Đức Can Đảm Theo Thánh Thomas Aquinas

DẪN NHẬP

Trong thần học về đời sống tâm linh, các tác giả tu đức thường đề cập đến việc thanh luyện con người để đạt tới đường trọn lành; cụ thể là rèn luyện các nhân đức. Các nhà tu đức chia các nhân đức thành hai loại: Nhân đức đối thần, gồm Tin – Cậy – Mến; và nhân đức trụ, gồm Khôn Ngoan – Công Bằng – Can Đảm – Tiết Độ. Tất nhiên, khi đi vào việc rèn luyện và thực hành, người ta không tách biệt riêng từng nhân đức để tập luyện, nhưng đan xen đồng thời các nhân đức trong việc luyện tập và hành động.

Mặt khác, việc rèn luyện các nhân đức không chỉ dành riêng cho giới“nhà tu” Kitô giáo nói chung, nhưng còn cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhân đức trụ. Ta có thể thấy việc tập luyện và thực hành các nhân đức trụ ở nơi các tôn giáo hay các dân tộc khác, tùy theo nét văn hóa của mỗi thời, mỗi điểm mà có cách nhìn nhận khác nhau.

Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi giới hạn vào một trong bốn nhân đức trụ, đó là “nhân đức can đảm” dưới nhãn quan của Thánh Thomas Aquinas: (1) Khái quát về đức can đảm, trong đó đề cập đến hành vi chính yếu và những đối tật; (2) Thành phần của đức can đảm, trong đó chỉ ra bốn khía cạnh riêng: Đại lượng, Hào phóng, Nhẫn nại và Kiên trì; (3) Hồng ân can đảm và những điều luật của đức can đảm.

I. KHÁI QUÁT VỀ ĐỨC CAN ĐẢM

1. Khái niệm

a/. Can đảm là một nhân đức (Virtus)

Trước hết, Thánh Thomas Aquinas cho rằng: ý chí con người bị ngăn trở không theo được sự ngay thẳng của trí năng (Rectitudo rationis) là vì: sự vui thú đã lôi kéo ý chí ra ngoài điều mà sự ngay thẳng của trí năng đòi buộc phải có, và khi đó, sự ngăn trở xảy đến làm cho ý chí không còn khả năng thi hành điều hợp lý nữa. Để vượt qua sự ngăn trở này, cần phải có sức mạnh (can đảm) của linh hồn để chống lại các ngăn trở này.

Tương tự như vậy, đối với phần xác của con người, con người biết chế ngự và xua đuổi các sự ngăn trở phần xác cũng cần phải có sức mạnh vật lý (can đảm). Như vậy, theo Thánh Thomas Aquinas: can đảm là một nhân đức trong tư cách cho phép con người hành động phù hợp với trí năng ngay thẳng.

b/. Nhân đức Can đảm là một nhân đức trụ (Specialis virtus)

Thánh Thomas Aquinas dựa vào câu định nghĩa của Ciceron: nhân đức can đảm là một thể cách ý thức đương đầu với các sự nguy hiểm và chịu đựng mọi khó khăn vất vả, vì thế, nhân đức can đảm được xem là một nhân đức trụ vì có thể chất nhất định (Materiam determinatam haben).

Đồng thời, nhân đức can đảm giúp mọi nhân đức khác đẩy lui các cuộc tấn công của mọi tật xấu, vì nếu ai đứng vững chống lại các cuộc tấn công nguy hiểm nhất thì họ có khả năng chống lại mọi cuộc tấn công kém hơn.

Hành vi cao nhất của nhân đức can đảm là tử đạo, khi người ta hy sinh mạng sống để theo đuổi chân lý và công lý. Vì tử đạo là chứng cớ tuyệt vời nhất của đức ái hoàn hảo: vì tình yêu Thiên Chúa và vì công lý, người ta sẵn sàng xả thân hy sinh chịu chết.

Theo Thánh Thomas Aquinas, có 3 nết xấu đối nghịch với nhân đức can đảm. Đó là sợ hãi, vô cảm (insensibility), và liều lĩnh (foolhardiness).

2. Hành động chính của đức can đảm

Thánh Thomas Aquinas coi can đảm là nhân đức giúp con người tránh làm những điều phi lý hay tội lỗi vì sợ hãi một điều gì đó, đặc biệt là sự tổn hại đến thể xác và cái chết. Do đó, đối tượng của nhân đức can đảm là sự sợ hãi và sự liều lĩnh. Vì vậy, theo Tôma, để điều hòa sự liều lĩnh thì nhân đức can đảm chủ động xông pha vào đó để điều hòa sự liều lĩnh, trong khi, việc chịu đựng phát xuất từ sự chế ngự sợ hãi. Do đó, hai hành động chính của can đảm là chịu đựng và xông pha: Chịu đựng vì chế ngự sự sợ hãi; xông pha vì điều chỉnh sự liều lĩnh. Nhưng hành động chính yếu là chịu đựng, nghĩa là vững vàng không lay chuyển giữa những gian nguy. Thực ra, chịu đựng thì khó hơn là xông pha: vì chịu đựng thì đứng vào thế của kẻ yếu, còn xông pha thì như người cường mạnh. Người chịu đựng cảm thấy nguy cơ gần kề; kẻ xông pha thì coi nguy cơ như điều hậu lai xa xôi. Chịu đựng hàm xúc thời gian lâu dài, còn tấn xông pha có thể chớp nhoáng trong giây lát.

Vậy hành động chính của nhân đức can đảm là chịu đựng, nghĩa là luôn chịu đựng và đứng vững vàng trước các nguy hiểm hơn là việc điều hòa sự liều lĩnh. Sự chịu đựng này đôi khi đi đến một cực điểm là sẵn sàng chấp nhận sự bách hại về thể xác và cái chết, như trường hợp của các thánh tử đạo.

