Ai Đang Chuẩn Bị Tài Liệu Làm Việc Quan Trọng Của Thượng Hội Đồng Về Tính Hiệp Hành?

Ai Đang Chuẩn Bị Tài Liệu Làm Việc Quan Trọng Của Thượng Hội Đồng Về Tính Hiệp Hành?

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Theo: www.synod.va; www.synod.va/en/news (26. 8);

và www.catholicnewsagency (08. 9. 2022)

     WHĐ (14.9.2022) – Theo cuộc họp báo vào ngày 26. 8. 2022, ban lãnh đạo của Thượng Hội đồng (THĐ) Giám mục đã thông báo, trong tiến trình THĐ, tiếp liền giai đoạn cấp Giáo phận, giai đoạn Châu lục được bắt đầu. Giai đoạn hai này sẽ kéo dài đến tháng 10. 2023, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì các cuộc họp hoàn vũ và cuối cùng của Thượng Hội đồng lần thứ XVI về tính hiệp hành tại Vatican.

     Một trong những nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn Châu lục là phát hành một tài liệu mới dựa trên các bản tổng hợp từ tiến trình Lắng nghe và Phân định của giai đoạn một đã được gửi đến Vatican vào tháng 8 vừa qua.

     Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên, cho biết ban Tổng thư ký THĐ đã nhận được hơn 100 bản tổng hợp từ các Hội đồng Giám mục, cùng với hàng nghìn đóng góp, từ:

     – các Giáo hội Công giáo Đông phương;

     – các Hiệp hội các Dòng tu Quốc tế, Viện Đời sống Thánh hiến, và Hiệp hội Đời sống Tông đồ;

     – các Bộ của Vatican;

     – và các trường hợp thực tế khác, hoặc các cá nhân gửi trực tiếp.

Cuộc họp báo giới thiệu giai đoạn hai của Thượng hội đồng về Hiệp hành tại Vatican, ngày 26. 8. 2022.

     1. Ai sẽ biên soạn Tài liệu về Giai đoạn Lục địa?

     Tài liệu về Giai đoạn Lục địa (Document for the Continental Stage – DCS) – hay trước đây THĐ gọi là Instrumentum Laboris 1 – sẽ là tài liệu thứ nhất trong số 2 tài liệu của toàn bộ tiến trình THĐ. Với mục đích định hướng cho giai đoạn Châu lục, Tài liệu này là công cụ để tiếp tục lắng nghe, đối thoại và phân định giai đoạn 2 của tiến trình THĐ. Tài liệu đang được Uỷ ban Soạn thảo, bao gồm (1) Ban lãnh đạo THĐ; (2) Ban cố vấn THĐ, và (3) Nhóm chuyên gia biên soạn, trước khi được (4) Hội đồng thường trực duyệt xét và chuẩn nhận.

     (1) Ban lãnh đạo THĐ

     – Đức Thánh Cha Phanxicô, Chủ tịch của ban Tổng Thư ký THĐ

     – Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký THĐ

     – Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, Tổng tường trình viên THĐ

     – Đức Giám mục Luis Marín de San Martín, OSA, phó Tổng thư ký THĐ;

     – Nữ tu Nathalie Becquart, XMCJ, phó Tổng thư ký THĐ.

     (2) Ban cố vấn THĐ

     Ban cố vấn THĐ có nhiệm vụ hỗ trợ Tổng Thư ký THĐ xây dựng tầm nhìn trong khuôn khổ sứ mệnh của mình và tạo điều kiện kết nối giữa các Ủy ban khác nhau của Ban Thư ký. Ban cố vấn THĐ có 5 thành viên:

     – Đức Tổng Giám mục người Ý Erio Castellucci;

     – Đức ông Pierangelo Sequeri, Viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolo II về Khoa học Hôn nhân và Gia đình;

     – Linh mục Giacomo Costa, SJ, Quỹ Văn hóa San Fedele của Milan;

     – Linh mục Dario Vitali, giáo sư thần học tại Đại học Gregorian Roma;

     – Bà Myriam Wijlens, giáo sư Giáo luật tại Đại học Erfurt, Đức quốc.

     (3) Nhóm chuyên gia THĐ

     Quy tụ khoảng 20 thành viên đến từ 17 quốc gia, bao gồm giáo dân, nữ tu, linh mục, và một Tổng giám mục. Trong đó có thể kể đến:

     – Đức Tổng Giám mục Timothy Costelloe, SDB, chủ tịch Hội đồng giám mục Úc;

     – Đức ông Piero Coda, thư ký Ủy ban Thần học Quốc tế của Giáo triều Rôma;

     – Đức ông Philippe Bordeyne, thần học gia người Pháp, chủ tịch Viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Roma.

