Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ – Gặp Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ:
“Chúng ta là những người cổ võ cho nền văn hoá gặp gỡ và đối thoại”
WHĐ (25.09.2015) – Sáng 23-09, sau cuộc gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ chính toà St. Matthew của Tổng giáo phận Washington, gặp gỡ các giám mục Hoa Kỳ.
Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã có bài nói chuyện với các giám mục. Toàn văn như sau:
Thưa anh em Giám mục,
Tôi vui mừng vì chúng ta được gặp nhau vào thời điểm này trong sứ vụ tông đồ đã đưa tôi đến đất nước của anh em. Xin cảm ơn Đức hồng y Wuerl và Đức Tổng giám mục Kurtz đã phát biểu, lời lẽ thật ân cần. Tôi rất cảm kích anh em đã chào đón tôi và hết lòng lo liệu việc lên chương trình và sắp xếp những ngày tôi ở đây.
Khi tay bắt mặt mừng gặp gỡ anh em, tôi ước ao được giang rộng tay ôm tất cả các Giáo hội địa phương mà anh em là mục tử, đang thực thi trách nhiệm yêu thương. Xin anh em chia sẻ với Dân Chúa trên khắp đất nước rộng lớn này lòng quý mến và sự gần gũi trong tinh thần của tôi.
Trái tim của Giáo hoàng đang mở toang để đón từng người vào đó. Làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa là trung tâm sứ vụ được trao phó cho Người Kế vị của Thánh Phêrô, Vị Đại diện của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá đã ôm lấy toàn thể nhân loại. Xin đừng để một phần tử nào của Thân Mình Chúa Kitô và nhân dân Hoa Kỳ lại thấy mình bị loại ra khỏi vòng tay của Giáo hoàng. Bất cứ nơi nào nói đến Danh Chúa Giêsu, thì nơi đó cũng nghe được lời khẳng định của Giáo hoàng: “Người là Đấng Cứu thế”! Từ các thành phố lớn ven biển đến vùng bình nguyên miền Trung Tây, từ sâu dưới miền Nam vươn xa đến miền Tây, ở đâu có đoàn dân của anh em quy tụ thành cộng đoàn Thánh Thể, thì xin cho Giáo hoàng không chỉ được xướng tên trong thánh lễ mà còn thấy đang hiện diện và duy trì lời nài xin của Hiền Thê: “Lạy Chúa, xin ngự đến!”
Bất cứ lúc nào một bàn tay chìa ra để làm việc lành hoặc để chỉ cho thấy tình yêu của Đức Kitô, để lau khô nước mắt hoặc mang lại sự nâng đỡ cho người cô đơn, để chỉ đường cho một người lạc lối hoặc an ủi một cõi lòng tan nát, giúp đỡ những người sa ngã hoặc dạy bảo những ai đang khát khao chân lý, để tha thứ hoặc mang đến một khởi đầu mới trong Chúa…, thì lúc đó cũng nhận ra rằng Giáo hoàng luôn ở bên và ủng hộ anh em. Giáo hoàng đặt bàn tay mình vào bàn tay anh em, một bàn tay đã nhăn nheo vì tuổi tác, nhưng nhờ ơn Chúa vẫn còn có thể nâng đỡ và khích lệ.
Lời đầu tiên tôi muốn nói với anh em là tạ ơn Thiên Chúa vì sức mạnh của Tin Mừng đã làm cho Giáo hội của Chúa Kitô được tăng trưởng đáng kể trên mảnh đất này và đã đóng góp quảng đại, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, cho xã hội Hoa Kỳ và thế giới. Xin hết lòng cảm ơn anh em đã quảng đại liên đới với Toà Thánh và đã giúp vào công cuộc loan truyền Tin Mừng tại nhiều vùng trên thế giới đang chịu đau khổ. Tôi trân trọng sự dấn thân không mệt mỏi của Giáo hội tại Hoa Kỳ về vấn đề sự sống và gia đình, đây là lý do chính cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi biết rõ anh em đã rất nỗ lực trong việc đón tiếp và cởi mở nhận các di dân vẫn đang hướng đến Hoa Kỳ, như nhiều người khác trước họ, với hy vọng được hưởng phúc sống tự do và thịnh vượng. Tôi cũng trân trọng những nỗ lực của anh em trong việc chu toàn sứ mệnh giáo dục của Giáo hội tại các trường học ở mọi cấp và qua các hoạt động bác ái do rất nhiều tổ chức của anh em mang lại. Những công việc này luôn được thực hiện mà không màng tiếng khen hay nhận sự hỗ trợ nào, chỉ với lòng hy sinh anh hùng, trong niềm vâng phục lệnh truyền của Chúa mà chúng ta không được bất tuân.
Tôi cũng biết lòng quả cảm của anh em khi đối mặt với những lúc khó khăn trong lịch sử gần đây của Giáo hội tại đất nước này, không sợ tự phê bình và chấp nhận trả giá bằng tủi nhục, hy sinh lớn lao. Anh em cũng không sợ phải gạt bỏ những gì không chính yếu để khôi phục thẩm quyền và sự tin tưởng mà các thừa tác viên của Đức Kitô được yêu cầu và được tín hữu kỳ vọng một cách chính đáng. Tôi biết anh em đã gánh chịu biết bao đau khổ những năm gần đây chất lên anh em và tôi đã ủng hộ quyết tâm rất lớn của anh em trong việc chữa lành các nạn nhân – với ý thức khi chữa lành, chính chúng ta cũng được chữa lành – và làm hết sức để bảo đảm những tội ác như thế không bao giờ tái diễn.
Tôi nói với anh em trong tư cách giám mục Roma, được Chúa kêu gọi lúc tuổi đã già, và từ miền đất cũng thuộc châu Mỹ, để trông nom sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ và lấy lòng bác ái mà khích lệ cuộc hành trình của các Giáo hội địa phương hướng đến nhận biết, tin tưởng và yêu mến Chúa Kitô ngày một nhiều hơn lên. Đọc tên anh em, nhìn gương mặt anh em, biết tầm vóc của tinh thần Giáo hội nơi anh em, đồng thời hiểu được niềm mến mộ của anh em đối với Người Kế vị Thánh Phêrô, tôi phải thốt lên với anh em rằng tôi không thấy xa lạ khi ở giữa anh em. Tôi sinh ra tại một đất nước cũng rộng lớn, với những đồng cỏ bao la bát ngát, một đất nước cũng như đất nước anh em đã lãnh nhận đức tin từ các vị thừa sai đi khắp đó đây. Tôi cũng biết khó khăn biết bao khi gieo Tin Mừng cho những người thuộc những thế giới khác, với cõi lòng thường đã bị chai đá vì những thử thách trong cuộc hành trình dài. Không phải tôi không biết đến những nỗ lực qua nhiều năm tháng để xây dựng Giáo hội giữa những đồng cỏ, núi đồi, các thành phố và ngoại ô của một miền đất thường không thân thiện, ở đó các đường ranh giới luôn tạm bợ và không có những giải pháp dễ dãi. Điều cần làm là phối hợp nỗ lực anh hùng của các nhà khai phá với sự khôn ngoan bình dị và sự bền bỉ của các cư dân. Như một nhà thơ của anh em đã viết “đôi cánh mạnh mẽ và không hề mệt mỏi” phối hợp với minh triết của người “biết rõ các ngọn núi”.
Tôi không nói với anh em bằng tiếng nói đơn độc của mình, nhưng trong sự liền mạch với những phát biểu của các vị tiền nhiệm. Từ khi đất nước này được khai sinh, sau cuộc cách mạng Mỹ, giáo phận đầu tiên được thành lập tại Baltimore, Giáo hội Roma luôn gần gũi với anh em; anh em chưa bao giờ thiếu sự trợ giúp và khích lệ của Roma. Trong những thập niên gần đây, ba vị Giáo hoàng đã đến thăm anh em và để lại di sản giáo huấn đáng kể. Huấn từ của các vị vẫn hợp thời và thúc đẩy anh em đề ra những mục tiêu lâu dài cho Giáo hội tại đất nước này.