Trường hợp tử đạo là một hành động rất can đảm. Lý do nào khiến cho họ sẵn sàng chấp nhận những cực hình về thể xác và cái chết? Động lực này phải là rất thiêng liêng và cao cả, nhờ vậy họ mới dám chấp nhận cái chết. Lý do đó chính là vì hạnh phúc vĩnh hằng cùng Thiên Chúa trên Trời. Đau đớn thể xác và cái chết là những cực hình đau khổ lớn lao đối với con người vì nó lấy đi sự sống. Vậy mà người can đảm hoan hỷ đón nhận những cực hình và chịu đựng sự đau đớn cho tới chết. Chính vì vậy, hành động cao cả nhất của can đảm chính là tử đạo, sẵn sàng hy sinh mạng sống để đeo đuổi một chân lý và công lý.

Tử đạo là chứng cớ tuyệt vời nhất của đức ái hoàn hảo, bởi vì động cơ xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và vì công lý mà người ta sẵn sàng xả thân hy sinh chấp nhận cái chết. Do đó, việc tử đạo phải xuất phát từ đòi hỏi ý niệm là người tử đạo sẵn sàng chết vì Chúa Kitô, chứ không phải chỉ chịu hành hạ thể xác mà thôi. Ví dụ, trinh nữ sẵn sàng chết để bảo vệ trinh khiết; các linh mục chết đang khi phục vụ những người bệnh truyền nhiễm hay vì lý do nào đó; một người mẹ mang thai chấp nhận hy sinh mạng sống mình để cho đứa bé sống. Còn rất nhiều hành vi can đảm tử đạo khác nữa cho thấy sức mạnh của một lý tưởng hướng về chính Thiên Chúa.

3. Những đối tật của đức can đảm

a/. Sự sợ hãi

Sự sợ hãi hay còn gọi là tính nhát đảm đối nghịch với nhân đức can đảm. Điều này được chứng tỏ qua các hành vi nhân linh. Các hành vi nhân linh phân biệt với nhau là do mục đích của mình. Đặc điểm của người can đảm là dám liều mình với các sự nguy hiểm vì điều tốt; còn kẻ sợ hãi liều mình vì điều xấu. Chẳng hạn người can đảm dám chết để bảo vệ đức tin; đang khi đó, kẻ sợ hãi dám chết để không phải chịu sự nghèo khó; hoặc chối bỏ đức tin để giữ mạng sống.[1]

Sự sợ hãi có thể gây ra một trọng tội. Bởi do sợ hãi, người ta trốn tránh một nguy hiểm đến tính mạng hay sự thiệt hại nào đó, mà làm điều gì bị cấm, hay bỏ qua một bổn phận đã được luật Chúa truyền buộc.[2] Tuy nhiên, tội có thể được giảm bớt tuỳ theo mức độ ý chí bị hạn chế do sự sợ hãi.[3]

Tóm lại, Sợ hãi là tội khi nào dẫn chúng ta đến hèn nhát né tránh tổn thương phần xác hoặc cái chết, ngược với mệnh lệnh của lý trí. Dĩ nhiên sợ hãi không phải là tội nếu chúng ta né tránh điều phải tránh, thí dụ né tránh tội lỗi. Tuy nhiên, nếu vì sợ chết hay thiệt hại nào đó mà làm điều luật cấm, hay tránh né điều mà luật Chúa đòi hỏi thì có tội. Sợ hãi giảm bớt trách nhiệm chút ít, vì nó ảnh hưởng đến tự do chọn lựa. Tuy vậy, ngay cả khi sợ hãi, người ta vẫn có thể phạm tội.

b/. Sự đe dọa

Sự không sợ thì trái với sự sợ hãi. Người nhát đảm thì sợ điều không nên sợ, còn người không sợ hãi thì không sợ điều phải sợ. Sự không sợ thì đối lập với đức can đảm. Vì hành động của nhân đức can đảm thì biết sợ một cách hợp lý, tức là được lý trí hướng dẫn; còn hành động của sự không sợ thì không như vậy.[4]

Như vậy, người không sợ là người không yêu quí sự sống và những gì liên quan đến sự sống, cũng không sợ chết hay sợ những sự dữ khác, là những điều đáng lý phải sợ. Nguyên nhân của sự không sợ là không quan tâm đến những điều tốt đẹp, quá tự tin hay ngu xuẩn.

c/. Sự liều lĩnh

– Đây là từ ngữ biểu thị một tật xấu, bao hàm cái đam mê thái quá.

– Liều lĩnh đối lập với nhân đức sức mạnh do cái thái quá của mình.

– Liều lĩnh cũng là nguyên nhân của sự tự phụ.

Người liều lĩnh lao đầu vào những nơi mà thiên thần cũng phải tránh. Họ quá liều lĩnh, bất chấp và thiếu phán đoán; họ đương đầu với các sự nguy hiểm một cách phi lý. Chính vì liều lĩnh, mà họ còn lôi kéo người khác vào sự nguy hiểm một cách bất công.

Như vậy, liều lĩnh là một tật xấu, và nó dễ dẫn đưa người ta đến hành động nguy hiểm cho chính bản thân và cho tha nhân.

II. THÀNH PHẦN CỦA ĐỨC CAN ĐẢM

A. NÓI CHUNG

Các phần của nhân đức can đảm là gì?

Như đã nói, hành động của nhân đức can đảm gồm có hai thứ, đó là xông pha vàchịu đựng. Sự xông pha đòi hỏi phải có hai điều kiện. Điều kiện trước hết có giá trị trong việc chuẩn bị: người ta phải có tinh thần chuẩn bị sẵn sàng, nghĩa là mau lẹ để xông pha. Do đó, sự tự tin làm cho tâm hồn cảm thấy tràn trề hy vọng để hoàn thành các công việc vĩ đại (có người còn gọi nó là đại lượng hay hào hiệp, tiếng anh là magnanimity). Điều kiện thứ hai có giá trị trong việc thi hành: người ta không nên giật lùi trước những dự định cao cả. Nghĩa là phải quyết tâm thực hiện điều đã khởi sự với lòng tin tưởng và đó là sự phi thường (quyết tâm thi hành bổn phận, tiếng anh là magnificence). Việc xông pha các thù địch càng lớn mạnh thì càng nguy hiểm, nên sự tự tin và sự phi thường thì cần thiết cho việc xông pha này và do đó, chúng có liên hệ với nhân đức can đảm.

Hành động thứ hai của nhân đức can đảm là chịu đựng cũng cần có hai điều kiện. Trước tiên với những khó khăn của những sự xấu đang ngăm đe, tâm hồn không được buồn rầu để rồi từ đó mà bỏ mất đi sự cao cả, do đó cần có nhân đức nhẫn nại. Điều kiện thứ hai là khi chịu khổ với các khó khăn kéo dài, để không bị mệt mỏi, chán nản mà rút lui thì người ta cần sự kiên trì. Như vậy, nhân đức nhẫn nại và nhân đức kiên trì có liên hệ với nhân đức can đảm và nó là hai thành phần nữa của đức can đảm.

Bốn điều kiện này, nếu được hạn chế trong chất thể riêng của nhân đức can đảm, chúng sẽ là các phần nguyên tuyền của nhân đức này. Nếu chỉ quy về các chất thể kém gay go hay các chất thể khó khăn, chúng sẽ là những nhân đức phân biệt với nhân đức can đảm, nối kết với nhân đức can đảm như nhân đức phụ thuộc với nhân đức chính.

Như vậy, muốn can đảm, người ta phải có các nhân đức là đại lượng, hào hiệp, nhẫn nại và kiên trì. Thí dụ, một người can đảm đôi khi được mời gọi thực hiện hành động liều lĩnh trước cái chết như trường hợp cô y tá nuôi dưỡng nạn nhân dịch tễ. Lúc này, cô cần đến lòng đại lượng và hào hiệp (Thánh Thomas Aquinas ám chỉ thi hành bổn phận với quyết tâm lớn). Tuy nhiên, đôi khi người can đảm được mời gọi chịu đựng sự hành hạ thân xác và cái chết như trường hợp tử đạo; trong trường hợp này người ta cần đến lòng nhẫn nại và kiên trì.[5]

B. NÓI RIÊNG

1. Đại lượng

a/. Trong chính đức can đảm

Nhân đức đại lượng bao hàm một tâm hồn hướng về những cái cao thượng. Người đại lượng muốn làm những điều to tát trong mọi nhân đức, bởi vì nó hướng đến cái gì đáng được vinh dự to lớn. Đại lượng là đức tính của những chính khách, những nhà hoạt động nhân đạo, nhà cải tổ xã hội, và những ai nỗ lực hoàn thành công trình to lớn. Đức tính này cho họ khả năng ứng xử một cách đúng đắn, hợp lý khi đón nhận lời tuyên dương của mọi người (không quá tự hào cũng không khiêm nhường giả tạo).[6]

Con người yêu mến sự sống của mình một cách tối đa thì cũng chạy trốn cách tối đa các sự nguy hiểm có thể gây ra chết chóc. Như vậy, nhân đức đại lượng nối kết với nhân đức can đảm trong tư cách nó làm vững chắc tâm hồn đối với một cái gì gay go. Song, khi sức mạnh để củng cố tâm hồn trong các lãnh vực ít gay go hơn thì đại lượng không liên hệ với nhân đức can đảm. Như vậy, nhân đức đại lượng là phần của nhân đức can đảm, bởi vì nó phụ thêm vào đó như nhân đức phụ thuộc với nhân đức chính.

Đại lượng đi đôi với can đảm ở chỗ giúp người ta hành động hợp lý trong những vấn đề khó khăn. Nhưng đại lượng thua kém can đảm ở chỗ đối phó với các khó khăn nhẹ hơn.[7]

b/. Trong những đối tật

– Sự tự phụ

Tự phụ, theo Thánh Thomas Aquinas, là tính kiêu căng vượt quá khả năng thực của mình.[8]Đối với ngài, tự phụ là một tội. Thánh Thomas Aquinas giải thích rằng, bởi vì bất cứ điều gì phù hợp với bản tính, được Lý Trí của Thiên Chúa (Divine Reason) sắp đặt, điều mà lý trí của con người cần phải bắt chước, thì bất cứ điều gì được thực hiện theo trí năng của con người đi ngược lại với trật tự được thiết lập một cách phổ quát thông qua các sự vật tự nhiên thì xấu xa và có tội. Ngày nay thông qua tất cả các sự vật tự nhiên, người ta xác minh rằng, mọi hành động đều phải tương xứng với khả năng của tác nhân, và cũng chẳng có tác nhân tự nhiên nào cố làm điều gì đó vượt quá khả năng của mình. Do đó, điều ấy trở nên xấu xa và có tội, xét vì trái nghịch với trật tự tự nhiên, cái mà bất bất cứ ai dám ra vẻ làm một điều gì đó vượt trên khả năng của mình: như thế đây chính là thứ được ám chỉ là sự tự phụ. Vì thế, rõ ràng tự phụ là có tội.[9]

Thánh Thomas Aquinas cũng chỉ ra rằng, người có tính tự phụ thì không nhất thiết phải là người nhắm thứ cao hơn người có tính đại lượng (magnanimous). Người có tính tự phụ là người chỉ nhắm đến mình một cách thái quá. Sự thái quá này làm lệch lạc thái độ của người tự phụ nằm ở chỗ thiếu cân đối giữa mục đích và phương tiện sẵn có cho mình để đạt được nó. Một vài người bị lầm tưởng về tính thực chất của phương tiện, xét vì những người này tự nghĩ mình thông minh hơn họ thực sự là. Người khác thì bị lầm tưởng về phẩm chất của mình, xét vì là những người tự cho mình là nhất bởi vì họ giàu có. Những người như thế nhầm tưởng phương tiện ấy (tiền bạc, sự giàu có) tự nó là sự vĩ đại.[10]

