“Xuân sang hoa tươi màu,
Đàn chim tung cánh chào.
Hương xuân bay phương nào
Từng cơn gió xôn xao”.[1]
Xuân đã về trên khắp đất trời, xuân đã đến trong tâm hồn mỗi người con dân nước Việt. Mọi người cùng nhau tiễn Ất Mùi và đón Bính Thân trong náo nức mừng vui. Người ta nói “vui như tết” quả là đúng!
Trong một năm, “Tết đầu năm là quan trọng nhất. Xưa người Việt Nam gọi là Tết Cả để phân biệt với các tết còn lại; thời giao lưu với Trung Hoa nó được gọi theo âm Hán-Việt là Tết Nguyên Đán. Đến thời giao lưu với văn hóa Tây phương, nó được gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Tây vào ngày đầu năm dương lịch. Tuy bị lệ thuộc vào Tàu gần 1000 năm và chịu ảnh hưởng trong việc xác định mốc đầu năm, nhưng Tết Ta vẫn mang trọn vẹn đặc trưng văn hóa truyền thống của người Việt Nam”[2]. Tết Nguyên Đán đã trở thành một nét văn hóa cổ truyền dân tộc quý giá mà chúng ta hãnh diện gìn giữ luôn mãi dù trên quê nhà hay nơi xứ người.
Dân ta vẫn gọi là “Ăn Tết” như thể diễn tả sự an nhàn thư thái sau một năm vất vả lao nhọc. Mọi người đều chuẩn bị kỹ lưỡng để có một cái Tết chan hòa niềm vui, đằm thắm ân tình và no đủ. Ở thôn quê mọi người lo Tết từ mấy tháng trước: nuôi cá, nuôi gà, vỗ béo lợn bò, trồng hoa, chăm sóc mai đào. Ngày Tết đầy hương vị với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” nên từ những ngày đầu tháng Chạp, người dân đã tất bật muối dưa hành, củ kiệu, sau đó làm món thịt đông, giò thủ, gói bánh chưng, bánh tét… để mâm cơm ba ngày xuân trong gia đình đầy ắp những món ăn thuần Việt. Không khí tết thực sự bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa ông Táo về trời. Mọi người cùng nhau trang hoàng nhà cửa cho sạch đẹp, ngăn nắp và tươm tất. Phụ nữ thì háo hức đi chợ mua quần áo mới, thực phẩm, hạt dưa, bánh mứt, nhất là những đóa hoa, chậu bông, dưa hấu và mâm ngũ quả để trưng bày trong nhà. Ngoài việc tô đẹp bề ngoài, người dân còn làm mới cả tinh thần bên trong, anh chị em xa hay bà con láng giềng gần dù có những hiềm khích bất hòa cũng cố gắng bỏ qua cho nhau. Mọi người niềm nở hỏi nhau “Năm nay nhà bác ăn tết lớn không?”. Còn xã hội thì chung tay chăm lo cho người nghèo có được một cái tết an vui no ấm.
Tết đến là dịp quý giá nhất để con cháu đoàn tụ, sum vầy đông đủ bên ông bà cha mẹ. Tết Nguyên Đán thực sự là Tết sum họp đầm ấm trong mỗi gia đình. Những người xa xứ, xa quê trở về để đón xuân với gia đình và làng xóm láng giềng. Đặc biệt, những người con của đất Việt ở nước ngoài vẫn nhớ đến sự thiêng liêng và ấm áp của những ngày đầu xuân, cùng nhau tổ chức mừng xuân theo điều kiện cho phép hoặc nếu có thể, trở về quê nhà để ăn tết với gia đình và người thân của mình. Ngày Tết còn là cơ hội quý báu để ông bà cha mẹ giáo dục con cháu về lễ nghĩa gia phong, về những tập tục và văn hóa dân tộc.
Với truyền thống từ bao đời nay, ngày xuân còn là ngày ân tình, con cháu biểu lộ lòng biết ơn và thành kính trước công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, học trò tri ân thầy cô, người thụ ơn nhớ đến người làm ơn cho mình. Vì thế, dân ta đã có tục gửi Tết, biếu Tết. “Con cháu biếu tết ông bà cha mẹ, học trò biếu tết thầy cô, kẻ dưới biếu tết bề trên, con bệnh biếu tết thầy lang… Quà biếu thường chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tấm chân thành thật là đáng kể”[3].
Đặc biệt, ngày xuân là ngày của niềm vui và sự mới mẻ, là ngày sinh nhật của tất cả mọi người. Nàng Xuân thổi một làn sức sống tươi trẻ trên con người và cảnh vật. Tết về mai đào nở rộ muôn nơi; huệ, cúc, lan, thủy tiên, hướng dương đua nhau khoe sắc thắm. “Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình hoa như đang đắm say ru hồn lòng ta, Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình hoa, ý xuân chan hòa”[4]. Mọi người rạng rỡ nụ cười khi đi chợ Tết, chợ hoa, khi dự lễ hội, khi đến nhà thờ, chùa chiền, đặc biệt khi gặp gỡ chúc xuân nhau. Các em nhỏ vui biết bao khi nhận được bao lì xì đỏ hồng.