     – Linh mục Ormond Rush, phó giáo sư về Tôn giáo và Thần học tại Đại học Công giáo Úc;

     – Linh mục David McCallum, SJ, giám đốc điều hành Chương trình Lãnh đạo Phân đinh có trụ sở tại Hoa Kỳ;

     – Linh mục George Henri Ruyssen, SJ, Giáo sư Giáo luật tại Học viện Giáo Hoàng Đông Phương, Rôma;

     – Linh mục Thomas Kollamparampil, CMI, giáo sư thần học tại Giáo hoàng Atheneum Dharmaran Vidiya Ksheteram, Bangalore, Ấn Độ.

     – Nữ tu Alessandra Smerilli, Bộ Phát triển Con người Toàn diện;

     – Bà Susan Pascoe, đồng giám đốc Lực lượng đặc nhiệm cho giai đoạn Châu lục;

     – Ông Austen Ivereigh, người viết tiểu sử về Đức giáo hoàng Phanxicô, và là điều phối viên dự án “Con đường dẫn đến một Giáo hội Hiệp hành” có trụ sở tại Vương quốc Anh.

     – Ông Mauricio Lopez, đứng đầu hoạt động mục vụ của Hội đồng giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM);

     (4) Hội đồng thường trực XV của THĐ:

     Thành viên của Hội đồng thường trực THĐ gồm có: 11 Hồng y, 1 Thượng phụ Công giáo Syria, và 4 Giám mục.

     2. Tiến trình soạn thảo Tài liệu về Giai đoạn Lục địa sẽ như thế nào?

     Tiến trình soạn thảo Tài liệu về Giai đoạn Châu lục sẽ diễn ra trong bầu khí lắng nghe, cầu nguyện và phân định. Bao gồm 3 giai đoạn:

     1) Giai đoạn chuẩn bị

     Ở giai đoạn này, ít nhất 4 thành viên của Uỷ ban soạn thảo đọc kỹ từng bản tổng hợp và đóng góp đã nhận được để bảo đảm các bản văn được tiếp cận với những kỹ năng, sự nhạy cảm, và quan điểm khác nhau. Giai đoạn chuẩn bị đã được bắt đầu.

     2) Giai đoạn soạn thảo

     Trong giai đoạn này, các chuyên gia sẽ làm việc cùng nhau trong bầu khí suy tư, cầu nguyện và phân định.

     Phương pháp sẽ được thông qua, có thể được định nghĩa là “phong cách đàn phong cầm (accordion)” vì bao gồm thời gian thinh lặng và cầu nguyện, xen kẽ với các bài thuyết trình và đối thoại trong toàn thể hoặc các nhóm. Giai đoạn này sẽ bắt đầu vào ngày 21. 9. 2022 tại một toà nhà ở Frascati, Ý.

     3) Giai đoạn chuẩn nhận

     Văn bản do các chuyên gia soạn thảo sẽ được chia sẻ với các thành viên trong 4 Ủy ban: Thần học, Tu đức, Phương pháp luận, và Truyền thông của THĐ. Sau đó, Văn bản sẽ được đệ trình lên Hội đồng Thường trực, để có những đề xuất điều chỉnh, và phê chuẩn lần cuối cùng.

     Dự kiến Tài liệu về Giai đoạn Lục địa sẽ được phát hành vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. 2022.

***

     Theo Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư Ký THĐ, trong việc soạn thảo Tài liệu về Giai đoạn Châu lục, thì điều quan trọng là phải hiểu bản chất và chức năng của sự tổng hợp. Do đó, vấn đề là làm sao để không giảm thiểu tiến trình Hiệp hành đang diễn ra thành một tổng hợp đơn giản qua việc vạch ra một danh sách các chủ đề, hoặc những vấn đề cần giải quyết, nhưng là lắng nghe, suy tư, và cảm nhận về những câu chuyện, những kinh nghiệm sống. Nhờ vậy,

     những kinh nghiệm được nghe hoặc được sống cho thấy một Giáo hội đang sống động, cần sự chân thực, chữa lành, và ngày càng khao khát trở thành một cộng đồng cử hành và loan báo niềm vui của Tin Mừng, học biết cùng nhau bước đi và phân định.

     Hơn nữa, như tài liệu chuẩn bị THĐ đã xác định rõ: Mục đích của THĐ, và do đó, của những cuộc thỉnh ý không phải là tạo ra các tài liệu, mà là

     để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay…

     Thật vậy, trọng tâm của kinh nghiệm Hiệp hành đang được tiến hành là lắng nghe Thiên Chúa qua việc lắng nghe nhau, được soi dẫn bởi Lời Chúa. Điều này theo một nghĩa nào đó, là cốt lõi của toàn bộ tiến trình Thượng hội đồng Giám mục XVI, từ giai đoạn Địa phương đến giai đoạn Châu lục, và Hoàn vũ.

Comments are closed.