Chúa Nhật 13 Thường Niên Năm C – Ngày 30/06/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 9,51-62″]

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”. Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NHỮNG HÀNH TRANG TRONG HÀNH TRÌNH DỆT NÊN CHỮ “YÊU”

“Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

Kitô hữu không phải là những người theo một giáo lý hay một triết thuyết nào đó, nhưng là những người sống chính cuộc sống của Chúa Giêsu và bước đi trên con đường mà Ngài đã đi. Đó không phải là con đường trải đầy nhung lụa bằng những vinh hoa phú quý của thế gian, nhưng là con đường khổ giá – con đường lên Giêrusalem để trao hiến chính mình vì tình yêu. Nhưng làm sao để trung thành bước đi trên con đường mà Chúa Giêsu đã đi thật sự là một thách đố đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh Chúa Giêsu cùng với các môn đệ rời Galilê để tiến về Giêrusalem đã đưa ra những lời khuyên như là hành trang quý giá cho mỗi người chúng ta bước đi trên hành trình dệt nên chữ “yêu”.

Hành trang thứ nhất là lòng can đảm khước từ quyền cao chức trọng. Khi rao giảng ở vùng Galilê, Chúa Giêsu đã được nhiều người ngưỡng mộ và họ muốn tôn phong Ngài lên làm vua (x. Ga 6,15). Tuy vậy, quyền cao chức trọng thế gian không làm mờ đi thánh ý của Chúa Cha, trái lại Ngài càng cương quyết lên Giêrusalem để thánh ý Chúa Cha được nên trọn, cho dẫu đó là nơi mà cuộc thương khó đang chờ Ngài. Người Kitô hữu hôm nay rất dễ bị lối sống hào nhoáng bên ngoài chi phối. Biểu hiện của lối sống đó là muốn được người khác ngưỡng mộ và kính trọng. Đó là một cản trở khiến chúng ta không thể bước đi trên đường tình yêu. Bởi lẽ, một khi bị người khác khước từ, xem thường và chống đối, chúng ta rất dễ có những hành vi đi ngược lại với tình yêu là sự bao dung và tha thứ. Thái độ của Giacôbê và Gioan trước sự khước từ của dân làng Samaria năm xưa là một bằng chứng rõ ràng.

Hành trang thứ hai là một đời sống khó nghèo. Trong khi người đời luôn tìm kiếm sự bảo đảm cho cuộc sống dựa trên nhà cửa, tiền bạc và nghề nghiệp thì Chúa Giêsu lại cho thấy sự bấp bênh của người môn đệ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9, 58). Sở dĩ như thế là vì chỉ có tâm hồn nghèo khó mới giúp chúng ta dễ dàng đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu để rồi trao ban cho người khác và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà Chúa muốn. Đồng thời, một lối sống thanh thoát sẽ giúp chúng ta luôn lấy Chúa Giêsu làm đảm bảo cho hành trình tình yêu của mình chứ không phải là những của cải vật chất lắm khi làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nặng nề và ích kỉ, vì như Chúa Giêsu đã nói: “kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34).

Hành trang thứ ba là phải biết đặt ưu tiên cho việc loan báo Nước Thiên Chúa trước các mối liên hệ gia đình. Ở đây Chúa Giêsu không có ý phủ nhận giá trị cao quý của gia đình, nhưng Ngài cho thấy tính cấp bách của sứ vụ. Bởi vì, ngoài tình liên đới với những người trong gia đình và xứ đạo, chúng ta còn có nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là xây dựng một gia đình nhân loại được quy tụ bởi Lời Thiên Chúa. Đó là sứ vụ mà chúng ta đã được trao phó trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Bên cạnh đó, tính cấp bách của sứ vụ không cho phép chúng ta ở lì trong quá khứ mà phải hướng thẳng tới tương lai như người cầm cày luôn nhìn thẳng về phía trước, vì: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

Tắt một lời, những hành trang trong hành trình dệt nên chữ “yêu” đó chính là một lối sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí như lời Thánh Phaolô nói trong Bài đọc II: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5, 16). Nhờ sống theo Thần Khí, chúng ta sẽ trở nên những con người tự do thật sự. Tự do ở đây không có nghĩa là thoát khỏi mọi ràng buộc và mọi quyền bính: “không Thiên Chúa, không ông chủ”, nhưng là sự “quy phục Thiên Chúa” trong sự “vâng phục của đức tin”. Một khi chúng ta có tự do, thì tình yêu sẽ tồn tại. Bởi lẽ, tình yêu không do chiếm hữu mà có, không mua mà được, nhưng tình yêu chỉ hiện hữu giữa những người tự do hiến dâng sở hữu cái tôi để trao tặng chính mình cho nhau như Chúa Giêsu đã trao tặng chính bản thân mình cho chúng ta.

Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con là một hành trình tiến về Giêrusalem để dệt nên chữ “yêu”. Thế nhưng, trong cuộc hành trình này lắm khi chúng con cảm thấy kiệt sức và quỵ ngã vì chúng con bị lệ thuộc vào những phương tiện của trần thế, chứ không dựa vào chính Chúa là hành trang duy nhất. Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của thế gian để tự do bước đi trên con đường tình yêu mà Chúa đã đi. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.