Cuộc đời bà lắm nỗi bể dâu!
Sinh ra được ít bữa thì người cha bỏ mẹ con vào Nam biệt tích, mãi tới sau giải phóng mới về đoàn tụ lại. Ông đi, mẹ con nương tựa vào nhau bước qua quãng đời đói khổ. Con bé hôm nào còn đỏ hỏn trên tay mẹ, hôm nay cũng đến tuổi lấy chồng. Rời mẹ về nhà chồng mà lòng bà không nỡ, nhưng biết sao được “xuất giá tòng phu mà…!”
Cái khổ cứ đeo bám bà mãi! Về sống bên gia đình chồng, chồng thì thương nhưng mẹ chồng chẳng mấy dễ. Trải cảm kiếp làm dâu 6 năm trời, bà vinh dự đón nhận giọt máu đầu lòng. Sau khi sinh con, vợ chồng bà xin phép ra riêng. Ra riêng, không đất đai nhà cửa, ông bà về sống với bố mẹ đẻ (lúc này, cha bà đã về đoàn tụ với gia đình). Tưởng như cuộc sống có phần khởi sắc nơi gia đình bé nhỏ ấy, nhưng thực chất thì nó chẳng thể thoát khỏi cái nghèo. Sắp rồi thêm 3 miệng ăn nữa chào đời, quả là cái nghèo đèo bòng cái khó…
Cứ sống vậy mãi thì cực quá! Độ cuối thập niên 80, theo lối xóm, ông bà quyết định rời quê vào Nam lập nghiệp với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Một lần nữa, lòng bà như thắt lại, trái tim như rướm máu vì phải xa cha mẹ. Nhưng phải đi thôi, vì còn cách nào hay hơn! Để lại khúc ruột đầu lòng sống với bố mẹ, vuốt ngược nước mắt, ông bà và con cái khăn gói lên đường…
Vào Nam, ông bà đón nhận thêm 3 hồng phúc nữa là sắp nhỏ chúng nó. Tuy cuộc sống có phần đỡ cơ cực hơn, nhưng thực chất thì cái khổ vẫn chẳng buông tha cho bà: ba lần nhà cháy, một lần chịu cảnh “lá vàng vẫn ở trên cây, lá xanh rụng xuống nghe tê tái lòng.” Còn nữa, còn nữa…
Nhìn qua cuộc đời bà, ai ai cũng bảo lắm nỗi bể dâu. Nhưng với bà, bà tủm tỉm đáp: “Tất cả là hồng ân đấy chứ!”. Bà thêm: “Nhớ ngày bé, tôi đưa tay ra đòi nắm lấy tay Chúa. Chúa đâu có chịu, nhưng Ngài dành nắm lấy tay tôi. Cho tới hiện tại, chưa khi nào Ngài buông tay tôi ra cả…”
Bể dâu vậy đấy, nhưng chưa một lần bà lạc mất niềm tin vào Đấng đã nắm lấy tay bà, dẫn bà bước đi… Bể dâu vậy đấy, nhưng chưa một lần bà từ chối đón nhận Thánh Ý tự nơi Thiên Chúa… Bể dâu vậy đấy, nhưng bà là mẹ nó, mẹ của anh em chúng nó và là vợ của bố nó…
Nhớ ngày nó khăn gói vào Chủng Viện, bà vẫn thủ thỉ vào tai nó những dặn dò quen thuộc: “Con vào trong ấy lo học hành tử tế, cần gì thì gọi về nhà cho bố mẹ. Con cầu nguyện cho gia đình là đủ rồi, không phải lo lắng gì đâu nhé!”. Bà còn thêm: “Con nhớ là đã tra tay vào cày thì không được ngoái lại đâu đấy!…” Cũng ngày hôm ấy, nó vội vã đáp lại: “Con biết rồi mà!” để đến hôm nay sao nghe quá vô tình …
Ngày Gia Đình Chủng Viện họp mừng phụ huynh của anh em chúng nó, nó vui lắm! Nó nôn nào chờ đợi với hy vọng là sẽ được gặp bà và bạn bà nơi mái nhà này. Nhưng nó cũng biết, sự nôn nao ấy còn cả năm nữa cơ mà. Không được gặp bà và bạn bà năm nay, nó buồn cái buồn thể lý, nhưng nó vui niềm vui tâm hồn: Nó vui vì sẽ được gặp bà và bạn bà trong việc phục vụ anh em chúng nó, trong các giờ kinh nguyện và trong từng giây phút của ngày sống. Vì chưng nó biết, ông bà lúc nào cũng ở bên nó, vì ông bà luôn hướng lòng về nó…
Ngay lúc này, sau buổi họp mừng, tạm gác lại những công tác chung, ngồi và nhìn lại ngày sống, mắt nó nhẹ rơi những giọt lệ thắm. Những giọt lệ của hạnh phúc pha lẫn xót xa… Hạnh phúc vì lẽ, Chúa đã thương ban cho nó một người mẹ và một người bạn đời của mẹ hết sức tuyệt vời. Cả hai đã không ngại hy sinh tất cả để sắp nhỏ chúng nó có tất cả. Và cả hai vẫn tiếp tục hy sinh những gì còn lại, hầu mong chúng nó sẽ tiếp tục đón hưởng những gì còn lại… Hạnh phúc cũng vì lẽ, khi rời xa gia đình bé nhỏ hôm nào, Chúa tiếp tục thương ban cho nó những người cha, người mẹ và nhiều anh em thiêng liêng khác nữa nơi mái nhà này, những người luôn đồng hành với nó trên mọi bước đường nó qua…
Hạnh phúc quá phải không nào! Nó dâng lời tạ ơn Chúa, cùng nguyện chuyển lời cám ơn mọi người… Xót xa vì lẽ, Chúa yêu nó vậy đấy, gia đình và mọi người yêu nó vậy đấy, còn nó thì sao chứ? Nó ích kỷ, so đo tính toán thời gian khi đến với Chúa. Nó cũng ích kỷ, so đo tính toán thiệt hơn trong tình cảm dành cho mọi người. Tệ hơn cả, là đã bao lần nó học hành ngang bướng khiến Chúa và mọi người buồn lòng…
Riêng với mẹ nó, đã hơn một lần nó làm bà phải rơi lệ. Nhớ những ngày còn là sinh viên, bà sống với nó bằng tâm tình “Dù con lớn, con vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.” Đổi lại, nó đáp trả tình cảm của bà bằng thái độ “Ngày con lớn, con hết làm con của mẹ, trên bước đường mẹ đừng bám theo con.” Đau xót quá! Những lúc ngồi và nhìn lại, nó biết nó đã sai khi sống với bà như thế. Nhưng cái tính tự ái của cậu trai mới lớn chưa cho nó can đảm để ngồi lại và nói với bà lời xin lỗi…
Giây phút này, nó đang ngồi lại và đang viết lên những dòng chữ đây trong xót xa và hạnh phúc. Những dòng chữ như muốn nói lên tất cả những lời chưa nói, và như muốn vẽ lên tất cả những việc chưa làm đang còn giữ lại… Vì chưa đủ can đảm để nói với bà những lời muốn nói, nó sẽ đăng bài viết này với hy vọng bà sẽ đọc được. Nó sẽ đăng, nhưng không phải đăng trên các đầu báo, trên mặt các tập san, hay trên một trang mạng xã hội nào đó. Nó sẽ đăng vào tận đáy lòng, tận con tim nó. Nó sẽ đăng nơi lời nói, hành động và cung cách sống của nó. Nó sẽ đăng trong mỗi giờ kinh nguyện, trong mỗi việc nó làm và trong mỗi hy sinh nó dâng lên Chúa… Nó sẽ đăng để luôn ý thức rằng: Chúa và mọi người hằng yêu mến nó. Và nó cũng sẽ đăng để nhắc nhở nó cũng như nhắc nhở mọi người một câu chữ quen thuộc: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ ai ơi…” Vì chưng, ai trong chúng ta cũng có một người mẹ, phải không nào…
ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc, ngày của Mẹ – 08.05.2016
Kết bút
Một chủng sinh khóa mười một