Tôi không có ý định đề nghị một kế hoạch hoặc gợi ý một chiến lược. Tôi không đến để xét đoán hay dạy bảo anh em. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào tiếng nói của Đấng “dạy mọi điều” (Ga 14,26). Cho phép tôi, với tự do của tình yêu, nói với anh em chỉ như một người anh em giữa các anh em. Tôi không có ý muốn nói với anh em phải làm gì, vì tất cả chúng ta đều biết những gì Chúa yêu cầu chúng ta. Vì vậy tôi muốn một lần nữa trở lại với nhiệm vụ đang đặt ra – tuy đã xưa nhưng vẫn mới – là tìm kiếm những con đường chúng ta cần phải đi và tinh thần chúng ta cần có để làm việc. Dù thấy mình bất toàn, tôi cũng xin chia sẻ với anh em đôi điều suy nghĩ có thể coi là hữu ích đối với sứ vụ của chúng ta.
Chúng ta là giám mục của Giáo hội, là mục tử được Thiên Chúa chỉ định chăn đoàn chiên của Ngài. Niềm vui lớn nhất của chúng ta là được làm những người chăn chiên, và chỉ chăn chiên mà thôi, được làm mục tử với trái tim không bị phân chia và biết tận tụy quên mình. Chúng ta cần gìn giữ niềm vui này và đừng bao giờ để mình bị cướp mất. Ma quỷ đang gầm thét như sư tử, tìm cách cắn xé niềm vui đó, làm nhụt chí hướng chúng ta là những người đã được kêu gọi không phải để sống cho mình, nhưng hiến thân phụng sự “Vị Mục tử chăn dắt linh hồn chúng ta” (1 Pr 2,25).
Cốt tủy của căn tính chúng ta được tìm thấy trong việc cầu nguyện không ngừng, trong rao giảng (Cv 6,4) và qua việc chăn đoàn chiên được trao cho chúng ta chăm sóc (Ga 21,15-17; Cv 20,28-31).
Việc cầu nguyện của chúng ta không phải thế nào cũng được, mà phải gắn bó mật thiết với Đức Kitô, qua đó hằng ngày chúng ta được gặp Người và cảm nhận lời Người đang hỏi chúng ta: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3,31-34). Chúng ta có thể thanh thản đáp lời Người: “Lạy Chúa, đây là mẹ của Chúa, đây là anh em Chúa! Con trao lại cho Chúa những người Chúa đã giao phó cho con”. Chính sự kết hiệp tín thác đó với Đức Kitô nuôi dưỡng sự sống của người mục tử.
Không phải cứ lấy những giáo thuyết phức tạp mà rao giảng, nhưng là vui tươi loan báo Đức Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng ta. “Phong cách” sứ vụ của chúng ta cần làm cho các thính giả cảm nhận ý nghĩa sứ điệp chúng ta rao giảng là “cho chúng ta”. Mong sao lời Chúa mang lại ý nghĩa và sự sung mãn cho mọi khía cạnh cuộc sống của họ; mong sao các bí tích dưỡng nuôi họ bằng lương thực họ không tìm đâu được; mong sao sự gần gũi của các mục tử khơi lên cho họ niềm khao khát vòng tay của Chúa Cha. Hãy lo cho đoàn chiên luôn gặp được nơi trái tim người mục tử “hương vị của sự sống đời đời” mà họ không tìm được nơi những sự thế gian. Mong sao đoàn chiên luôn nghe được anh em nói lời trân trọng những cố gắng của họ nhằm kiến tạo trong tự do và công lý nền thịnh vượng tràn đầy trên đất nước này. Đồng thời, mong cho anh em không bao giờ để mất sự thanh thản kiên cường để nói lên rằng “chúng tôi phải làm việc không nhằm kiếm lương thực mau hư, nhưng tìm lương thực trường tồn mang lại sự sống đời đời” (Ga 6,27).
Các mục tử là những người không tự mình chăn chiên nhưng biết lùi lại đằng sau, rời khỏi vị trí trung tâm, “giảm bớt lại”, để cùng với Đức Kitô nuôi nấng gia đình của Chúa. Là những người luôn để mắt canh chừng, đứng trên cao dùng đôi mắt của Thiên Chúa mà quan sát đoàn chiên thuộc về mình. Là những người vươn lên tầm cao của thập giá Con Thiên Chúa, điểm nhìn duy nhất giúp mục tử nhìn thấy trái tim của đoàn chiên mình.
