Thánh Giuse được Tin mừng hôm nay công khai tuyên dương là “người công chính”. Công chính là gì?
Theo luân lý, công chính là trả cho người khác cái thuộc về họ. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng có lần nói: “Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Việc thánh Giuse muốn kín đáo bỏ trốn được giải thích nhiều cách khác nhau. Nhưng cách giải thích chính xác nhất là của thánh Bênađô. Ngài nói:
“Lý do Giuse muốn rời bỏ Maria cũng là lý do mà Phêrô đã xin Chúa tránh xa ông: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! ” (Lc 5:8). Đó cũng là lý do viên đại đội trưởng không dám mời Đức Giêsu vào nhà : “Thưa thầy tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7:6). Như vậy, vì tự coi mình không xứng đáng và là người tội lỗi, nên Giuse tự nhủ rằng mình chẳng là gì hết để có thể sống chung với một con người vĩ đại như Đức Maria… Phêrô đã sợ hãi sự cao cả của quyền năng, viên đại đội trưởng đã e sợ sự hiện diện uy nghi, Giuse cũng thế, ông sợ hãi trước sự mới lạ, trước chiều sâu của một mầu nhiệm lớn lao, nên muốn rời bỏ bà cách kín đáo.. . Lý do khiến Giuse muốn rời bỏ Maria là thế đó”.
Thánh Giuse công chính không dám nhận những gì không phải của mình. Ngài muốn trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa. Bào thai trong lòng Đức Mẹ là quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Giuse không dám lãnh nhận địa vị cao cả đó.
Đặc biệt hơn, công chính là sống đức tin. Đó chính là điều thánh Phaolô quả quyết khi nói về tổ phụ Abraham trong thư Rôma 4, 3.18-22 mà chúng ta nghe một phần trong bài sách thánh thứ hai: “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính….Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin…, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế ông được kể là người công chính”.
Quả thật Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì tin tưởng nên ông mau mắn vâng lời, thi hành mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy. Thiên Chúa truyền cho ông bỏ quê hương xứ sở, lập tức ông lên đường. Thiên Chúa truyền dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển, dù lớn tuổi, ông vẫn tin. Khi Isaac, con trai ông, đứa con của lời hứa, được mười hai tuổi, Thiên Chúa truyền ông sát tế dâng cho Người, ông lập tức thi hành.
Cũng trong thư Rôma, thánh Phaolô nhắc lại lời tiên tri Habacuc: “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4// Rm 1,17// Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính. Vì ai tin vào Lời Chúa, thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả. Ta chẳng là gì. Mọi sự là của Thiên Chúa. Ta chẳng có gì. Vì thế tuyệt đối vâng lệnh Thiên Chúa và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Người là điều hợp lý.
Thánh Giuse là người công chính vì thánh nhân tuyệt đối tin tưởng lời Thiên Chúa, dù lời Thiên Chúa nói với thánh nhân trong giấc ngủ. Thánh nhân tin vào lời Thiên Chúa, trong những sự việc bình thường và hợp lý. Như khi truyền cho thánh nhân đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ trốn sang Ai cập và sau đó trở về. Thánh nhân còn tuyệt đối tin tưởng ngay cả trong những trường hợp bất thường và lý trí không giải thích được. Như khi thánh nhân định trốn đi, nhưng Thiên Chúa truyền cho thánh nhân ở lại để nhận Đức Mẹ về làm bạn. Không những tuyệt đối tin tưởng, thánh nhân còn mau mắn thi hành không chút chậm trễ. Đức tin của thánh nhân thật lớn lao. Và vì thế sự công chính của thánh nhân thật trổi vượt, xứng đáng được Tin Mừng chính thức ca tụng.
Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin. Nhưng xem ra chúng ta còn thiếu đức tin. Nếu “người công chính sống bởi đức tin” thì ta chưa sống bởi đức tin. Vì ta còn thiếu công chính. Ta chưa trả cho người khác những gì thuộc về họ. Bất công lớn lao đang tràn lan khắp nơi. Ta chiếm đoạt những gì không phải của mình. Từ chiếm đoạt vật chất của cải, đến chiếm đoạt danh dự, phẩm giá của người khác. Từ chiếm đoạt quyền lợi, đến chiếm đoạt cả tự do. Từ chiếm đoạt uy tín, đến chiếm đoạt cả tiếng nói, cả ý kiến của người khác. Nhất là khi sự chiếm đoạt bât công được thể chế hóa qua guồng máy có tổ chức, được hợp thức hóa qua luật lệ. Tiếm quyền, tiếm danh, tiếm ngôn đang được thực hiện khắp nơi. Nhưng trên hết con người đang chiếm đoạt quyền lợi, và vị trí của Thiên Chúa.
Cần sửa chữa những tệ nạn này bằng một đời sống công chính. Đó là điều mà Hội đồng Giám mục Việt nam đã thể hiện qua bản góp ý để sửa đổi Hiến pháp nước Việt nam. Hãy trả cho từ ngữ đúng ý nghĩa của nó. Hãy trả cho người dân đúng quyền lợi của họ. Hãy trả cho đảng phái đúng vị trí của nó. Và hãy trả cho các cơ quan chính quyền đúng chức năng của nó.
Hôm nay chúng ta vui mừng hiệp thông với toàn thể Giáo hội trong ngày lễ đăng quang của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha là người thao thức với đời sống đức tin thể hiện qua sự công chính. Vì thế suốt đời mục tử ngài quan tâm tới đoàn chiên nghèo khổ. Đòi công bằng cho người nghèo được nghe rao giảng Tin mừng, ngài đã nói với các linh mục: “Chúa Giêsu dậy chúng ta một phương cách khác: Hãy đi. Hãy đi chia xẻ chứng tá của các bạn, hãy đi mà giao dịch với các anh chị em, hãy đi và chia xẻ, đi và thăm hỏi. Hãy trở thành Lời Chúa bằng cả thân xác lẫn tinh thần.”
Đòi công bằng cho người nghèo được quan tâm nên Ngài đã lên án các đồng sự lãnh đạo giáo hội là đạo đức giả vì đã quên rằng Chúa Giêsu Kitô đã làm cho người phong cùi được sạch và ăn uống với phụ nữ làng chơi. Để chia sẻ với người nghèo, bản thân ngài thường đi xe buýt đến sở làm, tự nấu ăn lấy và thường xuyên thăm viếng các khu xóm nghèo nàn xung quanh thủ đô nước Argentina.
Cũng vì luôn đứng về phía người nghèo và luôn bảo vệ công lý, chống lại bất công, bất bình đẳng trong xã hội, Ngài không ngại lên tiếng chỉ trích những điều bất công, phi lý. Mark Rice-Oxley trên nhật báo The Guardian tại Anh, hôm 13/03, năm 2009, cho biết Ngài đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ernesto Kirchner, chồng của Tổng thống hiện tại của Argentina là Cristina Fernández de Kirchner, là xấu xa và bất chính khi để bất bình đẳng tại nước này gia tăng. Theo báo La Croix, Ngài đấu tranh chống nghèo đói vì Ngài coi nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền. Cũng theo bài viết này, trong một đất nước mà đối lập hầu như không tồn tại, Ngài thực sự là tiếng nói duy nhất dám đương đầu với vợ chồng Tổng thống Kirchner – người mà Ngài không ngừng chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.
Tạ ơn Chúa đã ban cho thời đại chúng ta một vị Giáo hoàng sống đức tin mãnh liệt trong đức công chính lớn lao. Chúng ta hãy đồng hành với ngài và noi gương ngài sống đức tin trong Năm Đức Tin này bằng đời sống công chính.
Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng Công Chính, xin nâng đỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt