Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”. “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
”Cứ làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10, 28).
Bài Tin mừng hôm nay, có lẽ quen thuộc đối với nhiều người. Trong đó thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”( Lc 10,20). Với câu hỏi này ta thấy Chúa Giêsu không trả lời hay hướng dẫn ông, nhưng bằng một câu hỏi, Chúa Giêsu đã cho ông thấy phải làm gì để đạt được điều ông mong muốn: ”Cứ làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10, 28). .
Trọng tâm của bài Tin mừng xoay quanh vấn đề về lòng thương xót. Người Do thái chỉ thực hiện lòng thương xót với đồng loại, chỉ gói gọn trong phạm vi dân tộc, bộ tộc và gia đình của họ. Họ nghĩ rằng như thế là thực hiện đúng lời Thiên Chúa dạy, và họ sẽ được ban ân phúc. Còn những người không thuộc dân tộc Do thái thì bị coi là dân ngoại. Đối với họ, dân ngoại không đáng được xót thương và bị khinh rẻ. Nhưng đối với luật của Thiên Chúa, thì lòng thương xót phải trải rộng ra với tất cả mọi người không phân biệt địa vị, chủng tộc, giàu nghèo…
Vậy tại sao người bị nạn trong bài Tin mừng lại không được người Do thái cứu chữa? Có giả thiết cho rằng người bị nạn là người ngoại, nhưng cũng có ý kiến nạn nhân là người Do thái, vì con đường này người Do thái thường hay lui tới. tuy nhiên, cho dù là người Do thái hay dân ngoại việc đầu tiên là phải cứu chữa. Giới lãnh đạo Do thái dạy luật rất hay, nhưng lại không thi hành. Còn người Samari, chúng ta không biết là họ có được học luật yêu thương của người Do thái hay không, nhưng thực thi lòng thương xót cách cụ thể bằng việc giúp đỡ, săn sóc tận tình cho người bị nạn.
Lạy Chúa, đã rất nhiều lần con gặp những trường hợp cần giúp đỡ, nhưng sợ bị vạ lây hay làm phiền mà con tránh sang đường khác mà đi cho yên thân. Chính lúc đó, giới luật yêu thương của Chúa đã được con cất sâu trong lý thuyết. Xin cho con cảm nếm được nỗi đau của những người xung quanh, và ước gì chính lời Chúa hôm nay đánh động và giúp con biết sống thực thi lòng thương xót với hết mọi người. Amen