Các mục tử là những người không hạ thấp tầm nhìn, chỉ bận tâm những điều chúng ta quan tâm, nhưng luôn vươn tầm nhìn hướng đến những chân trời Thiên Chúa mở ra phía trước chúng ta, vượt khỏi những gì chúng ta có thể hoạch định hoặc lên chương trình. Là những người biết nhìn lên trên bản thân, như vậy sẽ thoát khỏi sự cám dỗ của thói vị kỷ, thói này làm mù mắt mục tử, bịt mất tiếng nói mục tử, vô hiệu hoá những việc làm của mục tử. Trước vô số những nẻo đường đang mở ra thu hút mối quan tâm mục vụ của anh em, hãy nhớ tập trung vào điều cốt lõi giúp mọi sự được thống nhất: “Các con đã làm việc đó cho Thầy” (Mt 25,31-45).
Chắc chắn sẽ hữu ích đối một giám mục, là có được tầm nhìn xa của một nhà lãnh đạo và sự nhạy bén của một nhà quản trị, nhưng chúng ta sẽ rơi vào thất vọng khi mơ hồ giữa quyền lực của kẻ có sức mạnh và sức mạnh của người không có quyền lực, chính loại sức mạnh này đã được Chúa dùng để cứu chuộc chúng ta. Các giám mục cần nhận thức rõ về trận chiến giữa ánh sáng và bóng tối diễn ra trên trần gian này. Nhưng khốn cho chúng ta nếu biến thập giá thành biểu ngữ cho những cuộc tranh đấu trần tục và không nhận ra cái giá của chiến thắng bất diệt là để cho mình chịu thương tích và tiêu hao đi (Pl 2,1-11).
Tất cả chúng ta đều biết Nhóm Mười Một đầu tiên đã cảm thấy lo lắng như thế nào, khi túm tụm lại với nhau, chìm trong sợ hãi quá đỗi trước cảnh đoàn chiên tan tác vì mục tử đã bị đánh. Nhưng chúng ta cũng biết mình đã được ban cho thần khí can đảm và không nhát sợ. Vì thế chúng ta không thể để mình tê liệt vì sợ hãi.
Tôi biết anh em đang đứng trước nhiều thách đố, biết cánh đồng anh em gieo hạt thì khô cằn và ở đó luôn luôn có chiều hướng để mặc cho sợ hãi, cô đơn, nuối tiếc thời đã qua và đưa ra những phản ứng gay gắt trước sự đối kháng quyết liệt.
Nhưng chúng ta lại là những người cổ võ cho nền văn hoá gặp gỡ. Chúng ta là những bí tích sống động của vòng tay ôm lấy sự giàu có của Thiên Chúa và phận nghèo của chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân cho sự khiêm hạ và nhún nhường của Thiên Chúa, Đấng đã lấy tình yêu thực hiện trước khi từng người chúng ta đáp lại.
Đối thoại là phương pháp của chúng ta, chứ không phải một chiến lược tuy khôn khéo nhưng lại không trung tín với Đấng chẳng hề chán lui tới chốn kẻ chợ đến tận giờ thứ mười một để đưa ra lời đề nghị yêu thương (Mt 20,1-16).
Vậy con đường mở ra phía trước là sự đối thoại trong anh em giám mục với nhau, trong linh mục đoàn của anh em, đối thoại với giáo dân, với các gia đình, với xã hội. Tôi tha thiết khuyên anh em đừng sợ đối thoại. Di sản càng phong phú, anh em càng phải chia sẻ với cung cách parrhesia (hùng hồn), càng hùng hồn giới thiệu di sản thì càng phải khiêm nhường. Đừng sợ phải thực hiện cuộc “xuất hành” cần cho mọi đối thoại đích thực. Nếu không, chúng ta không hiểu được suy nghĩ của người khác, cũng không thấu hiểu sâu xa nỗi niềm của người anh em hoặc chị em chúng ta đang muốn tiếp cận và cứu chuộc; hãy dùng sức mạnh và sự gần gũi của tình yêu, chứ đừng tính đến quan điểm của họ mà chúng ta vẫn cho rằng quá xa với những gì chúng ta bám lấy và coi là chân lý vững chắc. Nói năng nghiệt ngã và chia rẽ thì không xứng hợp với miệng lưỡi của một mục tử, càng không có chỗ trong trái tim của ngài; dù có thể trong giây lát xem ra thắng lợi, nhưng vẻ quyến rũ lâu bền của sự thiện và tình yêu mới thật sự chinh phục.
