Thứ 4 Tuần IV Phục Sinh – Lễ Kính Thánh Marcô – Ngày 25/04/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16, 15 – 20″]

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

LOAN BÁO TIN MỪNG

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền phát xuất từ Chúa Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Loan báo Tin mừng là sứ mạng và là nhiệm vụ của Giáo hội cũng như của mỗi người Kitô hữu. Tin Mừng này đã được Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại: Đó là Tin mừng Cứu Độ, Tin Mừng Sự Sống; Tin mừng này chính là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô chính là Tin Mừng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Cách cụ thể, Tin Mừng về việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã chiến thắng quyền lực sự dữ, cái chết. Và Ngài “đã thắng thế gian” (Ga 16,33), và đây là Tin mừng giải thoát con người.

Việc loan báo Tin mừng về Chúa Giêsu Phục Sinh không giới hạn ở một không gian và thời gian, một thời đại hay một nơi chốn, nhưng mở ra “khắp tứ phương thiên hạ” “cho mọi loài thọ tạo”. Một thế giới buồn luôn cần có Tin mừng, một thế giới khổ đau luôn cần có sự an ủi. Ai là người đem Tin mừng, đem sự an ủi đến cho thế giới ? Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của Giáo hội (x. LG 17), cụ thể của người Kitô hữu. Nhưng làm sao để loan báo Tin Mừng ? Có người nói chẳng ai có thể cho điều mình không có. Như thế, người loan báo Tin Mừng trước tiên là người phải có kinh nghiệm về Tin mừng mà mình loan báo, nghĩa là họ đã đón nhận, đã thực sự cảm nếm niềm vui của Tin mừng trong cuộc đời mình. Đó là kinh nghiệm của một tâm hồn tràn ngập niềm vui về Tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến là chính Chúa. Thực vậy, khi người Kitô hữu cảm nghiệm được niềm vui này thì chính họ sẽ có một lực đẩy từ bên trong như kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1Cr 9,16).

Lạy Chúa Giêsu ! xin cho mỗi người chúng con có đươc kinh nghiệm về niềm vui Tin mừng, để chúng con có thể loan báo Tin mừng ấy cho những người chúng con gặp gỡ, qua niềm vui trong ánh mắt, trong nụ cười, trong lời nói gần gũi, cảm thông, trong hành động tương trợ nghĩa tình và cao thượng. Ước chi chúng con cũng nói được rằng: “Ở đâu có Kitô hữu, ở đó có niềm vui”. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.