Thứ 2 tuần 24 Thường Niên – Ngày 18/09/2017

Lời Chúa: Lc 7, 1-10

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

 


Suy niệm

LÒNG QUẢNG ĐẠI

“Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà của tôi… Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”
(Lc 7,6-8)

Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay cho chúng ta biết về nguồn gốc của một lời thưa đáp quá đỗi quen thuộc trong thánh lễ đối với bất kỳ tín hữu nào: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành mạnh” (Sách Lễ Rôma, phần Nghi Thức Hiệp Lễ). Tâm tình này phát xuất từ lời tuyên xưng đức tin của một viên đại đội trưởng ngoại giáo đã thưa lên với Chúa Giêsu và nhờ đó người nô lệ của ông đã được lành bệnh. Giá trị to lớn về bài học đức tin này thật quá đỗi lớn lao đến nỗi Giáo Hội đã sử dụng lại chính lời tuyên xưng khiêm hạ này để giúp con cái mình ý thức về sự bất toàn và yếu đuối của mình trước khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Vì quả thật chúng ta đều bất xứng trước tình yêu Thiên Chúa giành cho chúng ta và chỉ duy bởi ơn Chúa chúng ta mới xứng đáng đến cùng Ngài mà thôi.

Sống giữa một xã hội hiện đại nơi mà quyền cá nhân luôn được chú trọng và đòi hỏi dường như đã khiến con người ngày nay trở nên ích kỷ và tính toán. Làm điều gì cho bất cứ ai cũng bởi “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Tinh thần quảng đại dấn thân vô vị lợi dần biến mất nơi nhiều cộng đoàn và thậm chí nơi các gia đình là một dấu chứng rất rõ cho việc thiếu vắng một tình yêu chân thật giữa người với người. Vì như “Thánh Tôma giải thích: ‘Đối với đức ái, ước muốn yêu thương thì thích đáng hơn ước muốn được yêu thương’; thực vậy ‘các bà mẹ, những người yêu thương nhiều nhất, tìm cách yêu thương hơn được yêu thương’. Thành thử, lòng yêu thương có thể vượt quá và tràn ngập các đòi hỏi của công bình, ‘không mong được đền trả điều gì’ (Lc 6, 35), và lòng yêu thương lớn nhất có thể dẫn ta tới ‘hy sinh mạng sống mình’ cho người khác (X. Ga 15,13)” (Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương số 102). Sự quảng đại yêu thương chính là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi chúng ta bởi chính chúng ta đã nhận lãnh cách như không tình yêu và hồng ân của Người thì đến lượt mình chúng ta cũng phải cho đi cách nhưng không như vậy. (X. Mt 10,8)

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25, 40). Xin Chúa làm bừng cháy lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa, để chúng con mạnh dạn quảng đại dấn thân cho Chúa qua những công việc bác ái giúp đỡ tha nhân. Amen.


Comments are closed.