Chúng ta cần để cho lời Chúa vang mãi trong lòng mình: “Hãy mang lấy ách của Thầy và học nơi Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các con sẽ được bồi dưỡng” (Mt 11,28-30). Ách của Chúa Giêsu là ách tình yêu và vì thế là lời hứa mang lại sự bồi bổ. Có những khi trong công việc chúng ta cảm thấy mang gánh nặng của sự cô độc, và như vậy thấy ách quá nặng nề đến nỗi quên rằng ách là do Chúa trao cho mình. Cứ tưởng rằng ách là của riêng mình và cứ thế kéo lê như con bò mệt nhọc trên cánh đồng khô hạn, buồn bã nghĩ mình làm lụng mà chẳng được tích sự gì. Chúng ta có thể quên mất sự bồi bổ sâu xa được liên kết không thể phân ly với Đấng đã hứa với chúng ta.
Chúng ta cần học nơi Chúa Giêsu, hoặc tốt hơn hãy học biết Chúa Giêsu, Đấng hiền hậu và khiêm nhường; để trở nên hiền hậu và khiêm nhường như Chúa Giêsu qua việc chiêm ngắm cách hành động của Người; để dẫn dắt Giáo hội và người dân chúng ta –thường xuyên chịu gánh nặng những căng thẳng trong cuộc sống đời thường– dễ đón lấy ách của Chúa. Nhớ rằng Giáo hội của Chúa Giêsu được gìn giữ toàn vẹn không phải bằng “lửa từ trời” (Lc 9,54) mà bằng sức nóng bí nhiệm của Thánh Thần đang “chữa mọi thương tích, uốn mọi cứng cỏi, nắn mọi quanh co”.
Sứ mệnh cao cả Chúa trao cho chúng ta, được chúng ta thi hành trong sự hiệp thông, tính hiệp đoàn. Thế giới đã bị xâu xé và chia rẽ quá nhiều, giờ đây rạn nứt khắp nơi. Do đó, Giáo hội, “chiếc áo không có đường khâu của Chúa” không thể để mình bị rách nát, tan vỡ hoặc đấu đá nhau.
Sứ mạng của các giám mục trước hết và trên hết là củng cố sự hiệp nhất, một sự hiệp nhất có nội dung được xác định bởi Lời Chúa và Bánh Bởi Trời. Với Lời Chúa và Bánh Bởi Trời, mỗi Giáo hội được trao cho chúng ta vẫn còn là Công giáo, vì đều mở ra đón nhận và hiệp thông với tất cả các Giáo hội địa phương và với Giáo hội Roma là Giáo hội “đứng đầu trong đức ái”. Do đó phải trông nom, giữ gìn, cổ võ và làm chứng sự hiệp nhất trong Giáo hội, vì sự hiệp nhất này chính là dấu chỉ và khí cụ, vượt trên mọi rào cản, giúp cho các quốc gia, chủng tộc, giai tầng và thế hệ được hiệp nhất.
Xin cho Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp tới, khi cho chúng ta thấy chiều sâu khôn dò của trái tim Thiên Chúa là nơi không có sự ngự trị của chia rẽ, sẽ trở thành một thời điểm dành cho tất cả anh em dùng để củng cố sự hiệp thông, kiện toàn sự hiệp nhất, hoà giải những khác biệt, tha thứ cho nhau và hàn gắn mọi rạn nứt, để ánh sáng của anh em toả chiếu như “thành xây trên núi” (Mt 5,14).
