Thứ Tư sau Chúa nhật 2 Thường Niên – ngày 18/01/2017

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3, 1-6]

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

“Rồi Người bảo họ: ‘Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?’ Nhưng họ thinh lặng” (Mc 3, 4).

Các trang Tin Mừng của những ngày gần đây là một chuỗi các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các Pharisêu. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là cuộc tranh luận thứ năm; liên quan đến vấn đề giữ luật ngày Sabbat. Đặc biệt hôm nay Chúa Giêsu lại vào hội đường trong ngày Sabbat và chữa lành người có tay khô bại. Qua hành động trên, Chúa Giêsu muốn trả lại cho ngày Sabbat ý nghĩa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã lập nên.
Đối với người Dothái giáo, đời sống tôn giáo gắn liền với cuộc sống thường nhật, nên những sinh hoạt hằng ngày bị chi phối rất ngặt bởi lề luật “các điều này vẫn cứ phải làm mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23, 23). Tưởng rằng việc tuân giữ lề luật cách nghiêm ngặt theo mặt chữ là đạt được sự công chính trước mặt Thiên Chúa. Quan niệm không đúng đắn về khiếm khuyết của tha nhân và lối suy nghĩ nệ luật đã đưa các Pharisêu đến sự lầm lẫn tận nền tảng trong việc giải thích và áp dụng luật. Thái độ làm thinh của họ trước lời chất vấn của Chúa Giêsu về ý nghĩa của ngày Sabbat đã minh chứng cho sự hiểu sai về tinh thần luật; đưa đến hệ lụy là thái độ sống vô cảm, lạnh lùng và bàng quan với đau khổ của cuộc sống nhân sinh. Tôn giáo thay vì là ân huệ, là con đường giải thoát đã bị giới lãnh đạo tôn giáo biến thành gánh nặng và đẩy con người vào bước đường cùng không lối thoát.

Lần ý nghĩa của ngày Sabbat trong Thánh Kinh, chúng ta sẽ nhận biết đây là ngày thánh, một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Chúa (x. Xh 31, 15). Ngày Sabbat làm cho các công việc hằng ngày ngưng lại và tạm nghỉ ngơi. Đây là ngày phản kháng lại khía cạnh nô lệ của việc lao động và sự sùng kính tiền bạc. Như vậy, Cựu Ước đã cho chúng ta thấy tiềm tàng ý nghĩa giải thoát của ngày Sabbat. Trong Tân Ước, ý nghĩa này được Chúa Giêsu làm sáng tỏ khi Người dùng chính uy quyền Thiên Chúa để giải thích ý nghĩa đích thực của ngày này: “ngày Sabbat được dựng nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbat” (Mc 2, 27). Qua hành động chủ ý chữa lành người có tay khô bại trong ngày Sabbat, Chúa Giêsu chứng tỏ mình là “chủ ngày Sabbat”. Cơn thịnh nộ của Chúa Giêsu trước sự thinh lặng vô cảm của người Pharisêu không nghịch lại với Tình Yêu của Thiên Chúa nhưng chỉ cho thấy sự sai lầm căn bản khi bỏ qua tinh thần luật là lòng thương xót con người. Do đó, ngày Sabbat phải là ngày của lòng thương xót, ngày của cứu độ và thực thi việc lành vì Chúa Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót đã hành động trong ngày Sabbat làm mẫu mực cho các hành động của con người.

Lạy Chúa, thái độ sống vô cảm là một tội rất lớn của thời đại chúng con ngày nay, đây là hệ quả của việc đánh mất cảm thức về tội; vì đối nghịch hoàn toàn với lòng thương xót của Chúa. Thánh Giacôbê Tông đồ nói: “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Vì thế, trước những khiếm khuyết của tha nhân, xin Chúa đừng để chúng con ngoẳn mặt làm ngơ nhưng biết quan tâm chia sẻ; thay vì chỉ tay kết án hãy có sự cảm thông nâng đỡ, thay vì đứng đó mà quan sát hãy đến xem họ cần chúng con giúp gì. Vì tình yêu đối với người khác là sức mạnh tinh thần cho phép chúng con gặp gỡ Chúa cách trọn vẹn. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.