– Cao vọng

Cao vọng hay tham vọng, như Thánh Thomas Aquinas dùng ở đây, là khao khát tìm kiếm danh dự một cách thái quá, không đúng phẩm chất của mình.[11] Thánh Thomas Aquinas cho rằng, sự cao vọng cũng là một tội. Lý giải cho điều này, Thánh Thomas Aquinas cho rằng, danh dự bao hàm một sự kính trọng dành cho một người nào đó để nhìn nhận sự cao cả của họ, mà sự cao cả nơi con người hệ tại ở hai điểm:

+ (1) Người ta không lấy nguyên nhân của sự cao cả của mình tự chính mình, bởi vì nó là cái gì đó thuộc về Thiên Chúa ở nơi họ. Do đó, người ta không được tự tôn mình ở chỗ thứ nhất, nhưng phải tôn vinh Thiên Chúa;

+ (2) Người ta cần lưu ý một điều rằng, sự cao cả đó là do Thiên Chúa ban cho con người, ngõ hầu nhờ nó đem lại ích lợi cho tha nhân. Như vậy việc nhìn nhận sự cao cả của mình phải được đẹp lòng mình trong tư cách nó cho phép mình trợ giúp kẻ khác.

Như thế, sự khao khát được tôn vinh có thể nghịch lại với trật tự ở ba cách:

+ (1) Người ta ước muốn được nhịn nhận sự xuất chúng mà mình không có, đó là ước muốn danh dự không đáng được;

+ (2) Người ta khao khát danh dự cho chính mình mà không quy chiếu danh dự ấy về Thiên Chúa;

+ (3) Sự ước muốn danh dự cốt chỉ dừng lại ở danh dự, tức là để thoả mãn được tôn vinh chứ không để phục vụ tha nhân, mà sự cao vọng bao hàm việc ước muốn mất trật tự về danh dự. Như thế rõ ràng, cao vọng luôn luôn là tội.[12]

– Hư danh

Theo Thánh Thomas Aquinas: “Hư danh hệ tại tôn vinh những điều không đáng tôn vinh, hoặc nói tốt cho những người không xứng đáng. Hư danh là một tội đầu mối gây nên những thói xấu khác như không tuân phục, khoe khoang, giả hình cãi cọ, bất hòa, yêu thích mới lạ”.[13]

Đồng thời, cũng theo Thánh Thomas Aquinas: Khoe khoang là một phần của tính kiêu ngạo, nếu sự khoe khoang xuất phát từ bên trong con người, thì đó là tính ngạo mạn. Còn nếu sự khoe khoang xuất phát từ bên ngoài thì theo Thánh sư, đôi khi nó được sắp đặt đến sự lợi lộc, nhưng thường là vinh quang, danh dự, và chính như thế mà nó phát xuất từ sự hư danh.

Theo Thánh Thomas Aquinas: “Người ta quở trách sự hư danh, vì chính hư danh mà người ta làm các việc không vì đức mến, nhưng như một sự bố thí. Người ta còn thấy nơi kẻ coi sự hư danh như sự thích thú làm các việc với mục đích cho người khác thấy, muốn thể hiện sự phục vụ ra bên ngoài. Như vậy sự phục vụ chính là phương tiện để người ta tìm hư danh cho mình”.[14]

– Nhát đảm

Theo Thánh Thomas Aquinas:“người nhát đảm là người chấp nhận ở lại bên dưới khả năng của mình, bởi vì họ từ chối nhắm đến cái gì tương xứng với năng lực mình”.[15]

Trong Tin mừng (Mt 25,14 và Lc 19,12) cho thấy, do sự nhát đảm, mà người đầy tớ chôn vùi dưới đất nén bạc ông chủ đã giao phó cho mình, và đã không làm cho nó sinh lợi, nên đã bị ông chủ phạt.

Ở phần này Thánh Thomas Aquinas giải quyết hai câu hỏi như sau:

+ (1) Tính nhát đảm là tội phải không?

Theo Thánh Thomas Aquinas, mọi tội lỗi làm cho con người trở nên xấu xa, trong khi đó nhân đức làm cho con người trở nên lương thiện. Thánh sư đưa ra những giải đáp như sau:

(a). Những người xấu là những kẻ làm hại người đồng loại của mình. Theo ý này, ta có thể nói, nhát đảm không xấu, bởi vì không làm hại đến ai. Tuy nhiên, nếu họ bỏ qua các việc làm mà lẽ ra họ có thể phục vụ người khác, nhưng vì nhát đảm họ đã không làm, và như vậy họ có tội.

(b). Thánh Thomas Aquinas nói rằng, kẻ nhát đảm vẫn có khả năng thi hành những điều lớn lao tùy theo sự sắp đặt đối với nhân đức hiện hữu ở nơi họ, hoặc bằng tính tình tốt, hoặc bằng tri thức, hoặc bằng các lợi ích bên ngoài, nhưng họ đã trở nên nhát đảm, bởi vì họ từ chối không sử dụng tất cả điều đó để phục vụ nhân đức, vì thế họ có tội.

(c). Một điểm nữa, sự nhát đảm theo một cách nào đó nó xuất phát từ tính kiêu ngạo, bởi vì người ta dựa vào tính thái quá nơi tình cảm riêng mình, tình cảm này làm cho người ta xét đoán mình không có khả năng đối với các hành động mà lẽ ra người ta có mọi sự phải có. Trong sách Châm ngôn nói rằng: “kẻ lười biếng tự hào mình khôn ngoan hơn bảy người có tài đối đáp” (Cn 26,16). Bởi vì không cái gì ngăn trở người ta không tự hạ đối với một số sự vật và không nâng mình lên cao thái quá đối với các sự vật khác, và như vậy, theo Thánh Thomas Aquinas, trong trường hợp này có tội.