Việc phục vụ cho sự hiệp nhất đặc biệt quan trọng đối với đất nước này, một đất nước có tầm vóc rộng lớn về vật chất và tinh thần, văn hoá và chính trị, nguồn lực khoa học và kỹ thuật đang đặt ra những trách nhiệm đạo đức đáng chú ý trong một thế giới đang kiếm tìm, loay hoay và nhọc nhằn, những cân bằng mới của hoà bình, thịnh vượng và hoà nhập. Đó là phần sứ mạng chính yếu của anh em nhằm cống hiến cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nắm men khiêm tốn nhưng mạnh mẽ làm dậy lên sự hiệp thông. Cầu mong toàn nhân loại nhận biết sự hiện diện của “bí tích hiệp nhất” (Lumen Gentium, 1) ở giữa loài người là một bảo đảm cho vận mệnh của nhân loại không bị hủy hoại và phân rã.
Việc làm chứng như thế sẽ trở thành ngọn đèn hải đăng chiếu ánh sáng giúp mọi người nam nữ đang đưa thuyền băng qua mây đen cuộc đời an tâm rằng chắc chắn có bến bờ đang đợi họ, họ sẽ không va vào đá hoặc bị sóng đánh chìm. Vậy tôi mong anh em hãy đương đầu với những thách đố của thời đại chúng ta. Luôn hiện diện trong mỗi con người là sự sống như một ơn ban và trách nhiệm. Nền tự do và phẩm giá của các xã hội chúng ta trong tương lai tùy thuộc vào cách chúng ta đương đầu với những thử thách này.
Nạn nhân vô tội của việc phá thai, trẻ em chết vì đói hoặc vì những cuộc đánh bom, các di dân chết trên đường đi tìm một tương lai sáng sủa hơn, người già hoặc người bệnh bị coi là gánh nặng, các nạn nhân của những cuộc khủng bố, chiến tranh, bạo lực hoặc buôn bán ma túy, môi trường bị tàn phá vì con người quan hệ với thiên nhiên theo lối hủy diệt – nguy cơ đối với tất cả những gì được Thiên Chúa ban tặng, trao cho chúng ta làm những người quản lý cao quý chứ không phải là ông chủ. Vậy, sẽ là sai lầm nếu làm ngơ hoặc làm thinh. Việc quan trọng không kém là Tin Mừng về Gia đình mà tôi và anh em cùng toàn thể Giáo hội sẽ mạnh mẽ công bố trong Đại hội Thế giới các Gia đình tại Philadelphia.
Những khía cạnh chính yếu trong sứ vụ của Hội Thánh thuộc về những điều cốt lõi chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là giữ gìn và thông truyền chúng, dù cho thời đại đang có xu hướng chống lại và kể cả thù nghịch với sứ điệp Tin Mừng (Evangelii Gaudium, 34-39). Xin anh em hãy làm chứng nhân cho sứ điệp đó, với những phương cách và sự sáng tạo nảy sinh từ tình yêu, và với sự khiêm nhường của chân lý. Sứ điệp Tin Mừng không những cần được rao giảng và loan báo bên ngoài mà còn phải có chỗ trong trái tim con người và lương tâm xã hội.
Tóm lại, điều quan trọng là Giáo hội tại Hoa Kỳ phải nên một mái ấm gia đình khiêm hạ, lôi cuốn mọi người nam nữ qua ánh sáng rạng ngời và tình yêu nồng ấm. Là những mục tử, chúng ta biết bóng tối dày đặc và cái lạnh buốt giá trong thế giới này; chúng ta biết có nhiều người đang rơi vào cảnh cô đơn và bị ruồng bỏ, dù đang sống giữa một thế giới đầy ắp thông tin và giàu có vật chất. Chúng ta thấy nỗi sợ hãi của họ khi đứng trước cuộc sống, những thất vọng và nhiều kiểu chạy trốn khỏi những nỗi thất vọng ấy.
