Thứ 6 Tuần 5 Mùa Chay – Ngày 23/03/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 10,31-42″]

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”

Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHÚA GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA

“Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha” (Ga 10,38).

Phụng vụ trong những ngày cuối của Mùa Chay Thánh nhắc lại sự kiện Chúa Giêsu bị người Do Thái chống đối và đòi ném đá. Vì lý do gì mà họ đòi ném đá Chúa Giêsu? Thưa, vì họ cho rằng Chúa Giêsu nói lộng ngôn, phạm thượng vì dám xưng mình là Con Thiên Chúa và còn ngang hàng với Thiên Chúa.

Trong hành trình rao giảng Tin mừng, và nhất là trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu luôn chứng minh cho họ biết Người là ai. Khi thì Chúa gợi ý xa như kiểu nói: “khi Abraham chưa sinh ra thì đã có Ta rồi”, và cụ thể hơn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật cho họ biết về Người, cách đặt biệt về mối tương quan giữa Người với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Lời mạc khải này chính là đỉnh điểm của sự chống đối dẫn đến việc họ muốn ném đá, như lời dân chúng nói với Chúa Giêsu: “Chúng tôi ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi ông chỉ là người mà dám cho mình là Thiên Chúa”. Họ cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một người bình thường, vậy mà dám tự xưng mình Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, một lời nói lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa độc tôn của họ.

Quả thật, hình ảnh Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái mong chờ để giải thoát họ phải là một người xuất thân từ dòng dõi quý tộc. Trong thâm tâm của họ, Đấng Cứu Thế phải là người đến để đáp ứng các nhu cầu về vật chất, về những tiện nghi và mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho họ. Chính vì vậy, khi Chúa Giêsu xuất hiện và khẳng định Người chính là Đấng Cứu Thế mà Chúa Cha sai đến để giải thoát họ, thì họ đã thất vọng và ngã lòng. Bởi vì, dân chúng đã biết rõ Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu chỉ là một người tầm thường như bao người khác. Họ biết rõ về gia cảnh của Người nơi làng quê nghèo Nazareth. Cho nên, khi vừa nghe Chúa Giêsu tự xưng mình là Thiên Chúa thì họ gán cho Người một sự lộng ngôn xúc phạm đến Danh Thiên Chúa và tìm cách ném đá. Nói cách khác, dân Do Thái không chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Do đó, mặc cho Chúa Giêsu có nói gì, làm gì cũng không đủ sức thuyết phục lòng chai dạ đá của họ, bởi họ đã quá chìm sâu trong tội lỗi, họ bằng lòng với những gì đang có và như thế họ cảm thấy không cần đến ơn cứu rỗi.

Đối với người Kitô hữu hôm nay, chúng ta đang phải sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Sự phát triển của các phương tiện hiện đại, cộng thêm lối sống buông thả đã dẫn đến các tệ nạn trong đời sống xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống đức tin. Một trong những cám dỗ tai hại nhất mà chúng ta bị lôi kéo đó là lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của bản thân, chỉ biết có mình mà quên người khác, chỉ biết vun vén lợi lộc cho mình mà quên đi quyền lợi của kẻ khác. Điều này cũng có nghĩa là với những phương tiện truyền thông hiện đại, có thể chúng ta không ném đá Chúa và không ném đá tha nhân bằng những cục đá vật chất, nhưng chúng ta đang ném bằng những cục đá tư tưởng, đá văn hóa, đá ngôn từ để xúc phạm Danh Chúa, để phê phán Giáo Hội và nhất là để xỉ nhục tha nhân. Chính vì thế, trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy dành thời gian để xét mình cách chân thành, để sám hối, để canh tân bản thân dưới ánh sáng của Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, xin cho chúng con ý thức được sự yếu đuối của bản thân để biết nhận ra những lỗi lầm mà hoán cải, và nhận ra ân sủng của Chúa luôn tuôn đổ trên chúng con qua việc lắng nghe Lời Chúa và thực hành lời Chúa dạy mỗi ngày. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.