+ (2) Tính nhát đảm đối lập với nhân đức nào?

Theo Thánh Thomas Aquinas, tính nhát đảm xem ra xuất phát từ một sự sợ hãi. Trong sách Ngôn sứ Isaia đã nói rằng: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35,4).

Tính nhát đảm xem ra cũng xuất phát từ sự giận dữ. Trong thư Colossians, thánh Paul nhắc nhở rằng: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21).

Như vậy, theo Thánh Thomas Aquinas, sự nhát đảm đối lập với nhân đức sức mạnh, và sự giận dữ đối lập với nhân đức nhân từ.

2. Hào hiệp

a/. Trong chính đức can đảm

– Nhân đức hào phóng là một nhân đức đặc biệt

Người hào hiệp là người có tâm hồn vĩ đại. Người hào hiệp muốn thực hiện những công việc lớn lao và khó khăn, đem lại danh dự cho anh ta khi thi hành. Chúng ta thường thấy những người hào hiệp như các chính khách, những nhà hoạt động nhân đạo, nhà cải tổ xã hội và những ai nỗ lực hoàn thành công trình to lớn. Người có đức tính hào hiệp thường có khả năng ứng xử một cách đúng đắn, hợp lý khi đón nhận lời tuyên dương của mọi người. Họ không quá tự hào và cũng không khiêm tốn giả tạo. Hào hiệp đi đôi với dũng cảm giúp người ta hành động hợp lý trong những vấn đề khó khăn. Như dũng cảm trước cái chết, hào phóng trước danh dự. Nhân đức hào hiệp nhắm đến hai khía cạnh: thứ nhất là danh dự, thứ hai là mục tiêu hoàn thành công việc lớn.[16] Nhân đức hào hiệp không những thi hành những điều lớn lao cao thượng bằng việc thi hành theo nghĩa đen mà còn hướng đến thi hành cái lớn lao trong ý hướng của mình. Thánh Thomas Aquinas cho rằng, nhân đức hào hiệp muốn thi hành một công việc lớn lao được sắp đặt theo một mục đích, mà không mục đích nào trong các công việc của nhân loại được to lớn huy hoàng bằng vinh dự của Thiên Chúa.

– Nhân đức hào hiệp trong việc sử dụng của cải

Người hào hiệp sử dụng tiền bạc một cách đúng đắn và nó phát xuất từ tình yêu. Người hào hiệp sử dụng tiền bạc trong tư cách nó là phương tiện để thực hiện một công trình to tát.[17]Đây là đức tính của các nhà từ thiện và những ai rộng rãi ban phát tiền bạc, của cải. Họ không sử dụng tiền bạc rộng rãi một cách thường xuyên, mà chỉ nhắm vào những công trình lớn. Vì hành động chính của nhân đức hào hiệp là sự lựa chọn từ bên trong, cho nên, những người nghèo cũng có thể làm người hào hiệp như “đồng tiền bà góa” trong Tin Mừng Luca 15,8-10. Người nghèo không thể thực hiện hành động hào hiệp bên ngoài vì không ai cho cái mình không có.

b/. Trong các đối tật

Những nết xấu nghịch với hào hiệp[18]

– Tính tự phụ: là kiêu căng vượt quá khả năng của mình.

– Tham vọng: là khát khao tìm kiếm danh dự một cách thái quá, không đúng phẩm chất của mình.

– Hư danh: là tôn vinh những điều không đáng tôn vinh hoặc nói tốt cho những người không xứng đáng. Hư danh là một tội đầu mối gây nên những thói xấu khác như không tuân phục, khoe khoang, giả hình, cãi cọ, bất hòa,…

– Nhát đảm: là người chùn bước trước những lý tưởng cao đẹp vì tâm hồn nhút nhát.

3. Nhẫn nại

Thánh Thomas Aquinas trích dẫn tư tưởng của Thánh Augustin về đức nhẫn nại như sau:“đức nhẫn nại nơi con người làm cho họ chịu đựng các sự xấu bằng một tâm hồn thanh thản”. Như vậy, người nhẫn nại không bị rối loạn do sự buồn rầu, ngõ hầu với tâm hồn ngã lòng, họ không bỏ rơi các sự tốt làm cho họ đạt tới những sự tốt hơn. Như vậy, sự nhẫn nại là một nhân đức. Với đức nhẫn nại, khi cần thiết có thể xông pha kẻ gây nên sự xấu. Bởi vì, việc nhẫn nại trước sự lăng mạ người ta gây nên cho chúng ta thì đáng ca ngợi, nhưng việc nhẫn nại chịu đựng các sự lăng mạ người ta đưa ra chống Thiên Chúa thì thật là bất kính. Hay theo Thánh Augustin, lệnh truyền của đức nhẫn nại không trái ngược với lợi ích quốc gia vì để bảo vệ quốc gia, người ta có thể chống lại quân địch.

Nhân đức nhẫn nại là thành phần của nhân đức can đảm với tư cách là phần năng lực, bởi vì nó nối kết với nhân đức can đảm như nhân đức phụ thuộc với nhân đức chính. Quả thế, điều riêng của nhân đức nhẫn nại là chịu đựng với tâm hồn bình thản các sự xấu phát xuất từ bên ngoài. Còn trong các sự xấu thì sự xấu chính yếu và khó khăn nhất quy về những nguy hiểm gây nên chết chóc mà nhân đức can đảm liên hệ với chúng. Như vậy, trong vấn đề sự xấu, nhân đức can đảm đứng đầu và nhân đức nhẫn nại là phụ thuộc theo.