Ngày xuân gặp nhau, ai cũng nói chuyện vui, kể cho nhau những điều đẹp của năm cũ và những niềm mơ ước trong năm mới. Tất cả đều hy vọng một năm mới đổi thay tốt đẹp hơn năm cũ để người người, nhà nhà tươi vui hưởng nhiều Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Từ niềm hy vọng ấy, mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp nhất:
“Xuân xuân về vui nắng tràn dâng cho dân làng lúa nặng thêm bông, cho vườn cây xanh trái đơm hoa.
Xuân xuân về trai gái mừng vui, xuân lên chùa ước nguyện tình duyên cho ngày sau duyên sẽ nên đôi, anh và em sống bên nhau suốt đời.
Xuân xuân về cho bé tuổi thêm, bé đến trường bé học điều ngoan, vui tuổi thơ chóng lớn mau khôn, mai ngày sau sống cho nước nhà.
Xuân xuân về nâng chén ngày vui cho muôn nhà cuộc sống đẹp tươi. Xuân xuân về ta chúc đầu năm, Xuân xuân về rộn ràng quê ta.
Xuân xuân về ta chúc đầu năm, chúc ông bà mãi cùng cháu con, cha mẹ vui bên lũ con ngoan, ước mẹ cha mãi bên ta suốt đời”[5].
“Xuân tới đây với muôn ngàn thiết tha, chúc trần gian năm nay được thuận hòa, với một năm xuân vui vẻ đậm đà, cùng xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua”[6].
Niềm vui xuân còn rất đỗi đặc biệt với người Kitô hữu – “Ngày đầu xuân dâng lên Chúa lời kinh của gia đình, mong ước đời an bình, mong Ngài ban muôn ơn cho người con yêu thương, cho những người mà con yêu thương”[7]. Vì xác tín vào Thiên Chúa là chủ tể thời gian và sự sống, mọi phúc lộc đều xuất phát từ Ngài nên người Công giáo quây quần bên vị mục tử trong giáo đường để dâng Chúa lời tạ ơn và mọi nguyện ước trong năm mới. Ngày Tết được tăng thêm hương vị qua những lễ nghi phụng vụ. Thánh lễ Mồng Một cầu bình an cho năm mới, Mồng Hai kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, Mồng Ba thánh hóa công ăn việc làm. Nhờ việc hội nhập văn hóa vào các nghi lễ ba ngày tết mà niềm vui xuân của chúng ta vừa thánh thiêng, an bình vừa ấm áp ân tình trong cả cộng đoàn giáo xứ.
Người Kitô hữu ý thức, xuân đất trời sẽ qua đi nhưng xuân lòng người còn mãi, người với người sống với nhau, vui với nhau, làm điều tốt cho nhau cả một mùa xuân cuộc đời. Vì thế, trước khi chúc tuổi nhau thì ta đã cầu nguyện cùng Chúa cho nhau: “Xin dâng Chúa xuân này, mùa hạnh phúc bao ngày, Chúa ban dư đầy thánh ân của Ngài để xuân mãi ở lại đây. Con mong ước chân thành, người người sống an lành, ngày xuân thắm ân tình và thiết tha như lời kinh”[8]. Trong Chúa Xuân, những lời ta chúc cho nhau xuất phát từ cái tâm lương thiện và tấm lòng chân thành thực sự muốn điều tốt cho nhau, chứ không phải là lời sáo ngữ nơi đầu môi chót lưỡi hoặc chỉ mang tính xã giao. Trong Chúa Xuân, ta sống với nhau hiền hòa, đắm thắm và yêu thương nhau suốt cả một năm trời.
Ngày đầu xuân có Chúa thì cả một năm ta an bình tiến bước, vì:
“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân
Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”. (Tv 65,12).
Chúng ta hãy để Chúa quan phòng lo liệu tất cả. Ngài sẽ đong cho ta đầy hạnh phúc, gói cho ta trọn niềm yêu thương, giữ cho ta mãi bình an và thắt chặt ta với Ngài. Trong Chúa xuân, ta chúc nhau bao điều tốt đẹp thì cũng nhờ Ngài, ta có một bầu trời hy vọng, một biển cả niềm tin, một đại dương tình mến, một điệp khúc tạ ơn. Vậy trong năm mới này, ta hãy dành 365 ngày để yêu thương và làm điều tốt cho nhau, dành 8.760 giờ để giữ tâm hồn tươi vui, dành 525.600 phút để xây dựng sự thuận hòa trong gia đình và cộng đoàn.
Đaminh Nguyễn Văn Thành – K6
[1] Dâng Chúa mùa xuân của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy
[2] TRẦN NGỌC THÊM, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2006
[3] TOAN ÁNH, Tìm hiểu phong tuc Việt Nam qua Tết lễ hội hè, Nxb. Văn nghệ TP. HCM, 2004
[4] Cánh Bướm Vườn Xuân, nhạc ngoại quốc lời Việt
[5] Xuân Quê Ta của nhạc sĩ Nhật Trung
[6] Tâm Sự Ngày Xuân của nhạc sĩ Hoài An
[7] Đầu Xuân cầu cho gia đình của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy
[8] Lễ dâng mùa xuân của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy