[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1, 7-11″]
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần”.
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu quý của Cha, Con đẹp lòng Cha mọi đàng”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC GIÊSU
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11).
Câu nói “Con Thiên Chúa đã trở thành con của con người, để cho con người trở thành con của Thiên Chúa” thường được vang lên mỗi mùa Giáng sinh. Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc của tình yêu và sự sống, Ngài là Cha của con người. Một người Cha vô cùng nhân lành và trung tín. Người Cha quyền năng và trung tín ấy đã được chính Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu mạc khải cho chúng ta. Nhưng, ai sẽ là chứng nhân cho Đức Giêsu là Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha?
Bài Tin mừng hôm nay, thánh sử Maccô tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan trên dòng sông Gio-đan để khai mạc sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ. Nhưng, chúng ta cũng có thể coi đây là bài tường thuật về các chứng nhân của Đức Giêsu. Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng có quyền thế hơn ông đang đến; Ngài là Chiên Thiên Chúa và là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Chúa Thánh Thần làm chứng cho Đức Giêsu. Sau khi chịu phép rửa của Gioan xong thì Đức Giêsu thấy các tầng trời mở ra và Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình (x. Mc 1,10). Chúa Cha làm chứng về Đức Giêsu chính là Con yêu dấu của Ngài qua lời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11).
Ngày nay, Giáo hội qua các Kitô hữu tiếp tục làm chứng về Đức Giêsu. Nhờ bí tích rửa tội, người Kitô hữu được “tái sinh” trở thành con cái của Thiên Chúa và được tham dự vào sứ mạng cứu thế của Đức Kitô qua chức vụ: tư tế, vương đế và ngôn sứ của Ngài. Nhờ các chức năng phổ quát ấy, Kitô hữu trở thành những chứng nhân của Chúa ngay giữa cộng đoàn họ sống. Còn chúng ta, những ứng sinh linh mục làm chứng cho Chúa bằng cách nào? Chúng ta chọn lựa đời sống ơn gọi dâng hiến nghĩa là trở thành những môn đệ của Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta phải trở thành những chứng nhân về Thầy Giêsu vĩ đại đã từ bỏ vinh quang danh dự, nhập thể làm người để yêu thương và chết cho người mình yêu. Theo gương người Thầy vĩ đại ấy, chúng ta cũng phải biết từ bỏ những vinh quang trần thế là lợi lộc vật chất, sự an nhàn hưởng thụ của trần gian và mặc vào mình trái tim nhân từ xót thương của Chúa để cảm thương những người bất hạnh, khổ đau. Và trên hết, chúng ta giám chết đi những cái tôi tự mãn ích kỷ cá nhân để sống cho cái chúng ta là tình yêu dâng hiến và phục vụ. Chúng ta hãy học theo Gioan Tẩy Giả năm xưa làm chứng cho Chúa qua lời nói và hành động của mình. Tất cả đều quy hướng về Thiên Chúa và vinh Danh Ngài “Ngài phải nổi bật lên, còn tôi thì lu mờ đi” (Ga 3,30).
Lạy Chúa, Chúa đã nhập thể làm người và trở thành người con thảo hiếu với Cha trên trời khi làm đẹp lòng Cha mọi đàng. Xin ban Thánh Thần Chúa trợ giúp để chúng con cũng biết trở nên chứng nhân của Ngài giữa một thế giới đang cần tình thương yêu của Chúa và giúp chúng con xứng đáng là người môn đệ biết sống và làm đẹp lòng Chúa.
[/loichua]