4. Kiên trì

a/. Trong chính đức can đảm

Đức kiên trì giống với đức can đảm: Kiên trì là sức mạnh kéo dài thời gian thi hành điều tốt cho tới khi hoàn thành. Nó là nhân đức khiến người ta chấp nhận những trì trệ kéo dài trong việc hoàn thành nhiệm vụ nếu như tình huống đòi hỏi. Ví dụ, sau khi gieo trồng, người nông dân biết kiên trì chờ đợi mùa gặt, mặc dù thời gian có khi kéo dài hàng năm trường. Kiên trì có liên quan đến đức can đảm, vì giống như đức can đảm, nó cũng đối phó với khó khăn.[19]

Đức kiên trì, thành phần của đức can đảm: Theo nghĩa rộng, đức can đảm được hiểu về ý chí cương quyết (sức mạnh tinh thần) để chu toàn việc bổn phận, không lùi bước trước những khó khăn hoặc không buông xuôi vì biếng nhác. Theo nghĩa chặt, đức can đảm cần thiết khi phải đương đầu với những chướng ngại trắc trở. Trong hoàn cảnh này, con người tỏ ra hùng mạnh khi ý thức chướng ngại, cân nhắc các lý do phải hành động, và cương quyết thi hành. Người có đức can đảm không hẳn là người gan dạ, liều lĩnh, lì lợm: rất có thể là họ rất sợ chết!

Như vậy, đức can đảm là nhân đức chính, bởi vì nó giữ gìn sự vững vàng trong các lãnh vực khó khăn, nguy hiểm, ngay cả cái chết. Còn đức kiên trì, theo như cách nói ở trên thì công đức của nó chỉ có khi một việc tốt được hoàn thành (xét về thời gian). Qua đó, một khi đức can đảm hoàn thành một sự việc nào đó thì đức kiên trì mới có giá trị. Như thế đức kiên trì nối kết với đức can đảm như là một nhân đức phụ thuộc, là một phần của đức can đảm.[20]

b/. Trong các đối tật

– Đối tật thứ nhất: Kiên trì đối tật với nhu nhược

Đối nghịch với kiên trì là tính nhu nhược. Theo như cách nói ở trên, công đức của nhân đức kiên trì cốt ở điều người ta không đi xa khỏi sự tốt, dầu mà người ta phải chịu đựng lâu dài các sự khó khăn, cực nhọc. Và điều đối lập trực tiếp với nhân đức kiên trì đó là việc người ta một cách dễ dàng rời bỏ sự tốt vì các nỗi khó khăn mà họ không thể chịu đựng. Chính điều này người ta qui về tính nhu nhược, vì người ta định nghĩa nhu nhược là nhường cách dễ dàng trước các sự ép. Ở đây, cũng cần lưu ý rắng, người ta không đánh giá nhu nhược như là sự nhượng bộ trước sự tấn công mãnh liệt.[21]

– Đối tật thứ hai: Kiên trì đối tật với ngoan cố

Người Ngoan cố là người cứng đầu, ương gàn, chống lại mọi người một cách thái quá, không biết nhường nhịn là gì, hoặc khi biết sự thật cũng cố tình duy trì ý kiến của mình cho tới khi chiến thắng. Như vậy, người ngoan cố là những người mạnh mẽ trong ý kiến của mình hoặc là những kẻ bám dính vào ý kiến của mình, bởi vì họ khư khư vào đó quá đáng; còn kẻ nhu nhược bám dính vào ý kiến của mình ít hơn như phải lẽ; còn kẻ kiên trì bám dính vào ý kiến của mình như phải lẽ. Vậy, rõ ràng người ta ca ngợi nhân đức kiên trì chiếm điểm trung dung, quở trách người ngoan cố, bởi vì vượt điểm trung dung, và khiển trách kẻ nhu nhược vì họ không đạt tới điểm trung dung. Thế nên, tính nhu nhược và ngoan cố là đối tật với đức kiên trì.[22]

III. HỒNG ÂN CAN ĐẢM VÀ NHỮNG ĐIỀU LUẬT CỦA ĐỨC CAN ĐẢM

1. Hồng ân can đảm

Người ta thường nói nhiều đến sự can đảm của người này người nọ, thậm chí có cả một chương trình hay nói đúng hơn là một show game về việc thử sự can đảm của người chơi. Vậy, một câu hỏi được đặt ra là sự can đảm hay nhân đức can đảm có phải là một hồng ân hay một ân huệ? Câu trả lời cho câu hỏi này chúng ta tìm thấy nhiều lập trường khác nhau.

Trước nhất là theo Thánh Gregorio cho rằng: các hành động của các ân huệ tồn tại ở quê trời như người ta trông thấy điều đó trước,[23] mà hành động tồn tại của nhân đức can đảm không tồn tại ở đó. Do đó, sự can đảm không phải là một nhân đức, bởi vì nhân đức can đảm đem lại sự tin tưởng cho kẻ run rẩy trước các nghịch cảnh, và nghịch cảnh thì không tồn tại ở quê trời.

Nhìn về vấn đề này Thánh Augustin cũng có cùng một lập trường với Thánh Gregorio. Tuy nhiên, về mặt lập luận thì Thánh Augustin trong tác phẩm “De Doctr. Christ. II, 7” cho rằng: điều riêng của nhân đức can đảm là tách rời chúng ta ra khỏi mọi sự thưởng thức gây nên sự chết được đem lại do cái gì chóng qua. Còn các sự vui mừng hoặc các sự khoái lạc khả giác liên hệ với nhân đức tiết độ hơn là nhân đức can đảm. Vậy, xem ra nhân đức can đảm không phải là một ân huệ tương ứng vơi nhân đức cùng một tên.

Còn Thánh Thomas Aquinas luận bàn về vấn đế này ra sao? Thánh Thomas Aquinas bàn giải rộng rãi về sự can đảm trong “Summa Theologiae” như sau: trước hết như một nhân đức luân lý tự nhiên[24] và thứ đến như một ân huệ của Chúa Thánh Thần.[25]

Như là một nhân đức, Thánh Thomas Aquinas theo sát Nicomachean Ethics của Aristotle. Nhưng đặc biệt như một nhân đức trụ, Thánh Thomas Aquinas vượt xa Aristotle khi coi sự can đảm như là điều bảo đảm cho sự bền vững chung của tất cả các nhân đức. Nếu các nhân đức phải là các nhân đức và nếu chúng đáng được chữa trị trong một sự sống luân lý, mỗi nhân đức phải hành động với sự vững chắc, điều này chỉ bảo đảm được nhờ nhân đức can đảm. Do đó, sự can đảm là nhân đức chính cho các nhân đức thứ phụ là tính quảng đại, vẻ lộng lẫy, tính nhẫn nại và bền chí.

