần sùi. Sâu chỉ trở thành bướm qua một cuộc hóa thân.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể xem cuộc biến hình của Đức Giêsu mà Tin Mừng thuật lại như cuộc biến đổi của sâu thành bướm. Trong trường hợp này, đó chính là sự biến đổi nhân dạng khiêm tốn của Đức Giêsu trở nên vinh hiển. Thánh sử Maccô thuật lại rằng: “Y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3). Đây chính là biểu tuợng cho Thiên tính của Đức Giêsu. Dung nhan chói lọi, y phục rực rỡ trắng tinh là màu sắc của những thực tại Thiên quốc và cánh chung được Đức Giêsu mặc khải riêng cho những môn đệ thân tín của Người.
Ba đồ đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã được nhìn thấy dung mạo của Đức Giêsu trong ánh hào quang vinh hiển, điều mà các ông chưa từng thấy kể từ khi chọn theo Người. Sự mặc khải này nhằm xác nhận lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29) của chính Phêrô khi được hỏi về thân thế thực sự của Đức Giêsu. Đồng thời, sự kiện này còn là một sự chuẩn bị và củng cố niềm tin cho các môn đệ để họ tin vào Đức Giêsu và chuẩn bị đón nhận cuộc khổ hình thập tự mà Người sắp lãnh nhận khi lên Giêrusalem.
Được đặt trong bối cảnh mùa Chay, trang Tin Mừng hôm nay như lời mời gọi chúng ta suy gẫm và sống tinh thần của mùa Chay thánh. Sám hối là nét đặc trưng của mùa Chay, là khoảng thời gian nhìn lại mình, là nhờ ơn Chúa mà nhận ra tội lỗi mình đã phạm. Tội thì xấu nên sám hối là nhìn vào thực tại xấu đó mà hối hận, tiếc nuối nhưng không phải là ôm giữ mãi quá khứ tội lỗi. Bởi hành trình sám hối sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được kết thúc bằng một sự từ bỏ, một cuộc biến đổi. Nếu đời sâu là một đời chuyên cắn phá, gieo rắc nỗi chết chóc kinh hoàng cho nụ hoa cánh lá thì sau một cuộc lột bỏ và biến đổi, sâu trở thành cánh bướm đầy duyên sắc tô cho lá thêm xanh, điểm cho hoa thêm đẹp. Đó là hoa trái của một cuộc từ bỏ quá khứ tội lỗi, là làm lại cuộc đời, là cởi bỏ tấm áo cũ để mặc lấy tấm áo mới, tấm áo của lòng Chúa xót thương và tha thứ. Gượng dậy và đứng lên từ những ngày đắm chìm trong tội lỗi; nhờ ơn Chúa, chúng ta hãy bén rễ đức tin, đâm chồi đức cậy và nở hoa đức mến để chào đón mùa xuân Phục Sinh đang cận kề.
Lạy Chúa, Chúa luôn ban đủ ơn và sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho những ai thực lòng sám hối và trở về với Ngài. Xin Chúa tác động và ban những ơn cần thiết, để trong mùa Chay thánh này, chúng con biết sống trọn tâm tình sám hối được biểu hiện qua sự từ bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới theo tinh thần của Phúc Âm. Amen.
[/loichua]