Sáng hôm nay, thứ năm ngày 22 tháng 5 năm 2014, toàn thể gia đình Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã quy tụ tại nhà nguyện Đại Chủng Viện để dâng thánh lễ đặc biệt: Cầu nguyện cho Tổ Quốc, cho quốc thái dân an, trước nguy cơ Trung Quốc đang xâm lấn biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha Giuse, Giám đốc Đại Chủng Viện đã kêu mời mọi người cùng sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình của đất nước, đáp lại lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như lời kêu gọi của Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc. Ngài mời gọi cộng đoàn Đại Chủng Viện cậy nhờ vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa và tin tưởng, cậy trông, phó thác đất nước Việt Nam trong sự bảo bọc, che chở của Mẹ Maria.
Đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua một lịch sử dài với nhiều lần bị các cường quốc xâm chiếm và đô hộ nhưng ý chí quật cường của tổ tiên đã anh dũng đứng lên bảo vệ đất nước. Trước nguy cơ Trung Quốc đang xâm chiếm biển Đông thuộc lãnh hải Việt Nam, các chủng sinh cũng không thể đứng ngoài cuộc với vận mệnh của đất nước. Và phương thức thích hợp, hữu hiệu nhất trong lúc này, như lời mời gọi của Đức cha chủ tế thánh lễ là cầu nguyện. Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia được khôn ngoan, sáng suốt tìm kiếm giải pháp tốt đẹp nhất nhằm tránh nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho Hàng Giám mục Việt Nam được tràn đầy Thánh Thần để chèo lái con thuyền Giáo Hội Việt Nam, hướng dẫn đoàn tín hữu Việt Nam trong những khó khăn của thời cuộc. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể không dành cho những người chưa nhận ra chân lý, công bằng. Xin cho họ biết yêu mến công lý và hòa bình để luôn mưu cầu cho hạnh phúc cho các quốc gia, các dân tộc, vì mọi người đều là con một Cha trên trời.
Trong bài giảng lễ, Cha phó Giám đốc Giuse đã gợi lại tấm gương của hoàng hậu Étte khi dân tộc Do Thái của bà đứng trước cơn bách hại, tàn sát của tướng Haman. Bà kêu cầu cùng Chúa thương giải thoát dân tộc bà khỏi tai họa : “Hoàng hậu Étte khắc khoải lo âu đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu, bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt, thay vì trang điểm trau chuốt, bà để cho tóc xõa rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa” (Et 4,17k). Cầu nguyện cho quê hương, đất nước luôn là bổn phận của mỗi người tín hữu, là trách nhiệm đối với nền hòa bình của dân tộc. Và hòa bình không chỉ là hoàn cảnh bên ngoài im vắng tiếng súng hay vắng bóng giặc ngoại xâm nhưng trên tất cả và trổi vượt hơn vẫn là tâm hồn hòa bình, tâm hồn bình an có Chúa và trong Chúa. Đó mới là một nền hòa bình đích thực và viên mãn.
Tiếp nối nghĩa cử của hoàng hậu Étte, chúng ta cùng hiệp thông bằng lời cầu nguyện để mong ước cho hòa bình luôn tràn ngập trên quê hương đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới. Nhưng quan trọng hơn đây cũng là dịp để chúng ta biết hòa giải với Thiên Chúa và với nhau qua bí tích Giao Hoà. Tâm hồn có Chúa thì luôn bình an. Trước những khó khăn và thử thách, người môn đệ Đức Kitô không cô đơn, nhưng luôn xác tín vào sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh trong cuộc đời. Dân tộc Việt Nam đang đối diện với khó khăn trong việc gìn giữ chủ quyền của đất nước, chúng ta tin Đức Kitô Phục Sinh vẫn đang hiện diện trong thế giới này để biến đổi lòng người và trao ban bình an của Ngài cho nhân loại.
Thánh lễ cầu nguyện cho Tổ Quốc hôm nay còn kéo dài trong suốt ngày sống bằng việc ăn chay, sám hối, tiết giảm chi tiêu, lần hạt mân côi và chầu Thánh thể với mong muốn cho quê hương được hòa bình và trong mỗi tâm hồn luôn được bình an và hoan lạc trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Ban Biên Tập