Như một ân huệ của Chúa Thánh Thần, Thánh Thomas Aquinas coi sự can đảm như là một nhân đức siêu nhiên, theo những đường lối của ngôn sứ Isaia (x. Is 11,2). Trước sự kiện phần thưởng sự sống đời đời là cùng đích của mọi việc làm tốt của chúng ta và là sự giải thoát khỏi mọi sợ hãi của chúng ta, ơn sức mạnh truyền trong chúng ta một sự tin cậy để chống lại bất cứ cái gì đối với sự thù địch. Điều này rõ ràng có khi vượt trên nhân đức can đảm, bởi vì không phải do quyền phép riêng chúng ta mà chúng ta đạt tới cùng đích của công việc chúng ta hay là tránh những khó khăn tiếp sau khi đạt được nó. Thánh Thomas Aquinas theo Thánh Augustin, trong tác phẩm “De Serm. Dom. in Monte, 1”, ghi nhận sự phù hợp giữa ơn sức mạnh và phúc thứ tư: Phúc thay ai khao khát nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng (Mt 5,6). Nếu đi song song với ơn biết lo liệu của Chúa Thánh Thần, thì ơn sức mạnh là ân sủng nhất quyết theo đuổi sự thánh thiện và thiên đàng.

Trong bài phát biểu về “Regina Caeli” vào ngày hôm 14/05/1989, Đức Giáo Hoàng Gioan Paul II nhận xét: Có lẽ hôm nay hơn bao giờ nhân đức luân lý can đảm cần sự nâng đỡ của ân huệ tương ứng của Chúa Thánh Thần. Ơn can đảm là một sự thúc đẩy siêu nhiên ban sức mạnh cho linh hồn, không những trong những dịp bất thường như dịp tử đạo, nhưng cũng trong những khó khăn bình thường: trong sự đấu tranh sống nhất quán với các nguyên lý của mình, trong sự tha thứ những sự sỉ nhục và tấn công bất công, trong sự bền lòng can đảm trong con đường sự thật và công chính, bất chấp sự thiếu hiểu biết và thù địch.

Ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần không phá hủy những thăng trầm của sự sống, cũng không trừ tuyệt các cố gắng quỉ dữ. Ngược lại, ơn sức mạnh cho phép chúng ta chia sẻ trong và kiên quyết giữ vững lời Thánh Phaolô: “Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, khốn quẫn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Quả thật khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).

2. Các điều luật liên hệ với nhân đức can đảm[26]

Giao ước cũng có những hứa hẹn trần gian, còn giao ước mới, như Thánh Augustin xác định trong “Contra Faust. 4,2”, có những hứa hẹn thiêng liêng và vĩnh cửu. Như vậy, luật cũ cần thiết phải để cho dân biết chiến đấu thế nào, ngay cả việc chiến đấu để chinh phục được đất Thiên Chúa đã hứa. Còn trong giao ước mới, luật phải dạy cho nhân loại làm thế nào nhờ cuộc chiến đấu thiêng liêng, chiếm được sự sống đời đời theo lời ghi chép: “Nước trời ở dưới sự cường bạo, và những kẻ cường bạo chiếm đoạt lấy” (x. Mt 11,11). Thánh Phêrô tông đồ thì cảnh cáo nhân loại: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Còn Thánh Giacôbê nói: “Hãy chống lại ma quỷ, và nó sẽ chạy trốn anh em” (Gc 4,7). Tuy nhiên, bởi vì nhân loại hướng về các của cải thiêng liêng có thể bị quay đi khỏi chúng nó do các sự nguy hiểm thể xác, hẳn cũng phải đưa ra trong luật Thiên Chúa các điều luật về nhân đức sức mạnh, ngõ hầu một cách can đảm, chịu đựng các sự xấu trần gian theo lời ghi chép trong Tin Mừng Matthew như sau: “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác” (Mt 10,28).

Do các điều luật của mình, luật phải dạy dỗ mọi người. Nhưng, cái gì phải làm trong cơn nguy hiểm không thể quy về một quy tắc chung, như điều người ta phải tránh. Do đó, các điều luật liên hệ với các nhân đức can đảm đã được vạch ra theo hình thức cấm chếhơn là hình thức chế định. Như đã nói ở trên, các điều luật trong Mười Điều Răn đã được đặt ra trong luật như các nguyên lý sơ thủy đã được mọi người hiểu biết cách tự nhiên. Như vậy, nó có mối liên hệ với các hành động của nhân đức công bình, ở đó yếu tính của nợ nần hiển hiện, chứ không phải liên hệ với các hành động của ân huệ can đảm. Bởi lẽ, việc không sợ hãi các nguy hiểm gây ra sự chết chóc là món nợ thì không thấy được rõ ràng lắm.

3. Các điều luật liên hệ với các phần của nhân đức can đảm[27]

Nhân đức đại lượng và nhân đức độ lượng quy về giống của nhân đức can đảm chỉ vì sự hơn trong sự to lớn liên hệ với chúng nó về chất thể riêng. Còn cái gì quy về một sự hơn, thì nằm trong các lời khuyên của sự hoàn hảo hơn là nằm trong các điều luật cần thiết cho sự cứu rỗi. Do đó, về nhân đức đại lượng và nhân đức độ lượng, người ta không nên đưa ra các điều luật, nhưng chỉ đưa ra các lời khuyên. Như vậy, những sự đau buồn và khó nhọc của đời sống hiện tại quy về nhân đức nhẫn nại và nhân đức kiên trì, vì bản tính của chúng.

Như chúng ta đã nói trên, các điều luật chế định, chúng nó không bắt buộc mọi lúc, nhưng theo nơi chỗ và thời gian. Do đó, cũng như các điều luật chế định đã đưa ra cho các nhân đức khác phải được lãnh nhận về việc chuẩn bị tâm hồn. Theo nghĩa này, con người phải sẵn sàng để hoàn thành khi phải hoàn thành, và các điều luật liên hệ với nhân đức nhẫn nại cũng vậy.

Nhân đức can đảm, trong tư cách nó phân biệt với nhân đức nhẫn nại và với nhân đứckiên trì, liên hệ với các mối nguy hiểm trầm trọng nhất, mà trong các nguy hiểm này người ta phải hành động với nhiều đề phòng, mà không phải định rõ trong chi tiết phải làm gì. Còn nhân đức nhẫn nại và nhân đức kiên trìliên hệ với các sự đau buồn và các nỗ lực nhẹ hơn. Do đó, người ta định rõ cho chúng nó bằng một cách không có nguy hiểm nào, cái gì phải làm, nhất là trong những nét lớn.

KẾT LUẬN

Như chúng tôi vừa trình bày ở trên, Thánh Thomas Aquinas cho thấy, công dụng chính yếu của nhân đức can đảm hệ tại ở việc ngăn ngừa chúng ta làm điều phi lý hay tội lỗi; và đó cũng chính là điều mà bất kỳ người Kitô hữu nào cũng cần phải có nếu muốn hoàn thành trọn vẹn cuộc sống lữ hành. Không chỉ cho ta thấy việc cần thiết của nhân đức can đảm, Thánh Thomas Aquinas còn cho thấy rõ hơn bản chất thực sự của đức can đảm, đồng thời chỉ ra những nết xấu trái nghịch làm lu mờ hay tiêu diệt đức can đảm. Từ đó, giúp chúng ta hiểu và cố gắp tập luyện bản thân để có thể thực hành đức can đảm cách tốt nhất trong cuộc sống thường ngày.

Dẫu vậy, Thánh Thomas Aquinas còn chỉ ra rằng, trên hết, để có được nhân đức can đảm, điều cốt yếu là do bởi nơi Thiên Chúa ban, đó là quà tặng của Thánh Thần. Con người cần nhận biết và cộng tác với Thiên Chúa trong mọi cảnh huống cuộc đời. Chính nhờ ơn can đảm, người Kitô hữu mới có thể vượt qua được bước đường chông gai ngay thực tại trần thế để tiến đến quê trời.

Nguồn Học Viện Đaminh


[1] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q.125, a.2.

[2] Ibid., II-II, q.125, a.3.

[3] Ibid., II-II, q.125, a.4.

[4] x. Ibid., II-II, q.126, a.2.

[5] x. Edward J. Gratsch, Aquinas’s Summa. Bản Việt ngữ: Edward J. Gratsch, Tóm Lược Tổng Luận Thần Học Của Thánh Tôma Aquinô, Toma Trần Ngọc Túy, OP. và Nguyễn Đức Hòa, OP. chuyển ngữ (Sài Gòn: TTHVĐM, 2009-2010), tr. 228.

[6] x. Ibid., tr. 29.

[7] x. Ibid., tr. 29.

[8] x. Ibid., tr. 229.

[9] x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, 130, I.

[10] x. Etienne Gilson, The Christian Philosophy of St. Thomas Aquinas (Notre Dame: Random House, 2006), tr. 292.

[11] x. Edward J. Gratsch, Aquinas’s Summa. Bản Việt ngữ: Edward J. Gratsch, Tóm Lược Tổng Luận Thần Học Của Thánh Tôma Aquinô, Toma Trần Ngọc Túy, OP. và Nguyễn Đức Hòa, OP. chuyển ngữ (Sài Gòn: TTHVĐM, 2009-2010), tr. 229

[12] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, 131, I.

[13] x. Edward J. Gratsch, Aquinas’s Summa. Bản Việt ngữ: Edward J. Gratsch, Tóm Lược Tổng Luận Thần Học Của Thánh Tôma Aquinô, Toma Trần Ngọc Túy, OP. và Nguyễn Đức Hòa, OP. chuyển ngữ (Sài Gòn: TTHVĐM, 2009-2010), tr. 229.

[14] x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, tập 5, Trần Ngọc Châu chuyển ngữ, tr. 253-254.

[15] x. Ibid., tr. 256.

[16] x. Edward J. Gratsch, Aquinas’s Summa. Bản Việt ngữ: Edward J. Gratsch, Tóm Lược Tổng Luận Thần Học Của Thánh Tôma Aquinô, Toma Trần Ngọc Túy, OP. và Nguyễn Đức Hòa, OP. chuyển ngữ (Sài Gòn: TTHVĐM, 2009-2010), tr. 228-229

[17] x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, Q II, P II, tập 5 (Không rõ dịch giả và năm xuất bản), tr. 267-268.

[18] x. Edward J. Gratsch, Aquinas’s Summa. Bản Việt ngữ: Edward J. Gratsch, Tóm Lược Tổng Luận Thần Học Của Thánh Tôma Aquinô, Toma Trần Ngọc Túy, OP. và Nguyễn Đức Hòa, OP. chuyển ngữ (Sài Gòn: TTHVĐM, 2009-2010), tr. 229.

[19] x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 137.A

[20] x. Ibid., II-II, q. 137.

[21] x. Ibid., II-II, q. 138.

[22] x. Ibidem.

[23] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, Q. 68, a.6.

[24] Ibid., II-II, q. 123.

[25] Ibid., II-II, q. 139.

[26] x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, Q II, P II, tập 5 (Không rõ dịch giả và năm xuất bản), tr. 309-311.

[27] Ibid., tr. 311-313.

Comments are closed.