Chúa Giêsu Rời Khỏi Các Môn Đệ Và Được Đưa Lên Trời (Lc 24,51) – Bài giảng Chúa Nhật VII Phục Sinh – Năm C

Bốn mươi ngày sau lễ Phục sinh, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Thăng thiên. Đó là giây phút mà Đức Kitô phục sinh biến mất trước mắt các tông đồ. Thật khó mà xem sự ra đi nầy là một niềm vui cho những người ở lại.

Thật vậy, khi một người thân yêu rời xa chúng ta, thì luôn là một biến cố gây đau thương tiếc nuối. Những ai thường đến các nhà ga chiều chủ nhật có thể khẳng định rằng không phải cuộc chia li nào cũng mang lại niềm vui.

Thế mà Giáo hội trình bày cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu Thăng thiên như một ngày lễ. Và thậm chí đó là một trong những lễ lớn trong năm. Thật vậy, Chúa Giêsu ra đi đã hứa với chúng ta Ngài sẽ trở lại. Ngày giờ nào, chúng ta không được biết, duy chỉ có một điều đó sẽ là một ngày trong đại đối với chúng ta. Chúng ta khắc khoải chờ đợi Ngài. Sau một thời gian dài vắng bóng, niềm vui sẽ vỡ lở khi gặp lại. Ngay từ bây giờ, chúng ta chuẩn bị biến cố ấy bằng cách mở rộng tâm hồn và tiếp nhận Lời Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta vui mừng bởi vì Đức Kitô phục sinh mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến Chúa Cha. Chính Người đã nói với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Cùng với Ngài, nhân tính nghèo hèn của chúng ta được nâng lên địa vị gần với Thiên Chúa. Đó là một vinh dự tuyệt vời và là một bằng chứng tuyệt vời cho tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Tất cả những điều đó được ban cho một cách nhưng không, và không do một chút công nghiệp nào của chúng ta. Trước hồng ân đó, chúng ta sẽ chẳng bao giờ ngừng dâng lời cảm tạ Ngài, với lời kinh của Thánh vịnh: “Tất cả muôn dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui!”

Thăng thiên là một ngày lễ tràn ngập niềm vui bởi vì nó đánh dấu việc Chúa Giêsu khải hoàn về trời sau khi chết và phục sinh. Đức Kitô phục sinh vĩnh viễn đi vào trong vinh quang cúa Cha. Đó là cuộc tái ngộ của Ba ngôi, một biến cố thần linh tuyệt vời. Sau mỗi trận đánh, vị tướng chiến thắng sẽ khải hoàn trở về, hãnh diện vì chiến tích của mình. Thăng thiên, một phần giống như thế, Đấng đã chiến thắng sự dữ, tội lỗi và sự chết trở về trời trong vinh quang. Và chúng ta, những nười Kitô hữu, chúng ta hân hoan tung hô chúc tụng Ngài cùng với tất cả các thiên thần và các thánh trên trời.

Thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy vui lên và hi vọng. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy khổ đau. Hằng ngày, những hình ảnh bạo lực, bất công và loại trừ nhau tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng các bài đọc thánh kinh hôm nay giúp chúng ta xác tín rằng sự dữ không phải là tiếng nói cuối cùng. Đức Kitô sống lại vẫn đang sống trong vinh quang của Cha và không gì có thể ngăn cản Nước của Ngài hiện đến. Ngài đã đến gieo hạt giống của Nước Trời và không gì có thể cản trở nó nẩy mầm.

Các bài đọc ấy còn loan báo cho chúng ta một tin vui khác: Đức Kitô sống lại muốn nối kết tất cả chúng ta vào chiến thắng trên sự dữ, sự chết và tội lỗi của Ngài. Chắc hẳn điều đó sẽ không dễ dàng; sẽ có chiến đấu và cả những đau khổ. Thiên Chúa không loại trừ sự đau khổ cũng như các thử thách ra khỏi cuộc đời nầy. Ngài giúp chúng ta sống một cách khác. Và Ngài sẵn sàng trợ giúp sự yếu hèn của chúng ta.

Với biến cố Thăng thiên nầy, một lịch sử đã chấm dứt và một lịch sử khác đang bắt đầu. Đức Kitô đã hoàn tất sứ mạng của Ngài. Chúng ta đã dõi theo từng giai đoạn, các lời rao giảng, các phép lạ, các cuộc gặp gỡ, cái chết và phục sinh của Ngài. Các tông đồ đã nhìn thấy đấng phục sinh. Các sách Tin mừng nói với chúng ta rằng: “Trong 40 ngày, Ngài đã hiện ra với họ và nói với họ về Nước Thiên Chúa. Điều quan trọng không phải là tìm hiểu con số 40 có chính xác không, nhưng hiểu được ý nghĩa của nó. Trong thế giới Kinh Thánh, đó là thời gian cần thiết để chuẩn bị cho một đời sống mới. Bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã phải trải qua 40 ngày trong sa mạc để chuẩn bị sứ mạng. Cũng thế, khoảng thời gian 40 ngày giữa lễ Phục sinh và lễ Thăng thiên, Chúa Giêsu chuẩn bị cho các tông đồ của Ngài tiếp nhận sứ mạng.

Cuộc thăng thiên về trời của Chúa Giêsu đánh dấu sự khởi đầu của một lịch sử mới. Đó là thời gian Giáo Hội, thời gian sứ mạng bắt đầu. Các tông đồ được sai đi để làm chứng và mang Tin mừng khắp thế gian. Nhiều lần Ngài đã báo trước rằng họ phải chịu bách hại và bạo lực. Nhiều người khác sẽ bị nhạo báng. Điều ấy chúng ta đang thấy diễn ra hằng ngày. Nhưng chúng ta đừng để mình ngã lòng. Thật vậy, chính Đức Kitô sẽ có tiếng nói cuối cùng. Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và không có ai cũng như không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.

Tuần lễ tới, chúng ta sẽ mừng lễ Hiện Xuống. Đức Maria đã hiện diện giữa các tông đồ đang chuẩn bị tâm hồn. Và giờ đây, Mẹ cũng sẽ vui mừng giúp đỡ chúng ta đón nhận biến cố ấy. Cùng với Mẹ và hiệp thông với nhau, chúng ta cầu nguyện và khẩn xin: “Ôi lạy Chúa, xin sai Thánh Thần của Chúa đến canh tân bộ mặt thế giới”.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.