Ai Không Từ Bỏ Hết Những Gì Mình Có Thì Không Thể Làm Môn Đệ Ta (Lc 14,33) – Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm C

Bài tin mừng chủ nhật hôm nay phải được gọi theo thánh Phao lô là “sự điên rồ của Thiên Chúa”. Sự điên rồ đã thúc đẩy Người đến độ hóa thân làm người và chết cho tất cả nhũng người tội lỗi. Những ai chọn theo Đức Ki tô không còn có thể ở lại trong bình diện lí luận nữa, mà phải đi vào tình yêu. Và chỉ như thế chúng ta mới thể lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Đức Ki tô hôm nay:

Nếu ai muốn theo Thầy mà không yêu mến Thầy hơn cha, me, vợ con và ngay cả cuộc sống riêng của mình thì không thể làm môn đệ Thầy”.

Nghe lời ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ muốn so sánh Chúa Giê su với một người độc tài áp đặt những đòi hỏi phi lí.

Nhưng để hiểu lời mời gọi ấy của Đức Ki tô, chúng ta phải thay đổi cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa. Tòan bộ Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tất cả cho con người. Chính vì thế mà Đức Ki tô có thể đòi hỏi nơi chúng ta một đức tin tuyệt đối và một tình yêu không giới hạn. Anh em Hồi giáo nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa thật vĩ đại”. Người vĩ đại hơn vũ trụ tạo thành, vĩ đại hơn tất cả mọi quyền hành con người. Thiên Chúa là Tuyệt đối. Ngài luôn luôn siêu vượt mọi hình ảnh mà chúng ta có thể có về Người và tất cả những gì mà chúng ta có thể nói về Người. Người xứng đáng được con người tặng ban tất cả và hiến dâng trọn vẹn cuộc sống.

Vì thế mà bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta yêu thương Đức Ki tô hơn hết mọi sự. Nếu Ngài đã hiến dâng cuộc sống mình trên thập giá ấy là bởi vì Ngài muốn cứu chuộc chúng ta và giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, và vì chúng ta có giá trị nhất trong ánh mắt của Ngài. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu điên dại. Một lời đáp trả lời cân xứng với tình yêu ấy mà Ngài chờ đợi nơi chúng ta chỉ có thể là: “Chỉ có Chúa mới đáng kể”. Tình yêu điên dại ấy đã gợi lên trong suốt nhiều thế kỉ những lời đáp trả  và dấn thân cũng mãnh liệt như thế. Như suốt đời giam mình trong bốn bức tường cao trong một tu viện kín hoặc hiến thân phục vụ những người nghèo khổ nhất ở Calcutta hoặc ở các nơi khác.

Chấp nhận để cho Chúa Giê su vượt lên trên tất cả không phải là điều dễ dàng. Dành cho Ngài ưu tiên trên những của cải mà chúng ta đang có thì tương đối còn dễ, nhưng làm sao chấp nhận để tình yêu Chúa Giê su lấn át mọi tình yêu đối với những người thân yêu nhất, như một người chồng, một người vợ và con cái? Thế mà, đó lại là lời dạy trong Tin mừng.

Chúng ta là những người Ki tô hữu, chính Chúa Giê su là đấng mà chúng ta phải dành ưu tiên. Nhưng tình yêu ưu tiên ấy không lọai trừ tình yêu mà chúng ta dành cho những người thân cận. Đức Ki tô không đòi chúng ta phải ghét họ, nhưng đặt tình yêu dành cho họ đúng chỗ. Yêu thương tha nhân không phải là thần thánh hóa họ hay biến họ thành thần thánh. Nhưng là cho phép họ thực hiện chính mình, trở nên chính mình. Chúng ta được mời gọi yêu thương người khác vì họ chứ không vì chúng ta. Ngang qua những ngưới khác, chính Thiên Chúa đang hiện diện. Khi chúng ta đã khám phá điều đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng Ngài trở nên “con đường sáng đưa ta tới khám phá vô biên”.

Trong bài tin mừng hôm nay, chúng ta có hai dụ ngôn ngắn hỗ trợ cho lời mời gọi ấy: khi muốn xây một tháp canh, phải tính tóan mọi phí tổn xây dựng. Trong tư tưởng của Is ra el, muốn xây dựng một tháp canh là toan tính của người muốn chế ngự. Nếu không làm xong, thì xấu hổ biết bao. Rồi Chúa Giê su kể cho chúng ta nghe câu chuyện của nhà vua muốn đi giao chiến chống lại vua khác. Chính ông cần phải lượng định cho đúng sức mạnh quân sự của mình và của đối phương nếu không muốn thất trận.

Ai chọn theo Chúa Giê su thì cũng phải tính tóan, nhưng không giống như thế. Ngài đòi chúng ta phải yêu Ngài hơn tất cả những của cải trần gian và tất cả những gắn bó gia đình của chúng ta.

Dành cho ngài chỗ nhất trong cuộc sống, điều đó không lọai trừ các phần tử trong gia đình chúng ta; nhưng chỉ có nghĩa là dành cho họ vị trí thứ hai. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa; điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân. Tình nầy không thể có nếu thiếu tình kia. Khi chúng ta đặt những tình yêu của chúng ta vào đúng chỗ, thì chúng ta có thể mở ra cho tình yêu hoàn toàn không tính tóan dành cho Đức Ki tô. Ngài trở thành người thứ nhất được yêu thương, được mong muốn, được phục vụ.

Theo Chúa Giê su là đi ngược lại những cách sống của thời đại chúng ta. Sự chọn lựa của tin mừng có thể kéo theo những đoạn tuyệt đau đớn. Nó sẽ quấy rầy chúng ta trong các thói quen, tiện nghi chúng ta. Đó là trường hợp của những người sẵn sàng hi sinh thời giờ để giảng dạy giáo lí, coi sóc một nhóm trẻ hoặc tham dự vào các hội đòan và làm việc phục vụ giáo xứ. Vị trí ưu tiên dành cho tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, đặc biệt cho những người bé nhỏ, những kẻ đau yếu, những người bị lọai trừ. Ngài mời gọi tất cả chúng ta đi theo Ngài để trở thành chứng nhân trong thế giới hôm nay.

Nếu chúng ta yêu thương Chúa Giê su thì hãy để Ngài đi vào trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài là một luồng Ánh sáng đến ở trong cuộc đời chúng ta và biến đổi từ bên trong. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta có thể múc tận nguồn để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta đi theo Đức Ki tô. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành nhân chứng nhiệt thành cho tình yêu của Người trong cuộc sống hôm nay.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân lộc

Comments are closed.