HIỆN DIỆN ĐỂ CHỮA LÀNH
“Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước.
Đức Giêsu nói với người ấy: Chị cho tôi xin chút nước uống!”
(Ga 4,7)
Lật giở từng trang kỷ yếu của Quý Cha Khóa II – Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, có lần tôi đọc được lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình trong giờ Huấn đức với Quý Thầy như sau: “Anh em đi tham quan để hiểu biết và yêu mến quê hương mình hơn. Đồng thời cũng là để chuẩn bị cho đời mục vụ mai sau cách cụ thể.”[1]
Thật vậy, nếu chỉ an yên tu học trong mái trường Chủng viện, chúng tôi đâu biết quê hương mình đẹp thế nào? Cũng không thể hiểu đời sống ngoài kia chật vật ra sao? Nếu như sách vở cho chúng tôi những kiến thức để học; thì chính hoàn cảnh thực tế lại cho chúng tôi nhiều điều để sống. Để đáp ứng những thao thức đó, với chương trình tiếp cận Mục Vụ vào ngày Chúa Nhật hằng tuần, chúng tôi bắt đầu tham dự vào sứ mạng của Đức Giêsu Kitô, nghĩa là đem Tin Mừng đến cho những người mà chúng tôi gặp gỡ: Đặc biệt là anh chị em lương dân, bệnh tật, khổ đau, các sinh viên học sinh, di dân, dự tòng, và những người bị chà đạp nhân phẩm.[2]
Hành trình mục vụ của chúng tôi là đến với các gia đình thuộc Giáo Hạt Hố Nai, đây được xem là một trong những chiếc nôi ươm mầm ơn gọi cho Giáo Hội, cách riêng là Giáo Phận Xuân Lộc. Hẳn nhiên, nếu ai đã từng đi ngang qua khu vực Hố Nai, chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước sự hưng thịnh và phát triển của những ngôi nhà thờ mọc lên san sát nhau. Bên cạnh đó, sự năng động của người dân cùng với sự sầm uất của các hàng quán, càng làm cho khu vực này trở nên nhộn nhịp và đáng sống. Chính vì lẽ đó, những con người mà chúng tôi thăm viếng hôm nay đã quyết định chọn mảnh đất này để làm nơi an cư lạc nghiệp.
Nói “an cư lạc nghiệp” thì nghe hơi quá, bởi nơi “an cư” của anh chị thật ra chỉ là một căn nhà trọ với diện tích khiêm tốn; còn ước mơ “lạc nghiệp” chừng như càng trở nên mỏng manh khi cả bốn thành viên đều mang trong mình những căn bệnh khác nhau. Giờ đây, gánh nặng cơm áo gạo tiền và thuốc thang bắt đầu đè nặng trên đôi vai của chị, người vợ trong nhà – có công việc duy nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tôi muốn giới thiệu đôi nét về gia đình nhỏ này cho mọi người có thể dễ dàng hình dung. Gia đình đó gồm 4 thành viên: Có anh – người chồng, bị khuyết tật và công việc không được thuận lợi, dù đã thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau; chị – người vợ, vì làm việc cật lực nên sức khỏe cũng đang trên đà suy giảm; con gái lớn – đang học lớp 6, nhưng bị bệnh động kinh và có nguy cơ tái phát bất kỳ lúc nào; và cô con gái út – người đang quằn quại đau đớn mỗi ngày với căn bệnh bại não đã đeo bám em từ thuở ấu thơ.
Mặc cho những khó khăn còn đó, nhưng khi tiếp xúc với anh chị, chúng tôi cảm thấy sự bình an tỏa lan nơi gia đình này. Cuộc đối thoại đơn giản chỉ bắt đầu với những lời hỏi thăm sức khỏe và tình hình công việc hằng ngày; thế nhưng, càng đi sâu vào câu trả lời, chúng tôi càng ngạc nhiên với những thách thức mà anh chị phải đối mặt khi chọn sống cùng và sống với nhau. Những đồng lương ít ỏi từ công việc gia công giày dép trong công ty của chị; dường như chỉ vừa đủ cho một bữa cơm canh đạm bạc, nhưng lại trở nên thiếu thốn khi bé út trở bệnh và phải nhập viện dăm ba tháng. Chuyện vay tiền là điều dễ hiểu, và những đồng lãi sinh ra là điều hiển nhiên. Ấy thế mà anh chị vẫn chấp nhận để con mình được sống, được khỏe và mạnh.
Sau giờ thăm viếng, anh chị nói với chúng tôi như thế này: “Nhiều người khuyên tụi con đưa bé út vào trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật để gia đình đỡ khổ, nhưng mà tụi con không có muốn. Nó bị bệnh vậy đấy, nhưng nói chuyện với nó là nó hiểu, nó biết hết à! Tụi con thương nó lắm, nên xa nó một chút thôi là cũng thấy nhớ. Chúa thương Chúa ban cho tụi con có hai đứa con, dù nó không hoàn hảo như những đứa trẻ khác, nhưng nó vẫn là con của tụi con. Hôm nay có các Thầy đến thăm tụi con, tụi con vui lắm! Xin các Thầy cầu nguyện cho gia đình con, để tụi con có thể vui vẻ và hạnh phúc, dẫu có phải đối diện với nhiều khó khăn trước mắt.”
Chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên và cảm động trước lời tâm sự ấy, bởi đó là hoa trái của một đời sống cậy tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, được ươm mầm và dưỡng nuôi từng ngày. Chúng tôi nghĩ rằng, đôi khi chỉ cần chúng ta chịu ngồi xuống và mở lời thăm hỏi, tựa như khi xưa Chúa Giêsu ngỏ lời xin nước uống từ người phụ nữ Samari. Ngay lúc ấy, chúng ta không những được no thỏa cơn khát, mà còn có thể lấp đầy khoảng trống nơi những mảnh đời cùng cực; bởi đơn giản, họ chỉ cần chúng ta hiện diện để chữa lành, cũng như khơi dậy niềm hy vọng cho tâm hồn họ.
Giuse Trương Duy Thành
Lớp Thần III – Khóa XIV