Do đó, chỉ còn Giáo hội mới có thể quy tụ bên ngọn lửa hồng gia đình để thu hút mọi người. Và không phải ngọn lửa bất kỳ nào, nhưng là ngọn lửa được thắp lên vào buổi sáng Phục Sinh. Chính Chúa Phục Sinh tiếp tục đòi các mục tử phải nghe thấu lời van nài rụt rè từ rất nhiều anh chị em của chúng ta: “Các anh có gì ăn không?” Chúng ta cần nhận ra tiếng Chúa, như các tông đồ tại bờ hồ Tibêriat (Ga 21,4-12). Quan trọng hơn nữa là phải vững tin vào những đốm lửa sự hiện diện của Chúa, được thắp lên từ ngọn lửa cuộc khổ nạn của Người, đang ở trước mắt chúng ta và không bao giờ tàn lụi. Bất cứ lúc nào nhụt mất niềm xác tín này, chúng ta không còn là người ủ tro, cũng chẳng còn là người bảo vệ, phân phát ánh sáng thật và nguồn nhiệt sưởi ấm cõi lòng chúng ta (Lc 24,32)
Trước khi kết thúc những suy tư này, cho phép tôi nêu lên hai đề nghị tôi vẫn canh cánh bên lòng. Đề nghị thứ nhất liên quan đến vai trò làm cha của anh em trong tư cách giám mục. Anh em hãy là những mục tử gần gũi đoàn dân, mục tử là những người hàng xóm và phục vụ. Hãy đặc biệt thể hiện cung cách gần gũi này đối với các linh mục của anh em. Hãy nâng đỡ các linh mục để họ có thể tiếp tục phục vụ Chúa Kitô với trái tim không chia sẻ, vì chỉ có trái tim trọn vẹn như vậy mới đủ điều kiện là các thừa tác viên của Chúa Kitô. Vậy tôi xin anh em đừng để các linh mục bằng lòng với sự nửa vời. Hãy tìm cách khuyến khích các linh mục thăng tiến đời sống thiêng liêng để họ không bị cám dỗ thành các ký lục và viên chức bàn giấy, mà thay vào đó, linh mục là tia phản chiếu vai trò làm mẹ của Giáo hội, sinh ra và nuôi dưỡng các con cái của Người. Hãy lưu ý đừng để các linh mục uể oải ngồi dậy trả lời những người gõ cửa lúc nửa đêm, ngay cả khi thấy mình có quyền nghỉ ngơi (Lc 11,5-8). Hãy huấn luyện các linh mục biết sẵn sàng dừng lại, cúi xuống, nâng dậy và giúp những người mình “tình cờ” gặp họ đã bị lột sạch những gì họ tưởng đã có (Lc 10,29-37).
Đề nghị thứ hai liên quan đến người nhập cư. Xin anh em thứ lỗi nếu cách nào đó tôi lại biện minh cho trường hợp riêng của mình. Giáo hội tại Hoa Kỳ cũng như một số người đã biết về những hy vọng đang có trong lòng những người “hành hương” này. Ngay từ đầu anh em đã học ngôn ngữ của họ, khích lệ trường hợp của họ, hoà vào những đóng góp của họ, bảo vệ quyền lợi cho họ, giúp họ ăn nên làm ra, duy trì ngọn lửa đức tin của họ. Kể cả ngày nay, không một tổ chức nào của Hoa Kỳ lại làm được nhiều việc cho người di dân hơn các cộng đoàn Kitô giáo. Bây giờ anh em đang đứng trước dòng người nhập cư Latinh đang ảnh hưởng đến nhiều giáo phận của anh em. Không chỉ là Giám mục Roma, mà còn là một mục tử đến từ Nam Mỹ, tôi thấy cần phải cảm ơn và khích lệ anh em. Có lẽ anh em sẽ không dễ dàng nhìn vào được tâm hồn họ; có lẽ anh em cảm thấy bị thách đố trước sự đa dạng của họ. Nhưng anh em hãy biết họ còn có cả nguồn tài nguyên muốn được chia sẻ. Vì thế anh em đừng sợ phải đón tiếp họ. Anh em hãy dành cho họ tình yêu nồng ấm của Đức Kitô và anh em sẽ khám phá mầu nhiệm của cõi lòng họ. Tôi tin chắc, cũng như trong quá khứ, rồi đây những người dân này sẽ làm phong phú nước Mỹ và Giáo hội tại quốc gia này.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh em và xin Đức Mẹ phù hộ anh em!
Nguồn hđgmvietnam | Thành Thi chuyển ngữ