CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 10 Lớp Triết Học II – Khóa XVIII

.

BÀI VIẾT CẢM NHẬN MỤC VỤ

.

“Sinh lão bệnh tử” đó là quy luật của đời người. Ai cũng muốn giữ mãi cái thời niên thiếu chông chênh, chóng qua ấy nhưng chẳng thể; mong muốn khoẻ mạnh và một đời an yên nhưng sao gánh nặng cứ luân phiên, mịt mùng. Quanh đi quẩn lại trước mắt chỉ còn là tuổi già, là bệnh tật, ốm yếu vây quanh, chỉ cần được ai đó lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu và dâng lời cầu nguyện cho là điều mong ước nhỏ nhoi của những người tuổi đà xế bóng. Và tôi đã được hoà mình vào dòng chảy số phận ấy trong những lần đi mục vụ tại giáo xứ.

Suốt những tháng năm rong ruổi với đời, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi đến thăm những con người xa lạ, không phải là người quen, cũng chẳng phải ruột thịt, là những cụ ông, cụ bà, những người già neo đơn rồi cả những người bệnhgiữa tôi và họ chẳng hề quen từ trước. Lo lắng, bồn chồn, háo hức là mớ cảm xúc cuốn lấy tôi trước cái ngày tôi cho là định mệnh ấy. Biết bao viễn cảnh tôi tự vẽ ra trong đầu mình: tốt có, xấu có, điều gì bản thân nên nói và cái mình phải cân nhắc. Lạc trong mớ bòng bong, tôi chỉ còn biết cầu xin Chúa, xin Ngài hãy nói trong tôi và dạy tôi biết điều Ngài muốn tôi làm.

Một sáng Chúa Nhật đẹp trời, sau thánh lễ tôi cùng với một vài anh em đã đến giáo xứ để thực tập mục vụ người già và người bệnh theo sự sắp xếp của Chủng viện. Với tôi, ấn tượng đầu tiên luôn để lại trong tôi một điều gì đó khó phai, nhớ mãi. Tôi nhớ những con người chất phác, thật thà, vui vẻ. Tôi nhớ cái đơn sơ trong cách họ xã giao, nói chuyện. Tôi không quên sự đón tiếp nhiệt tình, họ không ngại nắng trưa đón đưa tôi cùng với anh em đi thăm người già, người bệnh nơi đây. Một ấn tượng thật đẹp mà tôi đã cố khắc ghi cho người dân nơi đây.

Đầu đội nắng trưa trên chiếc xe đưa tôi đến với các cụ ông, cụ bà, lòng tôi vẫn cứ nao nao khó tả. Luồn lách qua những con hẻm gồ ghề, các ông, các chú trong Hội Caritas đèo chúng tôi đi thăm từ nhà này sang nhà khác, được nghe những ưu tư, nỗi lòng hay vài câu chuyện của quá khứ mà nay các cụ mới có dịp kể lại. Dần dà, những lắng lo trong tôi dần biến tan để nhng chỗ cho sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm.

“Con chào ông”, “cháu chào bà”, lời chào ấy đã ăn sâu trong tiền thức nơi mỗi người dân Việt Nam để tỏ lòng kính trọng dành cho người cao tuổi. Cũng chính lời chào thân thương ấy đã kéo tôi và các cụ từ xa lạ đến thân quen; từ những người con, người cháu lạ hoắc lạ hơ bỗng chốc như trở thành một thành viên trong nhà. Rất nhiều câu chuyện, tâm tư mà các cụ đã kể tôi nghe, biết bao hoàn cảnh khiến tôi phải nhói lòng, cũng có vài sự kiệm lời nơi các cụ theo tôi nghĩ vì tuổi già không cho phép các cụ bộc bạch. Từ nỗi lòng của người cha già dành cho các con là hoà bình trong tâm hồn, là hoà thuận anh em. Cặp vợ chồng đã ngoài 60, ông bị khối u trong não, bà phải lo toan ngày đêm, ranh giới giữa sự sống và cái chết giờ là 50/50, nhưng chính niềm tin và phó thác nơi Chúa, Ngài đã cho ông thêm sức mạnh và can đảm, cuối cùng ông vượt qua cuộc giải phẩu hết sức thuận lợi. Rồi lại đến cụ bà 94 tuổi may mắn tuy lớn tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, mắt thấy, tai nghe rõ mồn một, không bệnh hoạn chỉ khổ ni tuổi già đè nặng lên tấm thân. Có người nói rằng: “Chúng ta không ngừng đùa vui vì chúng ta già đi, chúng ta già đi vì chúng ta ngừng đùa vui”, nơi cụ tôi thấy rõ điều đó, một niềm vui đơn sơ, niềm vui xua tan mọi rào cản của thời gian. Hay người vợ phải bận bịu lo cho chồng từ cái tã, cái ăn, cái mặc vì căn bệnh suy thận đã vô tình lấy đi chức năng đi lại của đôi chân khiến ông giờ đây chỉ nằm một chỗ,… Mọi người tôi gặp ở họ có một điểm là rất sùng đạo, khó khăn cứ vây lấy, bị vấp ngã trước những va đập của cuộc đời nhưng chính niềm tin vào Chúa đã giúp họ nguôi ngoai mọi đớn đau.

Tôi nhận thấy rõ tình cảm mà các cụ hay những mảnh đời kém may mắn đã dành cho tôi cùng với các anh em, được may mắn xuất hiện trong lời cầu nguyện, được gột rửa tâm hồn bằng những giọt lệ đầy sự yêu mến của mọi người. Chợt tôi thấy mình nhỏ bé, chẳng đáng để nhận lấy lòng tốt ấy. Những con người sao quá đơn sơ, giản dị, đáng thương mà Chúa đã vô tình mang vào cuộc đời tôi khiến lòng tôi mở ra, gói ghém và để lại trong cái balo đời tôi trên hành trình theo Chúa bao là bài học quý giá. Tôi tiếc vì hôm đó tôi vẫn còn rụt rè, tiếc vì những giới hạn của ngôn từ nên tôi chẳng hỏi han được gì nhiều. Điều đó giúp tôi nhận ra mình cần mở rộng tấm lòng hơn nữa để đón nhận những điều Chúa muốn nói với tôi nơi những con người ấy.

“Mỗi người mỗi cảnh” nhưng lại có chung cái sức nặng của tuổi già, đôi khi là sự tiếc nuối của quá khứ, có khi là niềm hạnh phúc ở hiện tại. Tôi trẻ, điều tôi có thể và phải làm là cống hiến hết mình cho đời, cho người và trên hết là cho Chúa để “danh Ngài được cả sáng, Nước Ngài được trị đến.”

Giuse Trần Quốc BảoTriết học II

.

Comments are closed.